Thứ 4, 13/11/2024, 06:56[GMT+7]

Quảng Ninh: Hiệu quả từ những công trình giao thông nông thôn

Thứ 6, 06/11/2020 | 09:53:48
1,457 lượt xem
Do huy động tốt các nguồn lực, đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư hạ tầng giao thông cho khu vực nông thôn, miền núi khá đồng bộ.

Tỉnh lộ 342 kết nối giữa huyện Ba Chẽ với khu vực miền núi của Tp Hạ Long (Quảng Ninh) mới được đưa vào sử dụng

Chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, Quảng Ninh đã đưa vào sử dụng hàng loạt công trình giao thông trọng điểm, tạo ra sự liên kết giữa các vùng trong tỉnh, các địa phương phụ cận và hợp tác quốc tế như: như đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, cầu Bạch Đằng...

Hiện nay, nhiều dự án lớn về giao thông của tỉnh cũng đã và đang được đẩy mạnh tiến độ thi công như cao tốc Vân Đồn – Móng Cái, đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1, Cửa Lục 3…

Là địa phương được ví như “Việt Nam thu nhỏ”, Quảng Ninh có địa hình khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo khá phức tạp, đa dạng. Chỉ cách đây vài năm, giao thông ở khu vực vùng sâu, vùng xa của tỉnh còn khá hạn chế, dẫn đến có sự phát triển khá chậm so với các khu vực khác. Do vậy, với quyết tâm rút ngắn khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, song song với việc thu hút đầu tư các dự án giao thông động lực như cao tốc, sân bay, thời gian qua, Quảng Ninh đã đặc biệt chú trọng triển khai các công trình giao thông cho vùng nông thôn, miền núi, hải đảo. Qua đó, đã tạo động lực để Quảng Ninh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, củng cố quốc phòng – an ninh vững chắc, rút ngắn khoảng cách giàu giữa khu vực thành thị với nông thôn, miền núi.

Hiện nay, 100% đường trục thôn, trục xã, liên thôn, xã trên địa bàn Quảng Ninh đã được bê tông hoá, kiên cố hoá, tạo thế và lực để đồng bào các dân tộc vươn lên giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế ổn định. Minh chứng cụ thể là thu nhập của người dân khu vực nông thôn tăng từ 29,533 triệu đồng/năm năm 2015 lên 41,5 triệu đồng/người/năm như hiện nay; tỷ lệ hộ giảm từ 1,55% năm 2015 xuống còn còn 1% vào năm 2019. Mặt khác, người dân ở khu vực nông thôn, miền núi của Quảng Ninh cũng ngày càng được tiếp cận nhiều với các dịch vụ an sinh xã hội…

Ông Đỗ Khánh Tùng, Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ, chia sẻ: Ba Chẽ vốn là một trong những địa phương khó khăn nhất của huyện do có tới trên 90% người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng sâu, vùng xa, nhưng đến nay đã có bước phát triển khá toàn diện nhờ có được hệ thống giao thông đồng bộ. Bằng các nguồn lực, hiện hầu hết các đường huyết mạch, quan trọng của huyện đều đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp làm mới tạo điều kiện cho giao thông đi lại, mở ra cơ hội lớn để giao lưu kinh tế trong và ngoài huyện.

Do giao thông thuận lợi hơn, huyện đã nhanh chóng triển khai Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 với quyết tâm tiến bước cùng khu vực miền xuôi.

Hay như ở huyện Đảo Vân Đồn, do giao thông cách trở, nhất là các xã đảo, nhưng do được quan tâm của Trung ương và của tỉnh, đến nay, địa phương này đã có kết cấu giao thông tương đối hoàn thiện tạo ra sự liên kết chặt chẽ giữa khu vực đất liền với khu vực xa bờ. Hiện 100% tuyến giao thông nông thôn của Vân Đồn đã được hoàn thiện, hệ thống cầu cảng được duy trì tốt, đảm bảo an toàn giao thông.

Ông Tô Xuân Thao, Bí thư Huyện uỷ Vân Đồn, khẳng định: Với kết cấu hạ tầng giao thông thuận lợi như hiện nay, Vân Đồn sẽ trở thành một trong những trung tâm kinh tế phát triển của Quảng Ninh và cả nước trong tương lai gần.

Theo atgt.vn