Thứ 2, 25/11/2024, 09:04[GMT+7]

Thanh Hóa: Vai trò của khoa học và công nghệ trong xây dựng nông thôn mới

Thứ 2, 09/08/2021 | 13:33:32
606 lượt xem
Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) triển khai thời gian qua tiếp tục đạt được những kết quả toàn diện, tích cực. Trong đó, khoa học và công nghệ (KH&CN) được xác định là nhân tố quan trọng để nâng cao chất lượng, hiệu quả của chương trình; góp phần phát triển bền vững trên tất cả các mặt kinh tế - xã hội và môi trường khu vực nông thôn.

Mô hình trồng thanh long tại xã Xuân Phú (Thọ Xuân).

Cần nhấn mạnh rằng, KH&CN phải đi trước một bước để tìm ra những cách làm hay, những mô hình hiệu quả, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và nâng cao thu nhập của người dân. Theo đó, Sở KH&CN đã phối hợp với các sở, ngành liên quan nghiên cứu vận dụng các cơ chế, chính sách của Nhà nước để tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh Thanh Hoá triển khai có hiệu quả hoạt động ứng dụng KH&CN phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Đồng thời, tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn ở Trung ương tiếp nhận chuyển giao các tiến bộ KH&CN, các đề tài nghiên cứu khoa học có triển vọng cho địa phương để ứng dụng vào sản xuất. 

Do đó, thời gian qua, các nhiệm vụ KH&CN phục vụ xây dựng NTM đã tập trung vào nghiên cứu chính sách xây dựng NTM; chuyển giao công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong xây dựng NTM và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động quản lý, điều hành, phát triển kinh tế của địa phương. Đối với chính sách xây dựng NTM, hiện tại Sở KH&CN đã hỗ trợ triển khai nghiên cứu giải pháp phát triển các liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, nhằm củng cố vững chắc các tiêu chí NTM tại các địa phương; phương án tích tụ ruộng đất cho phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM. Trong lĩnh vực sản xuất, các ngành trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy, hải sản được hỗ trợ nghiên cứu phát triển theo hướng phát huy tối đa lợi thế vùng miền. Trên cơ sở đó, nhiều dự án ứng dụng công nghệ mới, mang tính đột phá nhằm tháo gỡ khó khăn trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả các ngành sản xuất được triển khai ở tất cả các địa phương trong tỉnh.

Theo số liệu thống kê, giai đoạn 2016-2020, trong lĩnh vực nông nghiệp đã có 77 nhiệm vụ KH&CN (chiếm 38,7% tổng số nhiệm vụ KH&CN cấp tỉnh), với tổng số vốn trên 323 tỷ đồng, trong đó vốn sự nghiệp khoa học là trên 132 tỷ đồng. Hầu hết các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng tiến bộ kỹ thuật đều chứng minh được hiệu quả kinh tế, chất lượng, giải phóng sức lao động, để hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại như: mô hình trồng dưa taki Nhật Bản trong nhà màng, nhà lưới; mô hình trồng dưa vàng, rau hữu cơ; mô hình trồng cam công nghệ cao tại huyện Thạch Thành; các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, mô hình sản xuất theo VietGAP, GlobalGAP như mô hình sản xuất chanh leo theo chuỗi giá trị tại các huyện miền núi tỉnh Thanh Hóa... Việc chú trọng ứng dụng KH&CN vào sản xuất đã từng bước tạo ra sự chuyển mình cho nền nông nghiệp của tỉnh. Điều này được minh chứng qua tỷ lệ giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ước đạt gần 25% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Hầu hết các mô hình nông nghiệp ứng dụng KH&CN đều đạt hiệu quả kinh tế vượt trội, với lợi nhuận trung bình đạt 200 triệu đồng/ha/năm đối với mô hình trồng trọt, gấp 2,5 đến 3 lần so với sản xuất nông nghiệp thông thường; chăn nuôi lợi nhuận bình quân đạt từ 1,5 đến 2 tỷ đồng/trang trại/năm, gấp 2 lần so với chăn nuôi truyền thống; thủy sản lợi nhuận hơn 2 tỷ đồng/ha/năm. Điều đáng nói là có tới 80% các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng KH&CN trên địa bàn tỉnh đã có doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, 20% mô hình còn lại có thị trường tiêu thụ ổn định. Nông dân đã từng bước phát huy vai trò làm chủ sản xuất, ứng dụng KH&CN, tham gia chuỗi giá trị và là người hưởng lợi trong quá trình phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.

Có thể khẳng định, kết quả nghiên cứu, ứng dụng KH&CN đã phát huy cao độ trí tuệ, kinh nghiệm tổng hợp của nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân. Đồng thời, cung cấp công cụ đa năng, hữu hiệu cho các ngành, các địa phương thực hiện thành công các nhiệm vụ được giao, tạo nên những thành tựu quan trọng trong xây dựng NTM của tỉnh. Song có thể thấy do hạn chế về nguồn kinh phí cũng như nhân lực nên một số đề tài, dự án KH&CN vẫn còn nhỏ lẻ; một số vấn đề quan trọng bức thiết nhưng chưa được đề xuất và tổ chức nghiên cứu...

Ứng dụng tiến bộ KH&CN được xem là chìa khóa tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất nông nghiệp và là động lực quan trọng để thực hiện, hoàn thành chương trình xây dựng NTM. Trên cơ sở đó, thời gian tới, các cấp, ngành liên quan tiếp tục xây dựng, đề xuất các nhiệm vụ KH&CN nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp; tập trung nghiên cứu sử dụng giống cây, giống con; các giải pháp, cơ chế, chính sách đặc thù để khuyến khích các nhà khoa học, thu hút doanh nghiệp, huy động nguồn lực... nhằm đạt được mục tiêu của Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM.

Theo baomoi.com