Thứ 2, 25/11/2024, 17:22[GMT+7]

Nông thôn đổi mới, nông dân đổi đời

Thứ 7, 16/10/2021 | 12:14:29
776 lượt xem
Có người hỏi, vùng nông thôn Hòa Vang (TP Đà Nẵng) đã đổi thay như thế nào trong ngần ấy thời gian triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới? Chúng tôi trả lời, có nhiều lắm chứ! Bởi, sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, điều dễ dàng nhận thấy nơi đây là đã tạo nên nhiều miền quê đáng sống...

Cảnh quan đường làng Dương Lâm 2 (xã Hòa Phong, H. Hòa Vang) thông thoáng, sạch đẹp

Dừng xe trên chiếc cầu kiên cố nối đôi bờ sông An Lợi, lão nông Ngô Văn Khương (thôn Hội Phước, xã Hòa Phú) bồi hồi nhớ lại buổi ban đầu địa phương triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới. Khi đó, người dân miền núi quê ông chẳng biết lợi ích gì và được hưởng lợi gì, chỉ nghĩ đó là chương trình mà Nhà nước đầu tư cho bà con vùng sâu, vùng xa sử dụng mà không phải đóng góp gì? Việc huy động vật chất, kinh phí làm nông thôn mới đã khó nhưng không khó bằng thay đổi nhận thức của người dân.

Các chương trình, dự án tại địa phương trước đây đều được Nhà nước tài trợ, do đó không ít người dân có tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Cách nghĩ đơn giản của người dân quê ông lúc đó cũng không sai, bởi đấy là hệ quả tất yếu của sự trì trệ từ tư duy đến thực tiễn cuộc sống… “Trước đây, người dân trong khu vực qua lại chủ yếu là lội bộ hoặc bơi ghe. Giờ thì bước ra khỏi nhà toàn là đường nhựa hoặc bê-tông, ra đồng sản xuất không còn cảnh xắn quần lội bùn. Nhà nào cũng có xe máy, muốn đi đâu chỉ việc dắt xe ra chạy, còn đi xa thì chỉ việc bấm điện thoại “a-lô” là có ô-tô đến nơi rước liền. Khỏe re!”, ông Khương phấn khởi trải lòng.

Tương tự, ông Đinh Ngọc Hòe (thôn Dương Lâm 2, xã Hòa Phong) cũng không khỏi ngỡ ngàng trước những thay đổi của quê hương mình. Hình ảnh làng quê thông thoáng, khang trang, tươm tất hôm nay gợi ông nhớ về một thời cắp sách đến trường. Tuổi học trò của ông sau ngày đất nước thống nhất gắn liền với những ngôi trường ẩm thấp, mỗi trận mưa lớn là nước ngập trắng sân trường. Đường đi học là những bờ ruộng nhỏ xíu, trơn trượt nên té lên té xuống. Giờ nhìn lại, các con ông “sướng như tiên”, đường đến trường đã không còn vất vả, xa xôi như trước nữa. Thông qua chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều ngôi trường chuẩn quốc gia càng được đầu tư hoàn thiện, đáp ứng tốt nhu cầu dạy và học. Vì vậy, vợ chồng ông quyết tâm nuôi dạy con nên người…

Nông dân Phú Sơn 2 (xã Hòa Khương, H. Hòa Vang) chuyển sang nuôi cá nước ngọt trên vùng đất bạc màu.

Còn ở xã Hòa Khương, từ việc chuyển đổi diện tích đất bạc màu, sản xuất không hiệu quả, gần 340 hộ dân đã nuôi cá dàn trải trên địa bàn nhiều thôn với tổng diện tích mặt nước 62ha. Với hệ thống cấp nước của hồ Đồng Nghệ, đập Ba-ra An Trạch đi qua nên rất thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản. Người nuôi cá cũng thành lập tổ sản xuất, hợp tác xã tiêu thụ cá nước ngọt nhằm chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật, tìm đầu ra cho sản phẩm. Anh Phan Công Tuấn (thôn Phú Sơn 2) tâm sự, trước đây, kinh tế gia đình anh chủ yếu trông chờ vào mấy sào ruộng. Vợ chồng anh xoay xở đủ kiểu nhưng cuộc sống vẫn cứ bấp bênh.

Với bản tính chịu khó học hỏi, từ năm 2013, anh nhận thấy mô hình nuôi cá nước ngọt thích hợp với điều kiện gia đình như diện tích ao nuôi nhỏ, ít vốn, dễ chăm sóc; không phải bỏ ra quá nhiều công để chăm sóc mà hiệu quả kinh tế lại cao. “Những nơi không bị nước lũ tràn qua thì có thể nuôi 2 vụ/năm. Trung bình 1 ao nuôi có diện tích 1.500m2 thì mỗi vụ xuất bán khoảng 1 tấn cá trắng các loại như: trắm cỏ, mè, diêu hồng… với giá từ 45-50 triệu đồng/tấn. Cũng nhờ nuôi cá nước ngọt mà đời sống của nhiều hộ dân trong thôn khá giả hẳn lên, có tiền xây nhà mới, sắm sửa vật dụng gia đình. So với trồng lúa thì việc nuôi cá nước ngọt nhẹ nhàng và hiệu quả hơn nhiều”, anh Tuấn cho biết thêm.

Bây giờ, ở Hòa Vang đi đến đâu cũng nghe người nông dân xôn xao bàn chuyện làm ăn, chuyện đầu tư hạ tầng giao thông và nhiều trường học, nhà văn hóa to đẹp được xây mới. Thời sản xuất manh mún nhỏ lẻ đã qua, ước ao “ăn ngon, mặc đẹp” của người nông dân dần trở thành hiện thực với thu nhập bình quân đầu người từ 12 triệu đồng/năm 2011 lên 55 triệu đồng/năm 2020... Vốn “nặng nợ” với ruộng đồng, hơn ai hết, người nông dân hiểu rằng đây là cơ hội để họ thay đổi cuộc sống của mình trên chính những mảnh vườn, những công ruộng cằn cỗi bấy lâu. Nhờ ý thức chủ động ấy mà nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nhiều “tập đoàn” cây, con giống mới phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, địa hình cũng như trình độ canh tác của bà con nông dân đã dần định hình và từng bước được triển khai, áp dụng trên diện rộng; góp phần nâng cao đời sống người nông dân và đổi mới bộ mặt nông thôn.

Theo cadn.com.vn