Chủ nhật, 24/11/2024, 18:51[GMT+7]

Bài học khơi dậy tiềm năng để xây dựng nông thôn mới ở Ea Bung

Thứ 6, 14/05/2021 | 10:31:11
757 lượt xem
Sau 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, Ea Bung là xã đầu tiên ở khu vực biên giới tỉnh Đắk Lắk “về đích” nông thôn mới (NTM). Một trong những kết quả gây ấn tượng của xã chính là các tiêu chí về thu nhập, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên và tiêu chí về hộ nghèo với mức đạt 100%.

Ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp tại xã Ea Bung. Ảnh: Ngọc Lân

Xã Ea Bung nằm ở phía Tây của huyện Ea Súp, có 10 thôn với 3.922 nhân khẩu. Năm 2011, khi bắt đầu triển khai xây dựng NTM, xã Ea Bung chỉ đạt 4/19 tiêu chí (gồm quy hoạch, giáo dục - đào tạo, y tế và văn hóa), đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, kinh tế phụ thuộc vào nông nghiệp nhưng sản lượng không cao, tỷ lệ hộ nghèo có thời điểm gần 30%.

Ông Phan Thanh Pha, Chủ tịch UBND xã Ea Bung cho biết: Là xã điểm trong triển khai thực hiện chương trình xây dựng NTM, Ea Bung vừa tìm tòi học hỏi kinh nghiệm, vừa tìm ra những giải pháp hữu ích phù hợp với điều kiện của địa phương. Ea Bung đã xác định những điểm thuận lợi và khó khăn, trong đó, thuận lợi là từ sự quan tâm đầu tư của các cấp để thực hiện các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, vốn đầu tư... Tuy nhiên, khó khăn chính là hoàn thành các tiêu chí về hộ nghèo, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên và tiêu chí về thu nhập...

Theo ông Pha, muốn làm được điều này, phải dựa trên lợi thế và tiềm năng sẵn có để phát triển kinh tế địa phương, đây chính là bệ đỡ để hoàn thành các tiêu chí khó khăn, trong khi nền kinh tế của xã đa phần từ sản xuất nông nghiệp. Đảng ủy, chính quyền xã đã đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi hợp lý; xây dựng các mô hình trồng cây, con giống có chất lượng cao; tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa sản xuất; đa dạng hóa các ngành nghề nông thôn, đẩy mạnh phát triển dịch vụ. Đặc biệt, xã đã thành lập các hợp tác xã (HTX) để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Với lợi thế diện tích tự nhiên lớn (khoảng 29.785,8ha), trong đó, chiếm hơn 86% là đất nông nghiệp, trước khi triển khai chương trình xây dựng NTM, xã Ea Bung có sản lượng lúa gạo đứng đầu huyện Ea Súp và là một trong những địa phương có diện tích trồng xoài lớn của tỉnh Đắk Lắk. Đồng thời, hệ thống thủy lợi được đầu tư quy mô bảo đảm nước tưới cho sản xuất nông nghiệp với trên 90%. Tuy nhiên, sản phẩm nông nghiệp vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế cũng như khẳng định được thương hiệu, giá trị của những cây nông nghiệp.

Năm 2019, HTX lúa Ea Súp được thành lập. Thời gian đầu, HTX đã liên kết được 15 hộ gia đình với diện tích hơn 50ha, tạo điều kiện liên kết giúp nông dân chuyển đổi từ hình thức sản xuất tự phát sang tổ chức sản xuất theo kế hoạch. Thay vì hình thức mạnh ai nấy làm như trước thì nay được sản xuất theo quy trình đồng bộ từ khâu chọn giống, chăm sóc đến thu hoạch cùng một thời điểm, nâng cao giá trị sản phẩm, cung ứng được nguồn hàng số lượng lớn, chất lượng bảo đảm nên việc tiêu thụ dễ dàng hơn.

Cũng trong năm 2019, trên địa bàn xã Ea Bung đã thành lập HTX xoài Ea Súp liên kết với 15 hội viên có diện tích canh tác trên 25ha. HTX hoạt động theo phương thức mô hình hộ thành viên tự quản lý và hưởng lợi, HTX đứng ra tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm, chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, liên kết với các đại lý, cơ sở có uy tín cung ứng phân bón, cây giống. Từ khi HTX được hình thành đã làm tốt vai trò là “cầu nối” tiếp thu, hướng dẫn người dân ứng dụng khoa học kỹ thuật, sử dụng các loại giống mới có năng suất, chất lượng cao. Cùng với đó, việc tìm đầu ra cho nông sản đã giúp xã viên yên tâm sản xuất, có thu nhập ổn định và hạn chế được rủi ro.

Ngoài những lợi thế về tự nhiên, xã Ea Bung có hơn 80% dân số quê gốc ở Thái Bình. Thập niên 80 của thế kỷ trước, họ đã tình nguyện vào Tây Nguyên xây dựng vùng kinh tế mới theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Từ vùng quê có truyền thống trồng lúa nước, những người dân “quê hương 5 tấn” đã đem kinh nghiệm sản xuất cộng với sự chịu thương, chịu khó, biến vùng đất Ea Bung thành những cánh đồng trù phú với 3 vụ lúa/năm. Đặc biệt, nhân dân nơi đây đã ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp nhằm giảm nhân lực, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế. Hiện nay, hơn 90% công đoạn trồng lúa trên địa bàn được người dân cơ giới hóa, trong đó, khâu phun thuốc bảo vệ thực vật đạt 100%; tuốt, tách hạt 98%; thu hoạch, làm đất 95%; vận chuyển 85%. Theo thống kê chưa đầy đủ, toàn xã hiện có khoảng 2.000 máy móc các loại, trong đó, 10 máy gặt đập liên hợp, 500 máy kéo, gần 800 máy bơm nước động lực, 230 máy chế biến lương thực, 65 máy phun thuốc có động cơ...

Hiện nay, với việc áp dụng kỹ thuật và cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, năng suất và chất lượng cây trồng được tăng lên. Tính riêng năm 2020, tổng diện tích gieo trồng của toàn xã đạt 4.066ha, tổng sản lượng lương thực cả năm đạt 15.058 tấn. Diện tích lúa nước trên địa bàn xã năm 2020 là 1.007ha, sản lượng 7.049 tấn (đạt khoảng 7 tấn/ha).

Với hướng đi đúng, hiệu quả từ phát triển nông nghiệp bền vững, sau 10 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn ở Ea Bung. Tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm từ 4-5%; đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng được cải thiện; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 6,17%. Đây chính là động lực quan trọng để chính quyền và nhân dân xã Ea Bung giữ vững các tiêu chí NTM đã đạt được, nâng cao chất lượng các tiêu chí và phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao trong giai đoạn 2021-2025.

Theo bienphong.com.vn