Chủ nhật, 24/11/2024, 07:26[GMT+7]

Củ Chi nâng cao chất lượng lao động nông thôn

Thứ 7, 05/06/2021 | 09:49:08
447 lượt xem
Nâng cao tay nghề cho người lao động (NLÐ) là một trong những giải pháp nhằm nâng cao trình độ lao động, tăng cơ hội có việc làm và thu nhập ổn định cho NLÐ ở nông thôn. Từ thực tế ở địa phương, thời gian qua, huyện Củ Chi đã có nhiều giải pháp trong đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn...

Các học viên tìm hiểu cách chăm sóc hoa lan.

Nâng cao tay nghề cho người lao động (NLÐ) là một trong những giải pháp nhằm nâng cao trình độ lao động, tăng cơ hội có việc làm và thu nhập ổn định cho NLÐ ở nông thôn. Từ thực tế ở địa phương, thời gian qua, huyện Củ Chi đã có nhiều giải pháp trong đào tạo và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn...

Huyện Củ Chi hiện có dân số hơn 100 nghìn người, trong đó thanh niên trong độ tuổi lao động chiếm số đông. Xuất phát điểm là huyện nông nghiệp nên hầu hết NLÐ nơi đây làm việc theo kinh nghiệm cha truyền con nối, hoặc được đào tạo ngắn hạn để tham gia tuyển dụng lao động với các ngành nghề phổ thông tại các công ty, xí nghiệp. Do vậy, chất lượng, năng suất lao động không đều và không theo kịp thực tiễn. Ngay các ngành nghề trong nông nghiệp tại chỗ cũng cần có sự đầu tư trong việc đào tạo và đào tạo lại để thích nghi với tốc độ phát triển nông nghiệp đô thị của TP Hồ Chí Minh.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn, thời gian qua, các ban, ngành, đoàn thể của huyện Củ Chi cùng các xã, thị trấn ở địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về công tác đào tạo nghề cho NLÐ. Trong đó, Phòng Kinh tế huyện Củ Chi đã tổ chức khảo sát, điều tra nhu cầu học nghề của NLÐ, rà soát danh mục nghề đào tạo trên địa bàn; chú trọng đào tạo các ngành nghề giải quyết lao động nhàn rỗi và nâng cao kiến thức, kỹ năng cho nông dân đang trực tiếp sản xuất. Ðối với con em nông dân trong độ tuổi lao động, chú trọng đào tạo các ngành nghề gắn với nhu cầu sử dụng, tuyển dụng lao động của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân ở địa phương. Các ngành, đoàn thể; các ấp, khu phố và cán bộ, đảng viên thường xuyên tiếp cận tìm hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của con em đoàn viên, hội viên khó khăn không có tay nghề để vận động học nghề và bảo lãnh vào làm việc tại các cơ sở trú đóng tại địa phương. Công việc này được xác định là một trong những tiêu chí đánh giá công tác hằng năm của cá nhân, đơn vị.

Trong 10 năm (2010 - 2020), gần 7.270 lao động nông thôn ở Củ Chi đã được hỗ trợ học các nghề trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó, giúp nhiều người dân trên địa bàn huyện tạo ra các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả. Ðơn cử, với mô hình chăn nuôi bò thịt, bò sữa, phần lớn học viên sau khi học nghề đã tự biết cách chăm sóc đàn bò, tự phối giống và điều trị bệnh cho vật nuôi. Từ đó, ngày càng mở rộng quy mô chăn nuôi, bảo đảm chất lượng, góp phần nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế gia đình.

Với mô hình trồng rau an toàn theo chuẩn VietGAP, nhờ vận dụng có hiệu quả kiến thức đã học vào thực tế, nhiều học viên đã gia tăng diện tích, năng suất, sản lượng rau an toàn, góp phần tích cực trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện và góp phần tăng thêm nguồn cung cấp rau sạch cho thành phố, các tỉnh lân cận. Còn ở mô hình trồng hoa lan, cây cảnh, nhiều học viên sau khi học nghề đã mở rộng diện tích vườn lan và nhân rộng nhiều giống hoa cung cấp số lượng lớn hoa tươi cho địa phương và các vùng lân cận.

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Củ Chi đã phối hợp Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh tổ chức 32 sàn giao dịch việc làm miễn phí với 150 lượt doanh nghiệp và hơn 32.280 lượt NLÐ tham gia. Qua đó, tư vấn, hướng nghiệp, đào tạo nghề và giới thiệu việc làm cho thanh niên đang tìm việc và NLÐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp. Tổ chức hội thảo định hướng giáo dục nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên, tuyên truyền giới thiệu việc làm cho lao động nông thôn sau học nghề nhằm góp phần bảo đảm tỷ lệ có việc làm sau học nghề.

Trong giai đoạn 2010 - 2020, huyện Củ Chi đã thực hiện đào tạo nghề phi nông nghiệp cho 9.556 người; sau học nghề, 8.224 người đã có việc làm, đạt tỷ lệ hơn 86%. Trong đó, có 288 người được doanh nghiệp tuyển dụng; 4.101 người có việc làm mới từ nghề đã học và tự tạo việc làm; 3.855 người tiếp tục làm công việc cũ...

Theo số liệu khảo sát của huyện Củ Chi hồi đầu năm 2019, toàn huyện có 3.423 hộ nghèo và 4.799 hộ cận nghèo. Ðến cuối năm 2019, toàn huyện chỉ còn 850 hộ nghèo và 2.653 hộ cận nghèo. Ðây là kết quả từ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và người dân ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng này. Ở đây, có sự tác động tích cực từ Chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ dạy nghề cho lao động nông thôn, nhất là những NLÐ thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, các gia đình có công với cách mạng.

Thực tế ở Củ Chi cũng cho thấy, với tỷ lệ lao động được đào tạo và được giải quyết việc làm khá cao đã góp phần giúp địa phương nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, ổn định thu nhập cho NLÐ, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đồng thời khai thác có hiệu quả tiềm năng về lao động, tài nguyên thiên nhiên, giữ vững và nâng chất tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Kết quả ấy cũng đã góp phần đáng kể trong việc giữ ổn định an ninh, trật tự, an toàn xã hội tại địa phương.

Từ thực tiễn sinh động của cuộc sống, nhất là những mô hình đào tạo nghề hiệu quả, cũng đã nâng cao nhận thức của các tầng lớp dân cư địa phương trong việc đầu tư, tạo điều kiện tốt nhất cho con em trong độ tuổi được học tập nâng cao trình độ, kiến thức, tay nghề để đáp ứng yêu cầu việc làm ngày càng cao của xã hội...

Theo nhandan.com.vn