Thứ 2, 18/11/2024, 18:32[GMT+7]

Nga chính thức thả nổi đồng ruble

Thứ 3, 11/11/2014 | 14:08:42
1,384 lượt xem
Ngày 10/11, Ngân hàng Trung ương Nga tuyên bố thả nổi tỷ giá đổng ruble thông qua quyết định sẽ xoá bỏ biên độ giới hạn của giá trị rổ tiền tệ và sự can thiệp thường xuyên vào thị trường ngoại hối trong phạm vi biên độ này.

Như vậy, đồng nghĩa rằng tỷ giá ruble phụ thuộc vào các yếu tố thị trường. Theo đó, từ thời điểm này, Ngân hàng Trung ương Nga sẽ thi hành chính sách tín dụng - tiền tệ hướng tới lạm phát mục tiêu chứ không nhằm duy trì tỷ giá đồng nội tệ. Điều này sẽ giúp tăng cường hiệu quả của chính sách tín dụng - tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nga và ổn định giá. Ngoài ra, Ngân hàng Trung ương Nga cũng giữ quyền can thiệp vào thị trường tiền tệ bất kỳ khi nào xuất hiện nguy cơ đe dọa ổn định tài chính.

Các chuyên gia cho rằng, quyết định này sẽ khiến những kẻ đầu cơ mất phương hướng trên thị trường ngoại tệ và trong ngắn hạn sẽ giúp ổn định tỷ giá đồng ruble so với USD và euro.

Trước đó, giới chức Ngân hàng Trung ương Nga cho rằng đồng ruble hiện đang bị thị trường định giá thấp trong bối cảnh giá dầu giảm và phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga và dự định đến đầu năm 2015 sẽ thả nổi đồng ruble. Nay thì việc thả nổi diễn ra sớm hơn hai tháng so với dự tính. Tính từ đầu năm nay, đồng tiền Nga đã mất giá 46% so với USD.

Có hai nguyên nhân Ngân hàng Trung ương Nga ngừng can thiệp nâng đỡ tỷ giá hối đoái. Một là, chống lại tình trạng chảy máu vốn. Nga cần bảo vệ dự trữ vàng và ngoại tệ của mình. Dự trữ ngoại tệ 400 tỷ USD là khá lớn, tuy nhiên nước này cần một lớp đệm để chống lại tình trạng vốn chảy máu vốn. Thay vì phung phí dự trữ ngoại hối để duy trì tỷ giá hối đoái, Ngân hàng Trung ương Nga muốn duy trì tỷ giá này sao cho có thể ngăn chặn một lượng lớn tài sản bằng đồng ruble chảy ra nước ngoài - tình trạng mà theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) có thể lên tới 100 tỷ USD trong năm nay và ở mức cao trong năm tiếp theo.

Hai là, giảm tác động của giá dầu. Ngân sách Nga được hình thành dựa trên giá dầu Brent ở mức 100 USD/thùng. Giá dầu hiện này dao động trong khoảng 84 USD/thùng. Tuy nhiên, nếu quy giá dầu theo ruble, chúng ta có thể thấy hiện Nga thu về từ mỗi thùng dầu (84 USD/thùng với tỷ giá khoảng 45 ruble/USD), không khác gì so với mức giá hồi đầu năm (110 USD/thùng với tỷ giá 33 ruble/USD).

Từ tháng 3/2014, khi đồng ruble mất giá mạnh, Ngân hàng Trung ương Nga đã điều chỉnh chính sách điều hành tỷ giá hối đoái và "tấn công" tâm lý đầu cơ trên thị trường bằng những can thiệp mạnh tay. Cũng trong tháng 3 vừa qua, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng mạnh lãi suất chủ chốt (thêm 1,5%). Tuy nhiên, ngày 5/11, Ngân hàng Trung ương Nga lại bất ngờ đánh tín hiệu sẽ kiềm chế can thiệp vào thị trường ngoại hối khi mỗi ngày chỉ bơm ra tối đa 350 triệu USD khiến đồng ruble giảm giá mạnh. Con số này quá ít ỏi nếu so với lượng tiền Ngân hàng Trung ương này đã tung ra trong tuần qua, đó là chưa kể hàng chục tỷ USD chi từ đầu năm trước sự kiện Crimea sáp nhập vào Nga.

Động thái bán ra dự trữ ngoại tệ và tăng lãi suất đã không thể ngăn đồng ruble mất giá. Điện Kremlin có lẽ không hài lòng với kết quả này khi trong các đồng tiền trên thế giới, chỉ có đồng hryvnia của Ukraine và đồng cedi của Ghana giảm giá mạnh hơn đồng ruble Nga.

Các biện pháp trừng phạt của Mỹ và phương Tây đã giáng một đòn mạnh vào khu vực tài chính của Nga, giới hạn khả năng của những ngân hàng lớn nhất nước này tham gia vào hệ thống tài chính toàn cầu. Để đối phó với tình trạng này, Ngân hàng Trung ương Nga đã liên tiếp tăng tỷ lệ lãi chính để hỗ trợ đồng tiền, bao gồm tăng 1,5% lãi suất tới 9,5% hiện nay. Theo lý thuyết, tỷ lệ lãi cao có thể khuyến khích đồng tiền ở lại các tài khoản ngân hàng Nga hơn là bị đổi sang USD hay gửi đi nước ngoài.

Hồi cuối tháng 10, Ngân hàng Trung ương Nga cũng đã chi hơn 10 tỷ USD để mua lại các đồng ruble từ các ngân hàng. Theo chuyên gia Timothy Ash của ngân hàng Standard, Ngân hàng Trung ương Nga đã tiêu tốn khoảng 93 tỷ USD trong nguồn ngoại tệ dự trữ 420 tỷ USD.

Song song với việc đưa ra nhiều giải pháp để giữ giá đồng ruble, từ tháng 9/2012, Nga đã lặng lẽ tăng lượng vàng dự trữ. Đến tháng trước, nước này có trong tay 1.094,7 tấn, cao nhất từ năm 1993. Với số liệu này, Nga cũng vượt qua Thụy Sĩ và Trung Quốc để trở thành nước dự trữ vàng nhiều thứ 6 thế giới. Đây là một phần chiến lược đa dạng hóa dự trữ ngoại hối của Nga. Nguyên nhân là USD và euro chiếm phần lớn khối dự trữ này. Tuy nhiên, bất chấp việc lượng dự trữ vàng tăng, kim loại quý vẫn chỉ chiếm 9,7% tổng dự trữ của Nga. Theo bà Kseniya Yudaeva - Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Nga, Ngân hàng Trung ương có thể sẽ bán vàng để có vốn nhập khẩu hàng hóa "nếu cần thiết".

Nhiều ý kiến cho rằng, nền kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD của Nga đang bên bờ vực suy thoái. Song dường như đó chỉ là kịch bản xấu nhất và không dễ xảy ra.

Phát biểu tại Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết các chỉ số chủ chốt về dự trữ vàng-ngoại tệ và cán cân thanh toán của Nga vẫn tốt. Điều này cho phép Nga kiểm soát tình hình mà không cần thêm các biện pháp đặc biệt. Ông bày tỏ tin tưởng tình hình trên thị trường ngoại hối “sẽ cân bằng thích hợp”. Theo ông Putin, tình trạng mất giá không phanh do đầu cơ của đồng ruble sẽ sớm kết thúc, một phần nhờ các biện pháp của Ngân hàng Trung ương Nga. Ông tin tưởng các sự kiện hiện nay trên thị trường ngoại hối hoàn toàn không liên quan tới các nguyên nhân và yếu tố kinh tế cơ bản của Nga.

Bất chấp một thực tế không thể phủ nhận là kinh tế Nga bị ảnh hưởng từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, song giới chuyên môn dự báo rằng tình hình vẫn trong tầm kiểm soát của Nga và đồng ruble có thể được bình ổn trước cuối năm nay, khi mà nước này áp dụng các “liệu pháp” mạnh, như việc thả nổi đồng ruble./.

Theo baodientu.chinhphu.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày