Thứ 2, 25/11/2024, 10:44[GMT+7]

Nâng cao thu nhập cho người nông dân từ Chương trình xây dựng nông thôn mới

Thứ 7, 20/11/2021 | 18:45:54
785 lượt xem
Từ chương trình xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ninh hơn 10 năm qua, hẳn mỗi người dân Quảng Ninh đều cảm nhận rõ những đổi thay kỳ diệu ngay trong từng gia đình, từng ngõ xóm đến cộng đồng dân cư; nhất là thu nhập của người nông dân được cải thiện rõ rệt

Cán bộ xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên (Thứ 3 trái sang) tuyên truyền người dân phát triển mô hình nuôi cá tại thôn Khe San.

Sự đổi thay này được kết tinh từ 'ý Đảng hợp lòng dân', sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, đặc biệt là các tầng lớp nhân dân; vì mục tiêu không ngừng nâng cao chất lượng đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Thôn Khe San, xã Phong Dụ có 18 hộ với 84 nhân khẩu, 100% là người đồng bào dân tộc thiểu số. Việc phát triển kinh tế của người dân ở đây chủ yếu là nông nghiệp, trồng rừng.

Tuy nhiên, do đặc điểm địa hình đồi núi nên tổng diện tích rừng của Khe San là trên 300 ha nên diện tích đất nông nghiệp chỉ có 14 ha. Việc phát triển kinh tế rừng cũng chưa mấy hiệu quả, hơn nữa trong 14 ha đất canh tác nông nghiệp, thì gần một nửa số diện tích đất lại nằm ở vùng trũng chân rừng, nên gần như người dân không trồng cấy gì và bỏ hoang hóa.

Số diện tích đất canh tác nông nghiệp còn lại thì có năm trồng cấy, có năm không là bởi bà con nơi đây tập tục canh tác manh mún, trình độ nhận thức còn nhiều hạn chế, phong tục tập quán còn nặng nề, chưa xóa bỏ được tư tưởng trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước. Cuộc sống, thu nhập của người dân ở đây vì vậy khó khăn, chồng chất khó khăn.

Để tạo sự đổi thay vùng đất này, huyện Tiên Yên cũng như cấp ủy đảng, chính quyền xã Phong Dụ đã quyết tâm xây dựng và triển khai các giải pháp đồng bộ; trong đó lấy việc nâng cao thu nhập cho người dân làm động lực.

Từ sự kiên trì vận động, cộng với tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ xã được giao nhiệm vụ phụ trách địa bàn, người dân của thôn Khe San đã dần bỏ lối tập tục canh tác manh mún, mạnh dạn cải tạo ruộng lúa thành ao thả cá. Theo anh Trần Văn Mạn, thôn Khe San, xã Phong Dụ (Tiên Yên), ngày đầu đào ao thả cá không chỉ gia đình anh, mà nhiều người dân trong thôn không đồng tình. Nhưng anh Mạn vẫn quyết tâm, vì thế vụ thu hoạch năm đầu tiên đã có số thu trên một trăm triệu đồng. Từ đó, mô hình nuôi cá đã được xã nhân rộng, giờ đây thôn Khe San đã có hàng chục hộ dân tham gia nuôi và cho thu nhập cao.

Là một doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp tại địa bàn xã Bắc Sơn, Hải Sơn (TP Móng Cái) đã hơn 6 năm nay Công ty CP Quốc tế Ngọc Hà đã chính thức được tỉnh phê duyệt quyết định đầu tư dự án mô hình chuỗi sản xuất – tiêu thụ dược liệu tại xã Bắc Sơn, TP Móng Cái.

Theo qui mô của dự án đầu tư mô hình chuỗi sản xuất - tiêu thụ dược liệu đất để trồng các loại cây dược liệu phục vụ cho nhà máy chế biến phải có đủ diện tích. Vậy nên, ngoài diện tích đất đã được thành phố quy hoạch giao cho Công ty tổ chức sản xuất, canh tác Móng Cái đã vận động nhân dân tham gia liên kết cùng với Công ty trồng các loại cây dược liệu.

Mặc dù, đây là một mô hình kinh tế mới nhưng hiện tại một số các hộ dân đã ký liên kết với Công ty trồng theo hình thức xen canh đã cho lại mức thu nhập khá cao so với các loại cây trồng khác.

Bà Tống Thị Lợi Giám đốc Công ty CP Quốc tế Ngọc Hà (Thứ 2 trái sang) cùng các đối tác liên kết tại khu trông cây dược liệu Atiso đỏ xã Bắc Sơn, TP Móng Cái.

Bà Nguyễn Thị Hải, Phó Chánh Văn phòng điều phối chương trình Nông thôn mới, TP Móng Cái cho biết: Hiện người dân tham gia liên kết trồng cây dược liệu trà Atisô đỏ bước vào vụ thứ 2 trong năm. Vụ đầu tiên, mỗi ha đã có thu nhập từ 40 đến 50 triệu đồng. Trong khi, chu trình của mỗi vụ từ khi trồng đến khi thu hoạch là 4 tháng, như vậy trong một năm người dân có 3 kỳ thu hoạch thì đây là một loại cây trồng hiệu quả so với các loại cây trồng khác trên vùng đất Hải Sơn, Bắc Sơn.

Thực tiễn cho thấy, các giải pháp nhằm nâng cao thu nhập cho người nông dân thực chất là sự chuẩn hóa việc đầu tư phát triển cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; trong đó, người nông dân phải là chủ thể.

Ngoài ra, Quảng Ninh cũng đã có nhiều cơ chế khuyễn khích các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất, kinh doanh vào lĩnh vực nông nghiệp; quy hoạch lại các vùng sản xuất tập trung, sản xuất chuyên canh; chọn lựa, chuyên sâu các sản phẩm OCOP; phát triển mô hình chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ...

Theo baoquangninh.com.vn