Chủ nhật, 24/11/2024, 02:47[GMT+7]

Xây dựng nông thôn mới từ phát triển sản phẩm OCOP

Thứ 7, 19/12/2020 | 17:09:59
871 lượt xem
Chương trình 'Mỗi xã một sản phẩm' (OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị, là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Hộ nông dân trồng chè Đào Duy Phúc ở thôn Đông Tranh, xã Bình Sơn, huyện Triệu Sơn trồng hơn 2 ha chè liên kết với HTX Nông-Lâm nghiệp Bình Sơn, mỗi năm thu nhập gần 100 triệu đồng từ sản xuất chè sạch theo tiêu chuẩn Vietgap. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Xác định OCOP là bước đi mới trong xây dựng nông thôn mới, có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho người dân, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành nghị quyết về tái cơ cấu ngành nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2025 theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững; đồng thời, phê duyệt các quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp, các điểm du lịch làng nghề, phát triển sản phẩm du lịch mũi nhọn; có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ để phát triển các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp và dịch vụ có lợi thế của tỉnh cũng như vận động các chủ thể sản xuất tích cực tham gia OCOP...

Toàn bộ những cơ chế, chính sách này thực sự trở thành “bà đỡ” cho các địa phương cũng như các chủ thể sản xuất có cơ hội, điều kiện tiếp cận để phát triển sản phẩm OCOP. Bên cạnh những cơ chế, chính sách của tỉnh, 1 số địa phương trong tỉnh cũng đã có cơ chế, chính sách hỗ trợ để thực hiện chương trình OCOP như: tại huyện Triệu Sơn, UBND huyện đã hỗ trợ 50-200 triệu đồng/sản phẩm OCOP cho các chủ thể có sản phẩm OCOP để mở rộng nhà xưởng, đầu tư trang thiết bị máy móc.

Để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai Chương trình OCOP có hiệu quả, đảm bảo yêu cầu và tuân thủ thực hiện theo đúng quy định của chu trình OCOP, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới kiện toàn bộ máy tổ chức thực hiện Chương trình OCOP, thành lập Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh, thành lập Tổ quản lý Chương trình OCOP theo hướng chuyên nghiệp, chuyên trách gắn liền với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. 27/27 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh cũng thành lập hội đồng và tổ giúp việc hội đồng đánh gái, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp huyện.

Mới đây, trong "Hội nghị tổng kết xây dựng Nông thôn mới vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2016 - 2020, định hướng giai đoạn 2021 - 2025" do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh Yên Bái tổ chức, hai sản phẩm "Chè sạch Bình Sơn" và "Mật ong bốn mùa hoa rừng nguyên chất" của huyện Triệu Sơn vừa vinh dự được công nhận là sản phẩm OCOP tiêu biểu vùng đặc biệt khó khăn giai đoạn 2018-2020 của toàn quốc.

Hiện Thanh Hóa đã có 59 sản phẩm OCOP cấp tỉnh của 39 chủ thể OCOP, trong đó có 13 sản phẩm đạt 4 sao, 43 sản phẩm đạt 3 sao cấp tỉnh. Đặc biệt có 2 sản phẩm là nước mắm và mắm tôm Lê Gia của Thanh Hóa đang đề xuất Trung ương công nhận đạt chuẩn 5 sao cấp quốc gia. Thanh Hóa được xếp thứ 10 trong cả nước về số lượng đạt chuẩn sản phẩm OCOP.

Nhằm đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng, Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa cùng các ngành, địa phương đã tổ chức cho các doanh nghiệp, chủ thể kinh doanh tham gia nhiều hội chợ trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, xây dựng 5 điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP tại thành phố Thanh Hóa và huyện Nga Sơn. Sản phẩm OCOP đã góp phần thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới.

Đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 7 huyện gồm Yên Định, Quảng Xương, Đông Sơn, Thọ Xuân, Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa, Nga Sơn đạt chuẩn nông thôn mới và Thành phố Thanh Hóa hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, 7 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 961 thôn, bản đạt chuẩn nông thôn mới; 17 thôn, bản nông thôn mới kiểu mẫu, dự kiến cuối năm 2020 sẽ có 3 xã đạt xã Nông thôn mới kiểu mẫu.

Ông Trần Đức Năng, Phó chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa khẳng định: "Mặc dù mới triển khai gần 3 năm, nhưng Chương trình OCOP của tỉnh Thanh Hóa đã hòa nhịp và có tác động tích cực vào kết quả xây dựng nông thôn mới bền vững.

Chương trình OCOP đã tạo ra sân chơi bình đẳng, minh bạch, tạo sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất đồng thời khuyến khích được sự tham gia của cộng đồng, khai thác, duy trì và phát huy được những giá trị tiềm năng của các nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống, đặc sản vùng miền của mỗi địa phương trong tỉnh.

Từ đó, tạo ra nguồn sản phẩm phong phú, đảm bảo về chất lượng, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho người lao động và góp phần thiết thực vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Thanh Hóa đi vào chiều sâu. Với những tiềm năng, thế mạnh sẵn có cùng những kết quả đạt được, giai đoạn 2020- 2025, Thanh Hóa phấn đấu có thêm 3 sản phẩm OCOP đạt 5 sao, 100 sản phẩm OCOP từ 3- 4 sao và có 5 mô hình dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch..."

Thời gian tới, Thanh Hóa sẽ tiếp tục khuyến khích các tổ chức kinh tế, cộng đồng dân phát huy được tính sáng tạo trong thực hiện chương trình OCOP, sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, tập trung theo chuỗi giá trị, từng bước đưa nông thôn mới phát triển theo chiều sâu, hiệu quả và bền vững, tạo nên sức bật mới để thực hiện thành công chương xây dựng nông thôn mới.

Theo baotintuc.vn