Thứ 7, 09/11/2024, 22:32[GMT+7]

Hải Phòng: Diện mạo nông thôn thay 'áo mới'

Thứ 7, 19/09/2020 | 09:37:15
1,222 lượt xem
Qua 5 năm thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững (giai đoạn 2016-2020) diện mạo khu vực nông thôn của TP Hải Phòng có nhiều khởi sắc, người dân tích cực lao động, sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Chính sách giảm nghèo bền vững song hành cùng chương trình nông thôn mới khiến diện mạo nông thôn tại Hải Phòng thêm khởi sắc

Đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt, tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh đã góp phần thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo- Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Nhân rộng 280 mô hình giảm nghèo

Quá trình thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững TP Hải Phòng đã lồng ghép hiệu quả cùng Chương trình MTQG nông thôn mới giúp người dân khu vực nông thôn phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững.

Đến nay, diện mạo nông thôn tại Hải Phòng có nhiều khởi sắc, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt, tỉ lệ lao động khu vực nông thôn có việc làm thường xuyên trên 90%, thu nhập bình quân người dân nông thôn ước đạt 43,3 triệu đồng/người/năm (tăng 6,4 % so với năm 2015). Chương trình MTGQ xây dựng nông thôn mới đã góp phần giảm nghèo bền vững, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều ở khu vực nông thôn năm 2019 đạt 1.02% (giảm 4,1% so với năm 2015).

Theo thông tin từ Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP Hải Phòng, năm 2016 tỉ lệ hộ nghèo toàn thành phố giảm từ 3.86% xuống 2.81%; năm 2017 giảm còn 2.06%; năm 2018 giảm còn 1,41%; năm 2019 giảm còn 0,72%; năm 2020 dự kiến giảm còn 0,22%. Tỉ lệ hộ cận nghèo giảm từ 3,10% (năm 2016) xuống còn 2,14% (năm 2019).

Năm 2019, Hải Phòng hoàn thành việc xây dựng, triển khai và nhân rộng 280 mô hình giảm nghèo ở 14 quận, huyện trên địa bàn thành phố, đạt 100% chỉ tiêu theo Kế hoạch của UBND TP về thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020.

Các hộ gia đình đã triển khai có hiệu quả các loại hình sản xuất, dịch vụ như: chăn nuôi, nghề thủ công, trồng rau sạch, nuôi trồng thủy sản, trồng cây cảnh… cho hộ nghèo tại các quận, huyện, xã, phường, thị trấn, nhằm tạo thêm việc làm cho người thuộc hộ nghèo trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển đổi nghề, tạo sinh kế. 100% các hộ gia đình thực hiện xây dựng mô hình giảm nghèo đều thoát nghèo bền vững và tiếp tục phát triển hơn nữa đời sống vật chất tinh thần. Góp phần giảm tỉ lệ hộ nghèo của thành phố.

Được hỗ trợ vay vốn, nhiều hộ dân đã tích cực sản xuất tăng thu nhập cho gia đình

Triển khai kịp thời các chương trình giảm nghèo

5 năm thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Hải Phòng đã tạo điều kiện cho hơn 10.771 lượt hộ nghèo được vay vốn, bình quân mỗi hộ 35 triệu đồng; 27.602 lượt hộ cận nghèo được vay vốn, mỗi hộ bình quân 37 triệu đồng; 18.494 lượt hộ mới thoát nghèo đượcvay mỗi hộ trung bình 39 triệu đồng.

Có 1.830 học sinh, sinh viên còn hộ nghèo được vay vốn, mỗi học sinh, sinh viên được vay 45 triệu đồng, góp phần giảm bớt khó khăn cho các hộ nghèo. Toàn thành phố có 23.509 lượt học sinh con hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ chi phí học tập và miễn, giảm học phí.

Chương trình vay vốn đi xuất khẩu lao động Hải Phòng đã giải ngân 130 triệu đồng hỗ trợ vay vốn cho 2 hộ nghèo.

Đời sống người dân được cải thiện hơn nhờ chương trình cho vay nước sạch, vệ sinh môi trường. Toàn TP Hải Phòng có 54.815 lượt hộ nghèo được vay vốn để xây dựng các công trình nước sạch, công trình vệ sinh đảm bảo môi trường ở nông thôn.

Đến nay, tỉ lệ người dân nông thôn được cung cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 98,6%, trong đó có 86,3% hộ được sử dụng nước sạch. Tỉ lệ người dân nghèo được sử dụng nước hợp vệ sinh là 85,54%.

Hiện có 482 hộ nghèo được vay vốn hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà, trung bình mỗi hộ nghèo được vay 25 triệu đồng. Thành phố cũng hỗ trợ tiền điện cho 56.164 lượt hộ nghèo với tổng kinh phí là 29.003 triệu đồng.

Ngoài ra, quỹ “Vì người nghèo” các cấp, quận, huyện và các hội đoàn thể từ nguồn vận động đóng góp của mọi tầng lớp nhân dân, sự ủng hộ của các đơn vị doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 1.134 nhà đại đoàn kết với tổng kinh phí gần 41.701 triệu đồng.

Để người dân có công ăn việc làm ổn định, Hải Phòng đã hỗ trợ dạy nghề miễn phí cho 989 người nghèo, người cận nghèo với tổng kinh phí là 3.060 triệu đồng. 90% người nghèo, người cận nghèo sau khi được học nghề tìm được việc làm, tạo ra thu nhập từng bước ổn định cuộc sống.

Thông qua các hoạt động của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và các tổ chức hội, đoàn thể, các địa phương tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất cho người nghèo, người cận nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Trong đó tập trung thực hiện tốt một số chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, phát triển ngàng nghề, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ tổ chức, phát triển sản xuất bằng những hoạt động cụ thể như: Hỗ trợ giống cây trồng, con vật nuôi, phân bón, thức ăn gia súc, vật tư, dụng cụ sản xuất…tạo cơ hội cho người nghèo ổn định cuộc sống, việc làm, phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa phương.

Đây là bài viết tuyên trruyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ TTTT.

Theo giaoducthoidai.vn