Chủ nhật, 24/11/2024, 22:47[GMT+7]

Thành phố Hồ Chí Minh: Đoàn kết xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị

Thứ 3, 22/06/2021 | 13:43:25
456 lượt xem
Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp ủy, tổ chức chính trị - xã hội, thời gian qua, thành phố đã triển khai nhiều mô hình, giải pháp, sáng kiến hiệu quả để vừa bảo đảm phát triển kinh tế song song với công tác xây dựng nông thôn mới, văn minh đô thị.

Mô hình trồng lan mokara cắt cành của chị Trần Thị Mỹ Trinh là một điểm sáng về khởi nghiệp, xây dựng nông thôn mới ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi. Ảnh: XUÂN ÂU

Tại vườn lan rộng gần 6.000 m2 của gia đình mình, chị Trần Thị Mỹ Trinh (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi) phấn khởi và biết ơn sự hỗ trợ, đồng hành của các cấp chính quyền nhiều năm qua hỗ trợ chị khởi nghiệp thành công với nghề trồng lan mokara. Từng là công nhân, nghe Chi hội nông dân xã hướng dẫn về chuyển đổi nghề, chị Trinh tìm đến với hy vọng có thể cải thiện thu nhập gia đình. Tận dụng diện tích 500 m2 của gia đình, chị bắt đầu học trồng lan mokara cắt cành. Khi nắm được kỹ thuật trồng lan, thông qua sự hỗ trợ của xã, chị tiếp tục được Trung tâm công nghệ sinh học hỗ trợ thêm 500 gốc lan để nhân lên số gốc lan trong vườn nhà. Đến nay, vườn lan của chị đã có 30 nghìn gốc lan trên diện tích khoảng 6.000 m2 cho thu nhập ổn định từ 40 đến 50 triệu đồng/tháng. Theo UBND xã Tân Thông Hội, mô hình trồng lan của chị Trần Thị Mỹ Trinh là một trong những điển hình phát triển kinh tế từ phong trào xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Hiện 20 xã của huyện Củ Chi đã cơ bản đạt  đủ 19 tiêu chí và huyện đạt cả 9 tiêu chí giai đoạn nâng cao (2016 - 2020), thu nhập bình quân đầu người hơn 60 triệu đồng/năm, hộ nghèo chỉ còn 0,34%.

Theo Ủy ban MTTQ thành phố Hồ Chí Minh, triển khai chỉ đạo của Thành ủy về Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” giai đoạn 2016 - 2020, đơn vị đã phối hợp với UBND thành phố Hồ Chí Minh; phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội (Liên đoàn Lao động, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Thành đoàn, Hội Cựu chiến binh) về triển khai các chương trình thực hiện giảm nghèo bền vững trên địa bàn thành phố. Trong đó, với vai trò thường trực, MTTQ thành phố phân công cụ thể từng đơn vị chịu trách nhiệm chăm lo từng đối tượng cụ thể. 

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố Phan Kiều Thanh Hương cho biết: Hằng năm, các đơn vị triển khai khảo sát nắm bắt nhu cầu hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, từ đó đề ra những giải pháp hỗ trợ phù hợp như: Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa, nhà tình thương; tặng thẻ bảo hiểm y tế cho thành viên các hộ vừa vượt chuẩn nghèo trong năm… Giai đoạn 2016 - 2020, thông qua sự chung tay của xã hội, thành phố đã xây dựng mới 288 căn; sửa chữa 242 căn nhà tình nghĩa; xây mới 2.116 căn nhà tình thương; hỗ trợ vốn, phương tiện làm ăn cho 1.579 hộ với số tiền hơn 13 tỷ đồng. Qua các hoạt động chăm lo đã có nhiều cách làm hay, hiệu quả đã xuất hiện như phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau thoát nghèo, làm kinh tế giỏi”; mô hình “Thanh niên khởi nghiệp” của Thành đoàn; tổ chức dạy nghề miễn phí; phong trào “Nuôi heo đất”;... Tính đến nay có 4 trong tổng số 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (còn huyện Bình Chánh) và có 54 trong tổng số 56 xã đạt chuẩn nông thôn mới (giai đoạn 2011 - 2015); 50 trong tổng số 56 đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (2016 - 2020). 

Trong đời sống văn hóa, thông qua cuộc vận động, nhiều mô hình mới, cách làm hay tại cơ sở được nhân rộng, như mô hình: “Nhà trọ văn minh, nghĩa tình”, “Các điểm sáng văn hóa” đã được nhân rộng tất cả 24 quận, huyện, nhất là mô hình điểm sáng văn hóa ở các khu dân cư có đông lao động nhập cư (quận 9, 12, Bình Tân, Tân Phú, TP Thủ Đức, Gò Vấp…) được phát huy rất hiệu quả. Nhiều quận, huyện tổ chức Hội thi Liên hoan văn nghệ các khu phố (ấp) văn hóa (quận 5, Bình Chánh, Nhà Bè, Bình Tân…), tạo được bầu không khí thi đua sôi nổi giữa các khu dân cư, thu hút đông đảo người dân tham gia. Đơn cử như quán cà-phê New Moon (Cư xá Phú Lâm A,  Kinh Dương Vương, phường 13, quận 6) thời gian qua đã trở thành một điểm đến quen thuộc của những người yêu sách. Với khoảng 300 đến 400 bản sách được trang trí tại đây, nơi đây trở thành điểm sáng thứ mười trên địa bàn quận 6 về xây dựng các phòng đọc sách tại điểm sáng văn hóa trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư” trên địa bàn phường.

Tinh thần đoàn kết, tương trợ nhau còn được nhân dân thành phố thể hiện rõ hơn trong đại dịch Covid-19, thiên tai bão lũ vừa qua. Sau các đợt phát động kêu gọi, nhiều tình cảm cả về vật chất lẫn tinh thần đã được nhân lên để đồng hành cùng cả nước đẩy lùi những khó khăn do dịch bệnh, thiên tai gây ra. Tính đến nay, Quỹ phòng, chống dịch Covid-19 thành phố đã tiếp nhận hơn 2.000 tỷ đồng để triển khai các công tác phòng, chống dịch tại nhiều địa phương. Đồng chí Tô Thị Bích Châu, Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố khẳng định: Hành động đó đã thể hiện tinh thần đoàn kết, phát huy nét đẹp văn hóa - nghĩa tình của người dân TP Hồ Chí Minh. Trong khó khăn, truyền thống, tình cảm đó lại càng thêm khẳng khít và đoàn kết hơn để cùng cả nước vượt khó đi lên, phát triển.  

Với những kết quả đạt được, đồng chí Phan Kiều Thanh Hương cho rằng, Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” đã có tác động tích cực đến đời sống toàn xã hội, trong đó có nhiều hộ gia đình khó khăn đã vươn lên thoát nghèo. Để nâng cao hiệu quả của cuộc vận động này, thời gian tới, một số đơn vị cần khắc phục tình trạng chồng lấn, lúng túng trong công tác phối hợp hoạt động; đồng thời, các đơn vị, tổ chức cần huy động đội ngũ cán bộ công chức, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia để các công trình, phần việc ngày càng đi vào thực chất, phát triển bền vững. Qua các mô hình đạt được, thành phố cũng cần chú trọng biểu dương, khen thưởng và tôn vinh những nghĩa cử cao đẹp, những tấm lòng nhân ái vì người nghèo thành phố; giới thiệu các gương điển hình, nhân rộng các mô hình tiêu biểu tại các địa phương để cuộc vận động thật sự lan tỏa và mang lại những hiệu quả thiết thực cho người dân thành phố. 

Theo nhandan.vn