Chủ nhật, 24/11/2024, 10:48[GMT+7]

Chương trình Nông thôn mới đã thay đổi toàn diện bộ mặt nông thôn xứ Thanh

Thứ 2, 18/07/2022 | 17:57:12
1,051 lượt xem
Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai sâu rộng, với nhiều cách làm sáng tạo, phù hợp với thực tế của địa phương, tạo sự đột phá làm thay đổi căn bản, toàn diện bộ mặt nông thôn ở Thanh Hóa. Đời sống của người dân được nâng cao, nhân dân được thụ hưởng các thành tựu NTM không chỉ vật chất và cả tinh thần.

Diện mạo nông thôn xứ Thanh thay đổi căn bản, toàn diện

Điều dễ nhận thấy nhất khi tới các khu vực nông thông ở xứ Thanh là đường làng, ngõ xóm được mở rộng, trồng nhiều hoa, cây xanh. Các khu vực nhà văn hóa, khu đất trống được quy hoạch thành các điểm vui chơi, giải trí, giao lưu văn hóa, thể thao. Người người, nhà nhà thi nhau hiến đất làm đường, làm các công trình phúc lợi xã hội. Ai có tiền đóng tiền, ai không có thì đóng góp công sức, ngày lao động. Đường giao thông liên thông, liên xã được bê tông hóa, thảm nhựa, cột điện, tường rào được vẻ bích họa… Thu nhập của người dân được nâng cao khi nhiều công ăn việc làm, lương tháng ổn định.

Từ khi Trung ương có hướng dẫn Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, tỉnh Thanh Hóa đã thành lập ban chỉ đạo từ tỉnh đến cơ sở. Bí thư cấp ủy giữ chức trưởng ban thể hiện quyết tâm cả hệ thống chính trị vào cuộc. Phát triển nông nghiệp là cơ sở, tiền đề để xây dựng NTM bền vững. Theo đó, trong hơn 10 năm qua, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã đưa “Chương trình phát triển nông nghiệp và xây dựng NTM” là 1 trong 5 chương trình kinh tế - xã hội trọng tâm, hàng đầu trong nghị quyết đại hội. Từ đó, các huyện cũng ban hành nhiều cơ chế hỗ trợ; nghị quyết tại các kỳ đại hội đảng bộ cấp huyện cũng đưa ra nhiều mục tiêu phấn đấu liên quan đến XDNTM. Nền tảng nông nghiệp thực sự đã trở thành “bệ phóng” để các địa phương vươn lên, phát triển đồng bộ kinh tế - xã hội, tạo điều kiện cho xây dựng NTM.

Thanh Hóa là địa phương có 7 huyện nghèo nhất cả nước thuộc Chương trình 30a, có 100 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn. Từ năm 2014, tỉnh đã ban hành các tiêu chí riêng về “thôn, bản NTM”, trong đó có đặc thù cho nhiều thôn, bản miền núi đặc biệt khó khăn, để người dân cùng chính quyền thôn/bản và xã có sự phấn đấu, nỗ lực. Đáng chú ý, 14 tiêu chí riêng của Thanh Hóa dành cho thôn, bản đã mang lại những hiệu quả không ngờ. Một xã muốn đạt chuẩn NTM, thì mỗi thôn phải đạt chuẩn NTM. Khi một thôn/bản đã hoàn thành các tiêu chí và được công nhận đạt chuẩn, sẽ tạo hiệu ứng để thôn khác phấn đấu. Điều đó tạo được phong trào sâu rộng ở tận vùng sâu, vùng xa đến trung du, đồng bằng. Điều này đã biến cấp thôn thành “hạt nhân” để cấu thành xã NTM, khẳng định xã NTM phải xây trên “nền móng” từ cấp thôn.

Tính tời đầu tháng 5/2022, Thanh Hóa có 11 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ XDNTM, chiếm 40,7%; có 346/465 xã đạt chuẩn NTM, bằng 74,41% tổng số xã; 56 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, bằng 16,2% tổng số xã và 9 xã được công nhận chuẩn NTM kiểu mẫu, chiếm 2,6% tổng số xã. Ở cấp thôn/bản, hiện toàn tỉnh có 690 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM, bằng 50,92%; trong đó, có 214 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bình quân toàn tỉnh đạt 17,7 tiêu chí NTM/xã. Với sự phát triển của các mô hình sản xuất và nỗ lực của các địa phương, hiện toàn tỉnh đã có 196 sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó có 1 sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Nhiều chỉ tiêu về số xã đạt chuẩn NTM, nguồn vốn, phát triển sản xuất, thu nhập của người dân... liên tục tăng trưởng.

Sản xuất nông nghiệp gắn với địa chỉ tiêu thụ giúp người dân chủ động đầu ra 

Để tạo ra sự chuyển biến sâu rộng trong nhân dân, các hoạt động tuyên truyền đã được đa dạng hóa. Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh đã cho phát hành bản tin nội bộ hằng tháng. Bản tin được đóng thành quyển nhỏ, như một cẩm nang, được phát hành đến từng xã để chuyển tải những chỉ đạo từ cấp tỉnh, cập nhật những kiến thức mới về chương trình, nêu những cách làm hay và sáng tạo để nhân rộng trên địa bàn nhiều xã. Đây chính là kênh tuyên truyền hiệu quả, xuyên suốt cho chương trình.

Với mục tiêu xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu như lời Bác Hồ lúc sinh thời từng mong muốn, nên khi xây dựng NTM, tỉnh đã xác định “xây dựng NTM phải gắn với con người kiểu mẫu, gia đình kiểu mẫu, cơ quan, đơn vị kiểu mẫu, thôn, làng, xã, huyện, tỉnh kiểu mẫu”. Theo đó, tỉnh đã ban hành bộ tiêu chí “kiểu mẫu”, phát động và tổ chức các phong trào thi đua “Chung sức XDNTM, xây dựng Thanh Hóa trở thành tỉnh kiểu mẫu”. Giai đoạn gần đây, việc thẩm định các tiêu chí của xã nông thôn mới kiểu mẫu cũng được lưu ý theo quan điểm này, nên ngoài các yêu cầu chung trên nhiều lĩnh vực, mỗi xã phải có một tiêu chí điển hình mang hình mẫu.

Năm 2022, tỉnh Thanh Hóa đã đề ra kế hoạch có thêm 2 đơn vị cấp huyện, 18 xã đạt chuẩn NTM; 22 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 55 thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM; 60 thôn, bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; bình quân toàn tỉnh đạt 17,9 tiêu chí/xã. Trong năm nay, tỉnh cũng phấn đấu có thêm 120 sản phẩm OCOP được đánh giá, xếp hạng từ 3 đến 4 sao; trong đó, có thêm 1 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia. Xã Hoằng Lộc là đơn vị đầu tiên của huyện Hoằng Hóa đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. 

Theo congly.vn