Thứ 7, 23/11/2024, 09:27[GMT+7]

Khi chất lượng cuộc sống là thước đo nông thôn mới

Thứ 6, 18/09/2020 | 15:06:07
998 lượt xem
Nếu chọn một điểm nhấn sau 10 năm Hà Nam xây dựng NTM, nhiều người sẽ nghĩ đến con số thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn đã tăng gấp hơn 3 lần.

Người dân hiến khoảng 300ha đất

Bình quân mỗi năm, tỉnh Hà Nam huy động từ các nguồn cho Chương trình xây dựng nông thôn mới trên 1.600 tỷ đồng; bình quân/xã là trên 149,3 tỷ đồng. Đó thành quả lớn, nhưng điều có ý nghĩa hơn cả, đó là cuộc vận động phong trào toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới đã thực sự đi vào cuộc sống.

Bằng chứng là các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ số tiền trên 30 tỷ đồng; người dân hiến khoảng 300ha đất để làm đường giao thông thôn, xóm. Điển hình như hộ gia đình ông Trương Trọng Sứ (xóm 1A, xã Xuân Khê, huyện Lý Nhân) hiến 308 m2 đất vườn; ông Trần Thế Tuấn (thôn 7, xã Bồ Đề, huyện Bình Lục) hiến 300 m2 đất vườn;…

Tính đến nay, trên địa bàn tỉnh 98/98 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 100%. So với Nghị quyết số 03-NQ/TU của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 547/KH-UBND của UBND tỉnh vượt 49 xã (100%) và sớm hơn một năm.

Đạt được thành quả trên là do lấy người dân làm trung tâm, lấy sự thay đổi trong đời sống người dân làm thước đo khi đánh giá hoàn thành bộ tiêu chí NTM.

Còn nhớ năm 2010, thu nhập người dân nông thôn tỉnh Hà Nam chỉ 15 triệu đồng/người/năm nhưng đến nay đã tăng gấp hơn 3 lần (từ 46 triệu đồng/người/năm trở lên.

Các hình thức tổ chức phát triển kinh tế trong nông thôn đã phát triển tạo điều kiện giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho nông dân. Đặc biệt, có  41 hợp tác xã thành lập mới theo mô hình ít thành viên và các tổ hợp tác tham gia sản xuất nông sản an toàn làm vệ tinh liên kết chuỗi giá trị.

Thông qua việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, phát triển vùng sản xuất quy mô lớn, an toàn thực phẩm, sản xuất theo chuỗi liên kết, tỉnh Hà Nam đã thu hút được một số doanh nghiệp như VinEco, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao Hà Nam, Công ty CP Nông nghiệp công nghệ cao Phù Vân, Công ty CP sữa Việt Nam Vinamilk... đầu tư với tổng diện tích 656,22 ha.

Chuyển hướng sản xuất từ lượng sang chất

Tại huyện Lý Nhân, để nâng cao thu nhập cho người dân, cấp ủy, chính quyền định hướng chuyển dịch sản xuất từ “lượng sang chất”. Nhờ đó hình thành 22 vùng sản xuất chuyên canh tập trung theo mô hình “cánh đồng mẫu” với diện tích 260 ha, cho hiệu quả kinh tế cao, trong đó 2 vụ lúa có liên kết theo chuỗi giá trị với các Công ty Giống cây trồng Trung ương, ThaiBinh Seed, Công ty Vật tư Nông nghiệp Nghệ An,... giá trị thu được 180 - 200 triệu đồng/ha/năm (cao hơn từ 15 - 20% so với sản xuất đại trà).

Hình thành 15 vùng hàng hóa tập trung với tổng diện tích 1.390 ha (sản xuất bí xanh, bí đỏ, dưa xuất khẩu) cho giá trị 160 - 180 triệu đồng/ha/vụ.

Lý Nhân được quy hoạch trọng điểm về sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, UBND huyện chỉ đạo thực hiện đề án tích tụ ruộng đất để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao liên kết theo chuỗi giá trị. Đến nay, đã thực hiện 02 khu xuất nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích 204,18 ha thu hút hai doanh nghiệp đầu tư khu nhà kính, nhà lưới sản xuất các loại rau, củ, dưa lưới, ngô giống,…

Còn tại huyện Bình Lục, mô hình sản xuất dưa vân lưới công nghệ cao theo chuỗi có 4 hộ dân tham gia với tổng diện tích 2.098 m2 (mỗi mô hình là 512 m2). Từ mô hình liên kết sản xuất cho giá trị thu nhập là 103,4 triệu đồng/năm, quy ra ha là 2,02 tỷ đồng/ha/năm.

Đó chỉ là những điểm nhấn, trong bức tranh sản xuất khởi sắc của tỉnh Hà Nam sau 10 năm xây dựng nông thôn mới. Phấn đấu hết năm 2020 tỉnh Hà Nam hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt trên 52 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí nông thôn mới còn 0,65%.

Để làm được điều đó, giải pháp tỉnh Hà Nam đưa ra là iếp tục đẩy mạnh thực hiện tích tụ ruộng đất để phát triển nông nghiệp công nghệ cao; cánh đồng mẫu lớn; phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt.

Sản xuất theo hướng hàng hoá; xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản phẩm nông nghiệp; phát triển các sản phẩm đặc sản, thế mạnh của địa phương theo chu trình OCOP (mỗi xã một sản phẩm), gắn với xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường tiêu thụ.

Theo nongnghiep.vn