Chủ nhật, 24/11/2024, 20:34[GMT+7]

Tăng thu nhập, tạo “đòn bẩy” thực hiện các tiêu chí nông thôn mới

Thứ 4, 09/06/2021 | 19:25:46
668 lượt xem
Trong Bộ Tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới (XDNTM), tiêu chí số 10 về thu nhập được đánh giá là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu. Bởi khi làm tốt tiêu chí này sẽ tạo điều kiện, động lực hoàn thành, nâng chất nhiều tiêu chí khác. Tuy nhiên, đây cũng là tiêu chí khó, đòi hỏi sự phối hợp của nhiều bên, với sự quyết tâm cao độ, lộ trình rõ ràng mới có thể duy trì và phát triển bền vững.

Nhà vườn thu hoạch vú sữa tại xã Trường Long, huyện Phong Điền.

Thu nhập tăng 3 lần

Tiêu chí thu nhập thuộc nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất. Ðây được đánh giá là tiêu chí “nặng ký”, đóng vai trò quan trọng trong hành trình XDNTM. Bởi mục tiêu hàng đầu của Chương trình XDNTM là nâng cao đời sống, cải thiện thu nhập người dân. Những năm qua, TP Cần Thơ đã triển khai nhiều giải pháp để giúp người dân nâng cao thu nhập, như: thúc đẩy tăng gia sản xuất; tạo điều kiện tiếp cận vốn vay ưu đãi; đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn… Với nỗ lực, quyết tâm cao, quá trình thực hiện tiêu chí thu nhập tác đã động mạnh mẽ đến các tiêu chí khác trong nội bộ nhóm (hộ nghèo, lao động có việc làm, tổ chức sản xuất) và các nhóm khác (hạ tầng kinh tế - xã hội, văn hóa - xã hội - môi trường).

Ông Nguyễn Văn Sử, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết: Thời điểm mới bắt đầu XDNTM (năm 2011), thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn của thành phố chỉ khoảng 16,34 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, đến cuối năm 2020, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đã tăng lên gấp 3 lần (49,3 triệu đồng/người/năm). Không chỉ vậy, xu hướng hộ khá, giàu cũng tăng lên, hộ nghèo giảm đáng kể thể hiện qua tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 giảm xuống còn 2,2% (giảm 2 lần so với thời điểm 2011). Các nhà tranh, mái lá tạm bợ của người dân dần được thay thế bằng những ngôi nhà khang trang, kiên cố.

Tại các huyện, xã XDNTM của thành phố, tùy từng điều kiện, lợi thế, mỗi địa phương chọn giải pháp, hướng đi riêng cho bài toán tăng thu nhập bình quân đầu người. Ông Bùi Quang Nam, Chủ tịch UBND xã Thạnh Lợi, huyện Vĩnh Thạnh, chia sẻ: Sản xuất lúa, chăn nuôi heo là lợi thế của địa phương. Do đó, chúng tôi vận động và định hướng nông dân sản xuất theo mô hình “Cánh đồng lớn”; tham gia vào các hợp tác xã, tổ hợp tác để có điều kiện tương trợ, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau. Nhờ đó, hiệu quả sản xuất được cải thiện rõ rệt, thu nhập của người dân cũng được nâng lên và đạt mức 60,45 triệu đồng/người/năm vào cuối năm ngoái.

Lấy phát triển sản xuất làm trọng tâm

Theo Kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM trên địa bàn TP Cần Thơ năm 2021, các xã đạt NTM nâng cao phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 56 triệu đồng/người/năm; các xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đạt 61 triệu đồng/người/năm. Như vậy, việc duy trì, nâng chất tiêu chí thu nhập là áp lực không nhỏ cho các xã. Thực tế, thu nhập của người dân tại các xã NTM, đặc biệt là nông dân mặc dù có tăng lên nhưng chưa mang tính bền vững. Nguyên nhân do hầu hết các xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nhưng phần lớn có quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; phụ thuộc vào yếu tố tự nhiên và giá cả thị trường. Các mô hình liên kết hợp tác “4 nhà” được khuyến khích, nhân rộng nhưng chưa nhiều và chưa tìm được tiếng nói chung giữa 2 tác nhân quan trọng là doanh nghiệp và nông dân.

Mặc dù nhiều khó khăn, thách thức đặt ra phía trước, song các huyện, xã XDNTM trên địa bàn thành phố đã thể hiện sự quyết tâm của mình trong hành trình nâng cao thu nhập cho người dân. Ông Lê Văn Tính, Phó chánh chuyên trách Văn phòng điều phối XDNTM Cần Thơ, nhấn mạnh: “Các huyện, xã cần tiếp tục triển khai có hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn đến 2030 trên địa bàn thành phố. Chương trình OCOP hướng đến việc phát triển kinh tế khu vực nông thôn gắn với XDNTM bền vững; phát triển sản phẩm OCOP gắn với khai thác các lợi thế về nguồn nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa, gắn với mục tiêu tạo việc làm, nâng cao thu nhập, giảm nghèo và an sinh xã hội ở khu vực nông thôn.

Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục kiến nghị Chính phủ có những chính sách ưu tiên đầu tư cho hạ tầng nông thôn, phục vụ sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy xuất khẩu... Ðồng thời, đa dạng hóa việc huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước; đa dạng hóa các dịch vụ ngân hàng, sản phẩm tín dụng phục vụ Chương trình XDNTM. Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, khẳng định: Với yêu cầu đặt ra các tiêu chí nông thôn mới ngày càng cao, các địa phương cần lưu ý, quan tâm xây dựng và tổ chức phát triển sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị, tăng chất lượng sản phẩm. Trong đó, tập trung giải quyết các vấn đề cấp thiết trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh của nông sản, ưu tiên trước hết cho các sản phẩm chủ lực. Mỗi địa phương hình thành, phát triển các vùng trồng trọt và chăn nuôi tập trung, với cơ cấu sản xuất hiệu quả, đáp ứng yêu cầu “4 có”: có giá trị cao, có khả năng cạnh tranh, có thị trường tiêu thụ, có hiệu quả cao...

Theo baocantho.com.vn