Thứ 7, 23/11/2024, 15:39[GMT+7]

Thanh Hóa đổi thay từ những xã nông thôn mới nâng cao

Thứ 3, 27/10/2020 | 21:04:31
1,230 lượt xem
Xã nông thôn mới nâng cao (NTMNC) là bước phát triển cao hơn so với xã đạt chuẩn NTM, các tiêu chí cũng được yêu cầu phát triển theo chiều sâu. Theo đó, diện mạo nông thôn, đời sống vật chất và tinh thần của người dân, hệ thống hạ tầng... ở đây phải đạt đến một “tầm cao” mới.

Sản xuất bánh đa nem tại xã Đông Văn (Đông Sơn).

Những ngày cuối tháng 10–2020, trên địa bàn tỉnh có thêm 3 xã được công nhận đạt chuẩn xã NTMNC, gồm: Nga An, Nga Trường (Nga Sơn) và Đông Văn (Đông Sơn). Tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thanh Hóa đã có 8 xã NTMNC, hàng chục xã khác đang nỗ lực về đích xã NTMNC trong năm 2020 này. Đây là những điển hình trong xây dựng NTM của tỉnh, bởi sau khi được công nhận đạt chuẩn NTM, chính quyền và Nhân dân các địa phương đã không tự mãn với những thành tích đạt được, tiếp tục nỗ lực xây dựng các tiêu chí theo chiều sâu, đạt 15 tiêu chí mới của xã NTMNC.

Trước khi được Hội đồng Thẩm định xét, công nhận xã NTM tỉnh Thanh Hóa tổ chức hội nghị xét vài ngày, phóng viên Báo Thanh Hóa đã được đồng hành với các cán bộ Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh về kiểm tra các tiêu chí xã NTMNC tại Nga An và Nga Trường. Đáng nói, cuộc kiểm tra không được báo trước để thấy sự khách quan, tránh sự dàn dựng, đối phó của các địa phương. Tại xã Nga An, tuy trời mưa thâm gió bấc trong nhiều ngày trước đó, nhưng các tuyến đường vẫn khá phong quang sạch sẽ. Hệ thống kênh mương chạy vắt ngang qua xã được kè kiên cố, có lan can, những con đường hoa chạy dọc hai bên bờ. Do vậy, ngoài vai trò dẫn nước tưới tiêu, những công trình thủy lợi này còn có ý nghĩa tạo nên cảnh quan hữu tình và thơ mộng với địa phương. Đường giao thông dẫn về các thôn rộng mở, qua những cổng làng vừa hiện đại, vừa cổ kính lưu giữ hồn quê. Các nhà văn hóa thôn ở đây đều có không gian khoáng đạt với quần thể sân chơi, khu thể thao để Nhân dân sinh hoạt cộng đồng. Ngày chúng tôi có mặt, đường ống nước sạch đang được lắp đặt đến đường trục chính các thôn. Đây là tiêu chí cuối cùng mà Nga An phải đạt được, bởi các lần kiểm tra trước đó, tiêu chí nước sạch hợp vệ sinh chính là trăn trở lớn nhất của xã.

Được biết, từ năm 2013, Nga An là một trong những xã được công nhận đạt chuẩn NTM sớm nhất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Từ đó đến nay, địa phương tiếp tục đầu tư nâng cấp, sửa chữa và xây mới được hơn 17 km kênh mương, 12/12 nhà văn hóa và khu vui chơi thể thao cấp thôn. Hệ thống giao thông nông thôn, gồm: 12 km đường liên thôn, 4,5 km đường liên xã qua địa bàn, 8,5 km đường ngõ xóm... đều tiếp tục được nâng cấp và mở rộng. Hiện nay, các tuyến đường không những được kiên cố, mà còn được xây dựng hệ thống rãnh thoát nước để tiêu thoát khi có mưa bão. Đồng hành cùng xã nhà trong xây dựng NTMNC, tính từ năm 2014 đến nay, Nhân dân trong xã đã đầu tư hơn 550 tỷ đồng để xây mới 472 công trình nhà ở khang trang, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn.

Trong phát triển sản xuất, Nga An đã trở thành điển hình của huyện Nga Sơn trong lĩnh vực trồng trọt, xây dựng các mô hình, liên kết sản xuất... Phong trào phát triển kinh tế vườn hộ phát triển mạnh, Nhân dân địa phương đã cải tạo vườn tạp, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để phát triển được 1.267 mô hình vườn hộ, mang lại tổng thu nhập hơn 9 tỷ đồng mỗi năm. Hoạt động đan lát hàng thủ công mỹ nghệ, nghề tiểu thủ công nghiệp từ cói phát triển mạnh ở hầu khắp các thôn trong xã. Hiện địa phương có 5 công ty và cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, 1 công ty và 4 cơ sở sản xuất hàng may mặc, hàng chục cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, hoạt động xuất khẩu lao động và thương mại dịch vụ phát triển... Các mô hình sản xuất và ngành nghề nông thôn trăm hoa đua nở đã góp phần quan trọng để Nga An thực hiện tiêu chí thu nhập cho người dân với mức hiện tại đạt gần 50 triệu đồng/người/năm, hộ khá và giàu chiếm 80% tổng số hộ trong xã.

Ông Hoàng Văn Huê, ở thôn 8, xã Nga An, chia sẻ: NTMNC đã mang lại sự khác biệt trong cuộc sống của chúng tôi. Bà con được hưởng lợi từ hệ thống hạ tầng công cộng phát triển, có điều kiện phát triển kinh tế để làm giàu nhờ sự quan tâm của chính quyền và HTX trong việc liên kết bao tiêu sản phẩm trong sản xuất.

Với xã Đông Văn (Đông Sơn), những lợi thế và thế mạnh của một xã giáp TP Thanh Hóa đã được khơi dậy hiệu quả trong quá trình xây dựng NTMNC. Phát huy tinh thần của xã Anh hùng Lực lượng vũ trang, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Đông Văn đã tạo cho mình sự khác biệt gần như toàn diện với nhiều địa phương khác trong huyện Đông Sơn. Những trường học khang trang, hiện đại, những công trình công cộng tạo nên điểm nhấn. Hình ảnh ấn tượng với nhiều người khi đến với Đông Văn là khu hội trường – nhà văn hóa xã được xây dựng giữa một hồ sen thơ mộng. Trong quá trình thực hiện tiêu chí giao thông trong NTMNC, Đông Văn đã làm được “cuộc cách mạng mở rộng đường thôn”. Nhờ vận động hiệu quả, hàng trăm gia đình trong xã đều đồng thuận hiến đất, xây dựng tường bao thông thoáng và đồng bộ. Hiếm có xã nào trên địa bàn tỉnh mà ô tô có thể vào tận các sân từng nhà dân bởi ngõ, xóm ở đây hiện đều rộng từ 4m trở lên.

Cũng nhờ phát triển tiêu chí sản xuất trong xây dựng NTMNC, xã Đông Văn đã trở thành điển hình của tỉnh trong phát triển doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất ngành nghề nông thôn. Hiện địa phương có 2 doanh nghiệp, 2 HTX và 247 cơ sở sản xuất, kinh doanh. Những khu đồng ruộng của xã sau khi được quy hoạch, tích tụ và mời gọi doanh nghiệp liên kết sản xuất, nay đã trở thành cánh đồng mẫu lớn, những mô hình canh tác tập trung và nhiều khu nhà lưới sản xuất theo hướng công nghệ cao. Thu nhập của người dân nhờ đó cũng được tăng lên với mức bình quân hiện tại đạt gần 66 triệu đồng/người/năm. Hệ thống cây xanh của địa phương phát triển đến tận thôn, xóm, những đường hoa tô điểm vẻ đẹp cho các làng quê. Các trang trại chăn nuôi được di dời ra khỏi các khu dân cư, đến những nơi tập trung, phong trào xây dựng làng quê xanh – sạch – đẹp được bà con hưởng ứng nhiệt tình. Nhà cửa, công trình phụ của Nhân dân trong xã ngày càng khang trang. Đời sống vật chất, tinh thần của gần 4.800 nhân khẩu trong xã được nâng cao. Đông Văn hôm nay đang trở thành một “vùng quê đáng sống” mà mục tiêu xây dựng NTM hướng tới. Trở thành điển hình trong xây dựng NTM của tỉnh, từ đầu năm đến nay, Đông Văn đã tiếp hàng chục đoàn tham quan trong và ngoài tỉnh đến tìm hiểu kinh nghiệm xây dựng NTMNC.

Ngoài những thành công chung trong xây dựng các tiêu chí, những xã NTMNC còn lại của tỉnh cũng đều có những thành công nổi bật riêng. Một cuộc sống mới, diện mạo mới đã hình thành. Nét chung nhất mà chúng tôi cảm nhận được là, những xã này đều có đội ngũ lãnh đạo năng động, dám nghĩ, dám làm, khơi dậy thành công được những thế mạnh của địa phương. Từ sự hiệu quả ban đầu, mới có thể phát động toàn dân đoàn kết chung tay, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong xây dựng NTMNC.

Theo baothanhhoa.vn