Chủ nhật, 24/11/2024, 20:41[GMT+7]

Từ ý thức của mỗi cá nhân

Chủ nhật, 06/06/2021 | 11:02:42
329 lượt xem
Nhằm bảo vệ cảnh quan ở khu dân cư, nhiều mô hình tự quản, khu dân cư xanh - sạch - đẹp, xã, phường an toàn và trong sạch môi trường… đã ra đời. Với những cách làm phù hợp, trong đó, đáng chú ý là việc từng bước nâng cao ý thức, thay đổi thói quen của mỗi cá nhân và gia đình về vấn đề môi trường.

Người dân Tổ dân phố Thái An, thị trấn Đu (Phú Lương) thường xuyên quét dọn để các tuyến đường trong khu dân cư sạch, đẹp.

Định kỳ vào buổi chiều các ngày đầu tiên của tháng, không khí tại những tuyến đường, nhà văn hóa và khu vực công cộng của xóm Tổ, xã Phượng Tiến (Định Hóa) lại náo nhiệt hơn hẳn. Mỗi người mỗi việc, người dân trong xóm cùng nhau quét dọn, thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt; phát dọn cỏ và trồng thêm hoa, cây bóng mát ở ven đường. Trưởng xóm Nguyễn Thị Thắm chia sẻ: Để giữ gìn diện mạo nông thôn mới, chúng tôi đã triển khai mô hình tự quản bảo vệ môi trường, rác thải bước đầu được phân loại và xử lý bằng các lò đốt. Các hộ dân cũng tích cực trồng thêm cây xanh, quy hoạch lại vườn - ao - chuồng và các công trình vệ sinh, có ý thức giữ gìn cảnh quan sạch đẹp.

Đối với xóm Đông Sinh, xã Hồng Tiến (T.X Phổ Yên), ý thức bảo vệ môi trường của mỗi cá nhân, gia đình cũng giúp địa phương từng bước xây dựng thành công mô hình nông thôn mới kiểu mẫu. Ông Đặng Văn Thưởng, Bí thư Chi bộ cho hay: Chúng tôi thành lập 3 tổ tự quản bảo vệ môi trường và giao cho các đoàn thể phụ trách; mỗi tháng, các tổ thực hiện quét dọn và chăm sóc cây xanh một lần. Xóm cũng lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng dọc các tuyến đường và tuyên truyền để người dân chủ động dọn dẹp nhà cửa, trang trí cờ hoa tại khu vực dân cư. Về rác thải sinh hoạt, người dân Đông Sinh đã đóng góp quỹ để mua 9 xe thu gom rác, thuê doanh nghiệp chở đi xử lý tại bãi rác tập trung.

Bà Bùi Thị Vân, người dân xóm Đông Sinh nói: Tất cả các hộ trong xóm có chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm đều thiết kế bảo đảm vệ sinh, xây dựng hầm biogas, không xả rác và nước thải chưa qua xử lý ra đồng ruộng, môi trường. Chúng tôi tự ý thức được rằng, bảo vệ môi trường là trách nhiệm không của riêng ai.

Cũng nhờ phát huy tinh trần trách nhiệm và ý thức tự giác của người dân, tổ dân phố Thái An, thị trấn Đu (Phú Lương) nhiều năm liên tục được công nhân là khu dân cư xanh - sạch - đẹp. Tổ trưởng tổ dân phố Bùi Đức Hiền chia sẻ kinh nghiệm: Với quy mô gần 320 hộ, địa bàn lại có chợ và nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ nên việc đảm bảo vệ sinh môi trường là không dễ. Xác định sự chủ động của người dân trong việc giữ gìn cảnh quan môi trường rất quan trọng nên chúng tôi tổ chức họp, quyết định chia khu dân cư ra thành 8 tổ tự quản. Ở mỗi tổ lại chia thành các nhóm từ 3-5 hộ. Nội quy của tổ nêu rõ: “Hàng tuần vệ sinh đường làng, ngõ xóm vào thứ bảy hoặc chủ nhật; vứt rác đúng nơi quy định. Các trưởng nhóm chịu trách nhiệm khu vực mình phụ trách”.

Ông Nguyễn Văn Thảo, Tổ trưởng tổ tự quản số 4 nói: Ban Công tác Mặt trận tổ dân phố giao cho các đoàn thể phụ trách tuyên truyền, hướng dẫn bà con phân loại rác thải và thực hiện nghiêm túc giữ rác khô tại hộ gia đình, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu gom và xử lý. Ngoài ra, Chi bộ còn phân công đảng viên phụ trách ngõ, xóm để bảo đảm công tác vệ sinh môi trường được duy trì hiệu quả.

Có thể thấy, công tác bảo vệ môi trường, xây dựng cảnh quan khu dân cư xanh, sạch, đẹp ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh có sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể. Quan trọng hơn, đây là việc làm được sự ủng hộ và quan tâm từ chính người dân, từ đó, mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống, góp phần tạo sự gắn kết trong cộng đồng dân cư.

Theo baothainguyen.vn