Chủ nhật, 24/11/2024, 05:49[GMT+7]

Vượt mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở Yên Bái: Cán bộ là nhân tố quan trọng

Thứ 6, 19/02/2021 | 15:15:01
499 lượt xem
Hết năm 2020, Yên Bái nằm trong nhóm 7/14 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc đạt và vượt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1865/QĐ-TTg ngày 23/11/2017 về xây dựng nông thôn mới (NTM). Vai trò tham mưu của đội ngũ cán bộ là nhân tố quan trọng trong thành công này của Yên Bái.

Mục tiêu nông nghiệp phát triển, nông dân giàu có, nông thôn văn minh đang ngày càng hiện thực hóa trên mảnh đất Yên Bái.

Đồng chí Trần Huy Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết, năm 2011, khi bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng NTM, toàn tỉnh chỉ có 2/157 xã đạt từ 10 - 15 tiêu chí, 17/157 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí. Tuy nhiên, hết năm 2020, Yên Bái đã có 75 xã đạt chuẩn NTM, 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; huyện Trấn Yên và thành phố Yên Bái hoàn thành Chương trình MTQG xây dựng NTM; 9 xã và 156 thôn, bản đặc biệt khó khăn được công nhận đạt chuẩn NTM. Các huyện trong toàn tỉnh đều có xã đạt chuẩn, xoá huyện “trắng” về xây dựng NTM. Kết quả xây dựng NTM ở Yên Bái 10 năm qua có thể coi là kỳ tích và nhân tố quyết định chính là sự lãnh đạo của Đảng bộ tỉnh và vai trò tham mưu của đội ngũ cán bộ nơi đây. 

Cũng theo đồng chí Trần Huy Tuấn, Tỉnh uỷ, HĐND, UBND tỉnh luôn xem xây dựng NTM là nhiệm vụ hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội khu vực nông thôn, là Chương trình có trọng tâm, trọng điểm, được cụ thể hóa từ Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X. Từ nhận thức đó, Yên Bái chọn cách làm là đưa cán bộ giỏi cấp tỉnh luân chuyển xuống làm cán bộ huyện, cán bộ cấp huyện giỏi xuống làm cán bộ xã để trực tiếp chỉ đạo xây dựng NTM. Nếu cán bộ không đảm đương được thì điều động sang làm việc khác. Khi tỉnh có các giải pháp quyết liệt trong sắp xếp, bố trí, sử dụng cán bộ, đồng thời chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng để bản thân mỗi cán bộ trong bộ máy công quyền nêu cao đạo đức công vụ, có quyết tâm cháy bỏng đáp ứng sự kỳ vọng, tin tưởng của tổ chức thì họ sẽ tự tìm tòi, học hỏi để nắm vững, vận dụng, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện sáng tạo, linh hoạt, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước phù hợp với điều kiện và yêu cầu thực tế của địa phương.

Đồng chí Nhâm Xuân Trường, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Yên Bái cho biết, yếu tố nguồn lực là rất quan trọng trong xây dựng NTM. Đội ngũ cán bộ tỉnh Yên Bái đã thể hiện vai trò tham mưu cho tỉnh trong việc không phân bổ cào bằng mà ưu tiên hỗ trợ cao hơn cho các xã đặc biệt khó khăn; xã nghèo thuộc các huyện nghèo; các xã mới đạt dưới 5 tiêu chí và các xã đã đạt trên 15 tiêu chí để phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM, trong đó chú trọng đầu tư cho các xã chưa hoàn thành các công trình hạ tầng cơ bản. Trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung, xây dựng NTM nói riêng, cấp xã có vai trò quyết định vì mọi chủ trương, đường lối đều được thực hiện ở cấp này;  có được sự đồng thuận của nhân dân hay không cũng là từ lời nói và hành động của cán bộ xã.

Đồng chí Lê Thị Lụa, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Việt Thành, huyện Trấn Yên cho biết, theo yêu cầu công việc, kể cả thứ bảy, chủ nhật, đội ngũ cán bộ xã cũng xuống với dân để tuyên truyền, vận động, làm cùng dân, sống cùng dân; đã giúp đỡ dân thì tỉ mỉ từ cái kim, sợi chỉ, chiếc mắc áo và bản thân đồng chí Bí thư cũng vào cuộc, thông qua các sáng kiến, sáng tạo trong lao động, sản xuất hoặc kêu gọi sự hỗ trợ, tài trợ, ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để tiến đến xóa hẳn nhà tạm cho các hộ khó khăn. Bằng cách làm đó, hình ảnh người cán bộ xã trong nhân dân trở nên gần gũi, thân thuộc với người dân trong cuộc sống hằng ngày. “Từ sự thiện cảm này, khi cấp ủy, chính quyền tuyên truyền, vận động, người dân nghe, tin và làm theo. Công việc của cấp ủy, chính quyền địa phương nhờ đó cũng được triển khai thuận lợi hơn” - Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Việt Thành cho biết thêm.

Đoạn đường từ xã Việt Thành sang xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên dài hơn 1km đang được tạo nên hoàn toàn từ sự hiến đất của người dân, Nhà nước không mất tiền đền bù. Hiện nay, toàn bộ hệ thống đường liên thôn của Việt Thành cũng đã được bê tông cứng hóa theo quy định; đường ngõ xóm đạt 81%; đường nội đồng đạt 94%. Tuyến đường trục xã, trục thôn được nhân dân đóng góp lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng đạt 100%. Kết quả đó chính là ví dụ điển hình về sự gần dân, sát dân, uy tín với dân, đầy tình người song cũng rất quyết liệt của đội ngũ cán bộ xã. Đó cũng là thước đo phản ánh sự đồng thuận, ủng hộ của người dân với cấp ủy, chính quyền địa phương. Đối với các tỉnh miền núi, dân tộc, nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nền kinh tế như Yên Bái, NTM chính là đầu ra kiểm nghiệm cho tính chính xác, hợp lý của mọi chương trình, dự án liên quan đến sản xuất và đời sống của người nông dân.

Yên Bái giờ đây đã hình thành thị trường tiêu thụ ổn định cho 10 sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực, gồm: quế gần 78.000 ha, măng tre Bát Độ trên 6.600 ha, sơn tra gần 10.000 ha, lúa đặc sản chất lượng cao 3.000 ha, ngô 15.000 ha, cây ăn quả gần 10.000 ha, chè 8.000 ha, dâu tằm gần 1.000 ha, nguyên liệu gỗ rừng trồng sản xuất trên 220.000 ha; đàn trâu, bò gần 130.000 con; vùng nuôi trồng thủy sản trên 2.600 ha và trên 2.000 lồng cá. Tỷ lệ che phủ rừng 63%, xếp thứ tư cả nước. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 01 ha đất trồng trọt bình quân đạt trên 75 triệu đồng, tăng 25 triệu đồng/ha so với năm 2015, trong đó, trên 20.000 ha sản phẩm chủ lực đạt từ 250 - 300 triệu đồng; giá trị sản phẩm thu hoạch trên 01ha diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản bình quân đạt trên 200 triệu đồng, gấp gần 2 lần năm 2015; nông nghiệp phát triển giúp thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt 32 triệu đồng/năm, cao gấp 2 lần so với năm 2015. Mục tiêu nông nghiệp phát triển, nông dân giàu có, nông thôn văn minh đang ngày càng hiện thực hóa trên mảnh đất Yên Bái.

Thành công của Yên Bái trong xây dựng NTM, cao hơn, có ý nghĩa lâu dài hơn, theo đánh giá của đồng chí Trần Huy Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, chính là nhận thức về tầm quan trọng của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã có sự chuyển biến rõ nét. Từ sự quyết tâm, quyết liệt, năng động trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đội ngũ cán bộ ở Yên Bái đã góp phần dự báo đúng tình hình, nhận diện đúng thời cơ, thách thức, chú trọng tạo đột phá, khơi thông các điểm nghẽn để khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế. Từ đó thúc đẩy giải phóng và sử dụng có hiệu quả sức lao động, tư liệu sản xuất của nhân dân, nhất là tại các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, dần xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

Những thành công trong xây dựng NTM là nền tảng vững chắc để Yên Bái phấn đấu trở thành tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030./.                                                                  

Theo dangcongsan.vn