Thứ 2, 25/11/2024, 03:59[GMT+7]

Quảng Bình tạo đà xây dựng nông thôn mới theo đúng lộ trình

Thứ 3, 20/07/2021 | 17:25:25
671 lượt xem
Hơn mười năm thực hiện Chương trình nông thôn mới đã tạo sự chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội ở Quảng Bình. Sự gắn kết giữa một đô thị với khu vực nông thôn xung quanh đã định hình tương đối rõ nét.

Thôn Phúc Tự Đông (xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch) được công nhận khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu.

Với quan điểm xây dựng nông thôn mới (NTM) là không dừng lại, không chạy theo thành tích, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh đã chỉ đạo Văn phòng điều phối NTM tỉnh phối hợp với các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chương trình xây dựng NTM bền vững gắn với đô thị văn minh.

Mặc dù năm 2021 dịch bệnh COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp nhưng với tinh thần “vừa phòng chống dịch, vừa xây dựng NTM”, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng lộ trình với những mục tiêu, giải pháp cụ thể. Theo đó, Quảng Bình tập trung ưu tiên nguồn lực để phấn đấu và nâng cao chất lượng xây dựng NTM ở cấp xã, cấp huyện.

Đáng chú ý, tổng nguồn vốn huy động cho Chương trình trong 06 tháng đầu đạt 5.909,2 tỷ đồng. Trong đó: Vốn ngân sách nhà nước: 596,4 tỷ đồng, chiếm 10,1% (Trong đó: Vốn trực tiếp cho Chương trình là 223,4 tỷ đồng; vốn lồng ghép 373,0 tỷ đồng); Tín dụng thương mại là 5.289,0 tỷ đồng, chiếm 89,5%; Đóng góp của cộng đồng dân cư: 23,8 tỷ đồng, chiếm 0,4% .

Đến nay, toàn tỉnh có 81 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 63,3%. Đến hết năm 2021, dự kiến sẽ có thêm 07 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 88 xã, đạt 68,8% tổng số xã toàn tỉnh; có 02 đơn vị cấp huyện đạt 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó TP. Đồng Hới đã hoàn thiện hồ sơ trình Trung ương thẩm định, xét công nhận đạt chuẩn; TX Ba Đồn đang làm hồ sơ cấp huyện để đề nghị thẩm tra xét công nhận.

Công tác xây dựng Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu tiếp tục đi vào chiều sâu, được các địa phương quan tâm chỉ đạo, trở thành nhu cầu, mong muốn của người dân (06 tháng đầu năm đã có thêm 01 khu dân cư kiểu mẫu); Chương trình OCOP tiếp tục tạo sức lan tỏa trong cộng đồng. Đến nay, có 57 sản phẩm được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 56 sản phẩm đạt 3 sao, 01 sản phẩm đạt 4 sao.

Các sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh đều đạt 3 sao

Bên cạnh đó, một số địa phương đã chủ động đăng ký thêm các xã NTM nâng cao; chủ động rà soát và đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới tại các thôn, bản thuộc các xã đặc biệt khó khăn theo đúng lộ trình đề ra.

Đặc biệt là, tập trung chỉ đạo TP Đồng Hới, thị xã Ba Đồn về đích NTM trước năm 2022; nâng cao mức độ, chất lượng các tiêu chí; thực hiện hiệu quả đề án mỗi xã một sản phẩm; đẩy mạnh phong trào và nâng cao chất lượng hiệu quả khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu; tập trung xử lý rác thải, môi trường chăn nuôi, nâng cao chất lượng tiêu chí môi trường nông thôn.

Khu dân cư nông thôn mới, kiểu mẫu thôn Xuân Lai (huyện Lệ Thủy) 

Tuy nhiên, bên cạch những thành quả đã đạt được vẫn còn một số khó khăn cần tháo gở đó là: công tác chuyển dịch cơ cấu sản xuất chưa mạnh; công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp chậm hình thành. Sản phẩm nông nghiệp có thương hiệu còn ít, chương trình phát triển mỗi xã một sản phẩm nông nghiệp chưa được các cấp, các ngành quan tâm đúng mức…

Trong thời gian tới, để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM đã đề ra, các sở, ngành, địa phương phải xây dựng kế hoạch một cách chi tiết, cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả, theo hướng tiếp tục duy trì, củng cố, nâng cấp các tiêu chí của chuẩn mới, nhất là những tiêu chí thiết thực, nâng cao phúc lợi cho cư dân nông thôn như: phát triển sản xuất nâng cao thu nhập, bảo vệ môi trường, văn hóa cộng đồng...

Cụ thể cần tập trung trong giai đoạn 2021-2025 đó là; quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng trọng yếu, đảm bảo kết nối đồng bộ, hài hòa giữa phát triển công nghiệp với nông nghiệp, giữa đô thị và nông thôn, giữa vùng khó khăn với vùng động lực phát triển. Phát triển đa dạng các loại hình kinh tế nông thôn, nâng cao nhanh thu nhập cho người dân; quan tâm, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp; có giải pháp giải quyết vấn đề môi trường hiệu quả (nhất là xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt, nâng cao tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch). Huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho xây dựng NTM.

Tin rằng, với kinh nghiệm, sự chuẩn bị kế hoạch bài bản, cùng với nguồn lực hỗ trợ từ Trung ương, Quảng Bình sẽ hoàn thành các mục tiêu xây dựng NTM, đáp ứng sự tin tưởng, kỳ vọng của nhân dân.

Theo baophapluat.vn