Lai Châu: Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch cộng đồng vùng Tây Bắc
Ngày mới ở vùng biên
Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM đã thực sự tạo chuyển biến về diện mạo cho nhiều địa phương tại tỉnh Lai Châu. Đời sống của cộng đồng các dân tộc nơi đây cũng không ngừng được cải thiện nhờ đa dạng nguồn sinh kế.
Đa dạng sinh kế từ du lịch cộng đồng
Nằm bên đỉnh Sơn Bạc Mây, xã Sin Suối Hồ (huyện Phong Thổ) là địa phương giáp biên giới còn nhiều khó khăn của tỉnh Lai Châu. Song, nhờ được thụ hưởng chính sách đầu tư từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của xã Sin Suối Hồ từng bước được nâng cấp. Năm 2015, địa phương vùng biên đã về đích NTM.
Đến thăm Sin Suối Hồ vào một ngày giữa tháng 10, hai bên đường, những cánh đồng ruộng bậc thang đang độ thu hoạch lúa, bạt ngàn một màu vàng óng. Con đường về bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ) được cứng hóa chạy qua những nếp nhà nhỏ xinh. Những lối nhỏ dẫn đến các hộ dân trong bản đều được dọn dẹp sạch sẽ, phong quang. Hoa địa lan được trồng dọc lối đi lên cao dần, tô điểm cho bản làng bên đỉnh Sơn Bạc Mây.
Trưởng bản Sin Suối Hồ Vàng A Chỉnh cho biết, trong bản người dân không hút thuốc, không chơi cờ bạc, không uống rượu, không vứt rác bừa bãi. Từ năm 2015, bản cũng không còn người nghiện hút. Cũng bởi vậy mà nơi đây được nhiều người đặt cho tên gọi là bản “5 không”. “Người trong bản bảo ban nhau giữ gìn vệ sinh môi trường, tránh xa tệ nạn; cùng làm dịch vụ du lịch…” - ông Vàng A Chỉnh nói.
Sin Suối Hồ chỉ là một trong số nhiều địa phương tại tỉnh Lai Châu được hưởng lợi từ Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM. Từ thành quả bước đầu của chủ trương đúng đắn, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung phát triển mô hình kinh tế mới, phù hợp với tiềm năng, lợi thế. Trong đó, du lịch cộng đồng đang mang lại những hiệu quả tích cực.
Từ năm 2016, khi huyện Tam Đường triển khai Đề án phát triển du lịch cộng đồng, anh Vàng Văn Ban ở bản Hon (xã Bản Hon) đã đầu tư chỉnh trang ngôi nhà sàn để đón khách du lịch. Thay vì chỉ trông vào cây lúa, cây ngô và chăn nuôi gia súc, gia cầm, hàng tháng anh Ban có thêm nguồn thu từ dịch vụ du lịch.
Tương tự, hộ anh Sùng A Phùa (ở bản Sin Suối Hồ) hiện trồng hơn 400 gốc hoa địa lan, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng. Điều đáng nói, người dân nơi đây gần như không phải mang hoa đi bán dưới xuôi. Đường giao thông được nâng cấp từ chương trình NTM giúp việc đi lại thuận lợi. Mỗi độ Tết đến Xuân về, những chuyến xe lại nườm nượp đổ về bản để mua hoa mang đi tiêu thụ khắp các tỉnh, TP miền xuôi.
Không chỉ anh Ban, anh Phùa, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở bản Sì Thâu Chải (xã Hồ Thầu), bản Lao Chải 1 (xã Khun Há) thuộc huyện Tam Đường hay bản Vàng Pheo (xã Mường So) thuộc huyện Phong Thổ; bản Gia Khâu 1 (xã Sùng Phài, TP Lai Châu)… cũng được hưởng lợi từ sự phát triển tương đối nhanh của mô hình du lịch cộng đồng trên cơ sở thành quả của xây dựng NTM.
Nhiều hộ đồng bào dân tộc đã mạnh dạn đầu tư xây dựng homestay, trồng địa lan, phát triển các dịch vụ du lịch. Ngày càng nhiều hộ có thêm nguồn thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Tỷ lệ hộ nghèo tại những bản làng miền biên của tỉnh Lai Châu liên tục giảm qua các năm. Qua đó, góp phần nâng cao tiêu chí thu nhập và giảm nghèo bền vững trong bộ tiêu chí xây dựng NTM.
Thành quả nhờ dân vận khéo
Ở bản Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ), nhắc đến ông Vàng A Chỉnh, ai cũng kính trọng, nể phục. Ông Chỉnh được đồng bào tín nhiệm bầu là Trưởng bản suốt 12 năm qua. Không chỉ vậy, vị Trưởng bản 44 tuổi còn là người tiên phong đưa mô hình du lịch cộng đồng đến với đồng bào Mông nơi đây. “Trước đây, trong bản thường có nạn cờ bạc, trộm cắp, nhiều người nghiện ma túy. Nay thì bản khác rồi” - ông Chỉnh phấn khởi nói. Từ năm 1995, ông Chỉnh và một số người dân trong bản đã đi đầu trong xây dựng đời sống mới. Gia đình ông tự làm đẹp gian bếp với tâm niệm “nhà mình đẹp thì bản làng đẹp”; rồi từ đó từng bước tuyên truyền, vận động người dân trong bản cùng làm theo. Hộ này làm xong, lại giúp đỡ hộ khác chỉnh trang nhà cửa, vườn tược.
Cùng với nhà cửa, những tuyến đường cũng được chỉnh trang. “Thay đổi tư duy của đồng bào là điều khó nhất. Ngày mới đưa du lịch về bản, có hộ khi được vận động đóng góp để làm đường đã kịch liệt phản đối, nói rằng đi đường đất bao đời nay quen rồi, tự dưng phải làm đường bê tông để làm gì” - ông Chỉnh kể lại.
Cảnh quan môi trường được nâng cấp biến bản Sin Suối Hồ trở thành điểm đến được nhiều du khách lựa chọn trong hành trình khám phá Tây Bắc trong vài năm trở lại đây. Từ 1 - 2 hộ ban đầu, đến nay cả bản Sin Suối Hồ có hơn 20 hộ làm homestay. Người dân nơi đây có thêm nguồn thu, từ đó càng hăng say làm đẹp bản làng để thu hút nhiều hơn du khách.
Câu chuyện vận động người dân bản Thẳm (xã Bản Hon, huyện Tam Đường) làm du lịch cộng đồng cũng gian nan không kém. Để phát triển được du lịch, việc đầu tiên là cần giải quyết bài toán cảnh quan, môi trường. Muốn làm được điều đó, phải di chuyển vật nuôi ra xa khu dân cư. “Ban đầu nghe phải chuyển đàn vật nuôi ra bìa rừng, người dân phản đối dữ lắm, nói muốn chuyển trâu bò, lợn gà đi thì phải “mang” được vợ chồng họ đi…” - Trưởng bản Thẳm Tao Văn Ngần nhớ lại.
Sau nhiều lần họp bản, ban hành hương ước, gia đình ông Ngần tiên phong di dời chuồng nuôi. Người dân nơi đây thấy không còn ở chung với gia súc, gia cầm thì sạch sẽ hơn; vật nuôi cũng “chẳng đi đâu mà mất” nên đã đồng thuận với cách làm của Trưởng bản. Đến nay, 100% hộ dân bản Thẳm đã không chăn nuôi gia súc, gia cầm trong bản. Cảnh quan môi trường được cải thiện nhờ quyết tâm chung của 41 hộ dân.
Ông Chỉnh, ông Ngần hay rất nhiều những cán bộ cơ sở tại các bản làng vùng dân tộc của tỉnh Lai Châu chính là những người tiên phong trong phát triển du lịch cộng đồng. Quyết tâm của những “người mở đường” đã góp phần thay đổi thói quen trong nếp nghĩ, nếp sống và ứng xử của cộng đồng các dân tộc miền biên.
Từ những lợi ích của việc phát triển mô hình du lịch cộng đồng, nhận thức của đồng bào dân tộc các địa phương thuộc tỉnh Lai Châu đã đổi thay. Bà con chú trọng đầu tư chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, xây dựng làng bản xanh, sạch, đẹp để thu hút du khách ghé thăm, nhận thức thay đổi hành vi, từ đó, góp phần mang đến diện mạo tươi mới cho những bản làng vùng biên.
Theo kinhtedothi.vn
Tin cùng chuyên mục
- Một số giải pháp thúc đẩy CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội 28.10.2024 | 11:31 AM
- Mường Thàng trước cơ hội bứt phá: Bài 1 - Những điểm sáng thực hiện nghị quyết của Đảng 11.10.2023 | 16:52 PM
- Huyện Đan Phượng (Hà Nội): Nông dân thi đua xây dựng nông thôn mới 04.06.2022 | 23:54 PM
- Giải bài toán rác thải sinh hoạt nông thôn 22.12.2021 | 13:55 PM
- Hà Nội: Tích cực triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025 19.07.2021 | 09:47 AM
- Tuổi trẻ cả nước ra quân làm đường, xây cầu thắp sáng những miền quê 18.07.2021 | 20:55 PM
- Đồng lòng hiến đất để làm đường liên thôn, liên xã ở Đắk Nông 17.07.2021 | 15:47 PM
- Hà Nội sẽ ban hành bộ tiêu chí nông thôn mới nâng cao 17.07.2021 | 15:47 PM
- Huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An): Phát huy nội lực, tranh thủ ngoại lực phấn đấu về đích huyện nông thôn mới năm 2021 16.07.2021 | 15:00 PM
- Nam Định: Phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên ở xã vùng giáo 15.07.2021 | 14:49 PM
Xem tin theo ngày
- Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV: Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn
- Công bố các quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và UBND tỉnh về công tác cán bộ
- UBND tỉnh họp nghe và cho ý kiến một số nội dung quan trọng
- Quốc hội bắt đầu tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn
- UBND tỉnh: Nghe báo cáo tiến độ một số công trình, dự án trọng điểm
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết và các dự án luật
- Tiếp tục quan tâm, hướng dẫn thành lập chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất và kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2021 - 2026