Thứ 7, 23/11/2024, 21:23[GMT+7]

Yên Thành (Nghệ An) quyết tâm xây dựng huyện nông thôn mới nâng cao

Thứ 5, 01/07/2021 | 18:07:54
1,225 lượt xem
Sau hơn 10 năm triển khai, Chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện Yên Thành đã góp phần quan trọng thay đổi diện mạo khu vực nông thôn. Để ngày càng nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, huyện Yên Thành tiếp tục xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Một trong những điểm nhấn trong quá trình xây dựng nông thôn mới ở Yên Thành là gắn với phát triển nông nghiệp sinh thái đi đôi với phát triển du lịch sinh thái, tâm linh với những đặc trưng, lợi thế ở địa phương. Trong ảnh: Đập Vệ Vừng là hồ đập lớn nhất huyện lúa Yên Thành, với diện tích mặt nước 720 ha, trữ lượng 18 triệu m3 nước. Đây là niềm tự hào của quê lúa Yên Thành, là điểm đến của nhiều du khách. Ảnh: Sách Nguyễn

Với mục tiêu chung là tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí của xã, huyện đã đạt chuẩn nông thôn mới nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, đời sống vật chất, tinh thần của người dân. Đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển nông thôn theo hướng bền vững, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng hiện đại, phù hợp môi trường sinh thái, bản sắc văn hóa được giữ gìn và phát huy, an ninh chính trị được đảm bảo, hệ thống chính trị vững mạnh. Phát huy hơn nữa vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới nâng cao.

Theo lộ trình, huyện Yên Thành phấn đấu đến năm 2025 toàn huyện có 23-27/38 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (chiếm 60%). Đến năm 2028 huyện đạt nông thôn mới nâng cao. Đặc biệt, phấn đấu đến hết năm 2021, có 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao gồm Sơn Thành, Tân Thành, Long Thành, Tăng Thành, Hoa Thành và Vĩnh Thành. 

Để xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, huyện Yên Thành tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả một số chương trình, đề án như Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Quy hoạch “Phát triển nông nghiệp huyện Yên Thành gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới và cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050”; Đề án “Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Yên Thành, gắn với chế biến và tiêu thụ”...
Theo đó, Yên Thành xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa đối với sản phẩm chủ lực gắn với định hướng phát triển dịch vụ, du lịch của địa phương. Phát triển các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, áp dụng cơ giới hóa các khâu trong sản xuất gắn với sản xuất an toàn thực phẩm. Giải quyết việc làm cho lao động nông thôn trên địa bàn huyện, thông qua các mô hình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn. Quan tâm đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ. 

Tiếp tục tập trung thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp các ngành nghề nông thôn, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân; đẩy nhanh tiến độ thực hiện 2 dự án: Dự án du lịch sinh thái kết hợp với trồng cây ăn quả, cây lấy gỗ tại hồ Vệ Vừng (Công ty TNHH Phát triển Chăn nuôi giống gia súc thuộc Tập đoàn TH làm chủ đầu tư); và dự án đầu tư Nhà máy may An Hưng xã Công Thành với quy mô 6.000 - 8.000 công nhân đã đi vào hoạt động.

Cùng đó, tiếp tục chăm lo điều kiện văn hóa - xã hội, giáo dục - y tế, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn. Thực hiện đồng bộ các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội và Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, mỗi năm phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều từ 1-1,3%. Phấn đấu đến năm 2025, tăng gấp 1,5 lần năng suất lao động trong nông nghiệp và thu nhập bình quân đầu người đạt 75 - 80 triệu đồng/năm. Xây dựng cảnh quan, không gian nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp và giữ gìn được bản sắc văn hóa tốt đẹp của địa phương... 

Để xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đạt hiệu quả, huyện Yên Thành đã thực hiện đồng bộ các giải pháp sau: Đối với 6 xã bao gồm Sơn Thành, Tân Thành, Long Thành, Tăng Thành, Hoa Thành và Vĩnh Thành theo lộ trình năm 2021 sẽ đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo, cùng với BCĐ nông thôn mới Yên Thành, xác định nội dung, lộ trình để các xã trên thực hiện đảm bảo tiến độ về đích nông thôn mới nâng cao; tháo gỡ các vướng mắc, cũng như đưa ra các giải pháp cụ thể, động viên tinh thần cấp ủy, chính quyền xã và nhân dân.

Nhờ vậy mà phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao phát huy mạnh mẽ. Các địa phương đã huy động được tối đa nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển kinh tế hộ, cải thiện cuộc sống người dân. Đến nay, cơ bản 3 xã Sơn Thành, Tân Thành, Long Thành đã hoàn thiện các hồ sơ để trình thẩm định các ngành liên quan về nông thôn mới nâng cao

Địa phương cũng tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên trong xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân nhằm nâng cao nhận thức về mục tiêu, ý nghĩa, giải pháp thực hiện xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới; phát huy vai trò chủ thể của người dân. Tập trung quán triệt các văn bản của Trung ương, tỉnh về xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện của các cấp ủy, chính quyền đối với chương trình, xác định rõ hơn đây là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, không có điểm kết thúc; Nội dung xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu phải trở thành nhiệm vụ chính trị của địa phương. 

Về cơ chế chính sách, Yên Thành tranh thủ nguồn hỗ trợ từ Trung ương, nguồn ngân sách tỉnh, lồng ghép các chương trình dự án để hỗ trợ cho các xã xây dựng Nông thôn mới nâng cao. Như tiếp tục thực hiện cơ chế hỗ trợ xi măng cho xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Hỗ trợ xây dựng khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, xây dựng vườn chuẩn nông thôn mới, nhà lưới, các mô hình phát triển sản xuất, thâm canh, ứng dụng công nghệ cao. Hỗ trợ xây dựng, triển khai chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) … 

Theo baomoi.com