Chủ nhật, 24/11/2024, 05:53[GMT+7]

Cần Thơ: Nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước

Thứ 3, 26/03/2019 | 17:01:24
1,545 lượt xem
Trong thời gian qua, quá trình phát triển đô thị, khu - cụm công nghiệp đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng nguồn nước các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn TP. Cần Thơ. Thêm vào đó, sự gia tăng dân số cơ học; nhu cầu sử dụng nước ngày càng cao của tổ chức, cá nhân cũng làm cho nguồn nước mặt, nước ngầm ở thành phố này đang ngày một suy giảm.

Các cơ quan chức năng TP. Cần Thơ thực hiện nhiều giải pháp để bảo vệ chất lượng nguồn nước mặt sông Hậu, sông Cần Thơ

Quản lý chặt cấp phép khai thác, xả thải  

Từ thực tế đó, nhằm bảo đảm chất lượng, khối lượng nguồn tài nguyên nước phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt, sản xuất cũng như phát triển kinh tế - xã hội của thành phố hiện tại và tương lai, trong thời gian qua, các ngành chức năng của TP. Cần Thơ đã và đang tập trung triển khai thực hiện các giải pháp để sử dụng hiệu quả, bền vững nguồn tài nguyên nước này.

Trên cơ sở quy định của Luật Tài nguyên nước 2012 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, TP. Cần Thơ cũng đã triển khai thực hiện quy hoạch tài nguyên nước trên địa bàn thành phố; điều tra cơ bản tài nguyên nước; lập danh mục hành lang bảo vệ nguồn nước phục vụ cho công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trên địa bàn thành phố đi vào nền nếp, hiệu quả.

Ông Lương Hồng Tân, Phó trưởng Phòng Khoáng sản và Tài nguyên nước (Sở TN&MT TP. Cần Thơ) cho biết: Hiện nay, Đề án xây dựng danh mục các nguồn nước phải lập hành lang bảo vệ trên địa bàn TP. Cần Thơ đã được Hội đồng thẩm định cấp thành phố thông qua, và hiện Sở Tài chính đang rà soát các cơ sở pháp lý, định mức kinh tế kỹ thuật… để trình UBND TP. Cần Thơ phê duyệt triển khai thực hiện dự án.

“Bảo vệ tài nguyên nước đã được luật hóa tại Luật Tài nguyên nước năm 2012, trong đó nổi bật là Nghị định 43/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định hành lang bảo vệ nguồn nước nhằm phòng chống ô nhiễm, suy thoái và cạn kiệt nguồn nước, điều này có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc, giúp TP. Cần Thơ chủ động trong việc quản lý, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước” - ông Lương Hồng Tân cho biết thêm.

Bên cạnh đó, Sở TN&MT TP. Cần Thơ cũng siết chặt việc cấp giấy phép, gia hạn giấy phép khai thác nước mặt, nước ngầm và nguồn xả thải tại đô thị, khu, cụm công nghiệp,… trên địa bàn thành phố. Cũng theo ông Lương Hồng Tân, trong thời gian qua, công tác cấp phép khai thác, sử dụng nước mặt, nước dưới đất và xả nước thải vào nguồn nước trên địa bàn thành phố đã được thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Trong đó, nguồn nước thải phát sinh trong quá trình sản xuất của các công ty, xí nghiệp… phải được xử lý đạt quy chuẩn trước khi thải ra các sông, kênh, rạch. Việc cấp phép khai thác tài nguyên nước cũng được thực hiện đúng theo chỉ đạo của UBND TP. Cần Thơ. Cụ thể, nơi nào đã có hệ thống cấp nước máy đảm bảo cung cấp về số lượng, chất lượng thì không cấp và gia hạn giấy phép khai thác tài nguyên nước nhằm bảo vệ tài nguyên nước trong điều kiện biến đổi khí hậu đang ngày một gia tăng.

Đối với chương trình quan trắc động thái nước dưới đất cũng đã được quan tâm thực hiện theo kế hoạch hàng năm, tính đến cuối năm 2018, Sở TN&MT TP. Cần Thơ đã hoàn thành 100% chỉ tiêu kế hoạch được giao. Trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tài nguyên nước đã được tổ chức thường xuyên với nhiều hình thức, qua đó đã kịp thời truyền tải những thông tin cần thiết đến các đơn vị, đối tượng có liên quan cùng thực hiện.


Việc TP. Cần Thơ đầu tư trạm quan trắc nước mặt tự động liên tục giúp cho công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước hiệu quả hơn

Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo

Với mục tiêu thực hiện công tác quan trắc chất lượng môi trường nước mặt từ các hoạt động khu công nghiệp tập trung, nước thải sinh hoạt khu dân cư đô thị tổng hợp. Đồng thời, hỗ trợ đánh giá mức độ ô nhiễm đến nguồn nước cấp sinh hoạt, cung cấp thông tin kịp thời, chia sẽ số liệu quan trắc liên tục về chất lượng nước mặt tuyến sông Hậu, sông Cần Thơ nhằm phục vụ cho việc xử lý và cung cấp nước sạch cho người dân.

Theo đó, từ năm 2015 đến nay, TP. Cần Thơ đã đầu tư xây dựng hoàn chỉnh và đưa vào vận hành 04 trạm quan trắc nước mặt tự động liên tục. Các trạm quan trắc nước mặt tự động liên lục này được đặt tại những khu vực quan trọng như: Trạm bơm cấp 1 của Nhà máy nước Cần Thơ (quận Ninh Kiều); KCN Trà Nóc 2 (quận Bình Thủy); KCN Thốt Nốt và KCN Hưng Phú 1 (quận Cái Răng).

Cùng với đó, các trạm quan trắc nước mặt tự động, liên tục sẽ quan trắc các thông số như pH, DO, TDS, COD, Amoni,…; đồng thời, cung cấp dữ liệu, diễn biến chất lượng môi trường nước liên tục theo thời gian và không gian, giúp cơ quan quản lý về bảo vệ môi trường nước của TP. Cần Thơ dự báo, cảnh báo kịp thời và đưa ra các biện pháp phù hợp để quản lý và bảo vệ nguồn nước mặt trên địa bàn thành phố.

“Việc đầu tư xây dựng, triển khai hoạt động các trạm quan trắc môi trường tự động, liên tục đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp cho cơ quan quản lý nắm bắt thông tin nhanh hơn, kịp thời hơn trước những diễn biến thay đổi đột ngột của môi trường nước mặt để đưa ra các biện pháp, giải pháp khắc phục kịp thời, hiệu quả” - Phó Giám đốc Trung tâm Quan trắc TN&MT (Sở TN&MT TP. Cần Thơ) Đoàn Thanh Tâm thông tin.

Để công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên nước tại địa phương đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới, Sở TN&MT TP. Cần Thơ kiến nghị Bộ TN&MT hướng dẫn thi hành Điều 20 Nghị định 43/2015/NĐ-CP; hướng dẫn xác định hệ số chất lượng nguồn nước khai thác K1 để đảm bảo thống nhất áp dụng trên toàn quốc; quy định thực hiện đối với trường hợp bổ sung tính tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước kể từ ngày 01/9/2017 đến ngày được cấp giấy phép mới; quy định mẫu báo cáo tình hình thực hiện giấy phép hàng năm của chủ giấy phép; ban hành mẫu thống nhất quyết định phê duyệt vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước.

Theo baotainguyenmoitruong.vn

 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày