Thứ 2, 25/11/2024, 09:29[GMT+7]

Hà Nội xây dựng các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao: Dồn lực đẩy nhanh tiến độ

Thứ 4, 01/09/2021 | 08:39:13
588 lượt xem
Nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân, giai đoạn 2021-2025, Hà Nội phấn đấu có 20% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 40% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.

Đan Phượng là huyện đầu tiên của thành phố Hà Nội xây dựng thành công nông thôn mới nâng cao tại 100% số xã. Trong ảnh: Diện mạo làng quê đổi mới ở xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng). Ảnh: Nguyễn Khắc Hiển

Trong năm 2021, đã có 29 xã của thành phố Hà Nội đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, song việc triển khai trên thực tế ở nhiều địa phương gặp không ít khó khăn. Hiện các địa phương này đang tập trung nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu 'về đích' đúng hẹn.

Chậm tiến độ do nhiều nguyên nhân

Theo Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội, đến nay, thành phố đã cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới với 368/382 xã và 12/18 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn. Hiện với các huyện đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới, thành phố đang chờ Trung ương có hướng dẫn về các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu để có căn cứ triển khai thực hiện. Trong khi đó, đến hết năm 2020, thành phố có 29 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Năm 2021, Hà Nội có 29 xã đăng ký đạt chuẩn này. Trong đó, Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Thanh Trì - mỗi huyện đăng ký 1 xã; Phú Xuyên, Quốc Oai, Hoài Đức, Mê Linh, Thanh Oai, Ứng Hòa - mỗi huyện đăng ký 2 xã; Gia Lâm, Chương Mỹ, Đông Anh - mỗi huyện đăng ký 3 xã; Thường Tín đăng ký 4 xã.

Tuy nhiên, hiện việc xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đang bị chậm tiến độ. Tại huyện Thường Tín, đến hết tháng 6-2021, cả 4 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao đều chưa hoàn thành đủ tiêu chí. Cụ thể, trong số 19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao, các xã Duyên Thái, Minh Cường, Tô Hiệu, Tự Nhiên mới đạt và cơ bản đạt từ 17 đến 18 tiêu chí; tiêu chí chưa đạt đều là trường học. Ngoài tiêu chí này, hai xã Tô Hiệu và Minh Cường còn chưa đạt tiêu chí văn hóa…

Tương tự, huyện Phú Xuyên có 2 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao là Đại Thắng và Tri Trung thì mới có xã Đại Thắng đạt và cơ bản đạt 19 tiêu chí; xã Tri Trung cơ bản đạt 18 tiêu chí, tiêu chí trường học chưa đạt. Bí thư Đảng ủy xã Tri Trung Trần Trung Tuyến thông tin: Trường tiểu học của xã đã có dự án đầu tư và được bố trí vốn xây dựng để đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên chưa thể triển khai thực hiện.

Theo Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí, trong số 29 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021, hiện vẫn chưa có xã nào hoàn thành hồ sơ gửi về thành phố để thẩm định, công nhận. Về nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ, ngoài yếu tố khách quan là phải thực hiện giãn cách xã hội để bảo đảm phòng, chống dịch Covid-19 thì đa số địa phương gặp khó khăn về nguồn vốn để hoàn thiện các tiêu chí hạ tầng. Chẳng hạn, để đạt tiêu chí trường học, yêu cầu các xã phải có 100% trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, trong đó có 1 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, trong khi đầu tư xây dựng một ngôi trường cần hàng chục tỷ đồng. Chưa kể, các địa phương phải thực hiện những tiêu chí khác cũng cần nguồn vốn lớn…

Đại Đồng (huyện Thạch Thất) là một trong những xã của thành phố Hà Nội đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Trong ảnh: Mô hình trồng hoa ly chất lượng cao tại xã Đại Đồng. Ảnh: Trọng Tùng

Giải “bài toán” nguồn vốn

Hiện tại, 29 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2021 đang đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí chưa hoàn thành để đủ điều kiện lập hồ sơ trình thành phố xem xét, công nhận. Phó Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Nguyễn Đức Hồng cho biết, huyện đã phân công nhiệm vụ, chỉ đạo các phòng chuyên môn và 3 xã Cổ Bi, Đình Xuyên, Đặng Xá tập trung nguồn lực cho các công trình đã được phê duyệt để hoàn thiện tiêu chí theo yêu cầu..

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho biết, từ nay đến cuối năm, bên cạnh việc tiếp tục tháo gỡ khó khăn, huyện yêu cầu các xã xây dựng kế hoạch cụ thể theo mốc thời gian và phân công trách nhiệm từng thành viên Ban chỉ đạo xã để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao. Còn theo Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Trọng Vĩnh, huyện sẽ quan tâm, hỗ trợ các xã đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới nâng cao. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra, huyện rất cần thành phố hỗ trợ kinh phí cho các xã xây dựng cơ sở hạ tầng hoàn thành các tiêu chí về trường học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia…

Để hỗ trợ các địa phương xây dựng nông thôn mới nâng cao, Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội Nguyễn Văn Chí cho biết, dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư cho khu vực nông thôn Hà Nội giai đoạn 2021-2025 là 92.680 tỷ đồng, tăng 15% so với giai đoạn 2016-2020. Ngoài kinh phí trên, thành phố tiếp tục vận động các quận, huyện có điều kiện hỗ trợ các huyện khó khăn để tạo thêm nguồn lực cho các địa phương sớm “về đích”.

Trong khi đó, theo Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Xuân Lưu, trong 6 tháng đầu năm 2021, Sở Tài chính đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư bố trí nguồn vốn hơn 11.464 tỷ đồng từ ngân sách các cấp cho chương trình xây dựng nông thôn mới của thành phố. Ngoài ra, trong dự toán năm 2021, Hà Nội cũng bố trí 550 tỷ đồng ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố để cho vay phát triển sản xuất, kinh doanh...

Những nguồn vốn nêu trên đã và đang tạo lực thúc đẩy các địa phương hoàn thành mục tiêu, tiêu chí xây dựng nông thôn mới nói chung cũng như nông thôn mới nâng cao nói riêng.

Theo hanoimoi.com.vn