Chủ nhật, 24/11/2024, 06:30[GMT+7]

Bắc Giang: Linh hoạt thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới

Thứ 5, 25/08/2022 | 15:01:25
598 lượt xem
Bộ tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều điểm mới so với giai đoạn 2016 - 2020. Trong đó, tiêu chí số 17 (môi trường) có nhiều điểm nâng cao cho phù hợp. Vì vậy, nếu không có sự chủ động, linh hoạt trong thực hiện, nhiều địa phương sẽ khó hoàn thành.

Bà Nguyễn Thị Mỹ, thôn Trại Đảng, xã Đồng Kỳ (Yên Thế) thu gom rác thải nhựa để tái chế.

Phân loại rác tại nguồn

Năm 2022, toàn tỉnh Bắc Giang có 12 xã đăng ký về đích NTM. Đây là những xã nghèo, xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn. Trong khi đó, bộ tiêu chí xã NTM giai đoạn 2021 - 2025 có nhiều điểm mới, đòi hỏi chất lượng hoàn thành một số tiêu chí cao hơn giai đoạn trước, trong đó có tiêu chí số 17. 

Cụ thể, tiêu chí 17 của bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021 - 2025 quy định: Đối với các địa phương trung du miền núi phía Bắc, tỷ lệ hộ gia đình phân loại chất thải rắn tại nguồn và tỷ lệ chất thải nhựa phát sinh trên địa bàn được thu gom, tái sử dụng, tái chế, xử lý theo quy định từ 30% trở lên. 

Còn bộ tiêu chí cũ chỉ nêu: Chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất - kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định. Để thực hiện nội dung này đòi hỏi người dân phải nâng cao ý thức vì cộng đồng.

Chị Đỗ Thị Ngần, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Đồng Kỳ (Yên Thế) chia sẻ, để thực hiện điểm mới trong tiêu chí môi trường, UBND xã đã giao cho Hội LHPN xã đảm nhiệm. Được Hội LHPN tỉnh hướng dẫn, đầu năm nay, xã đã xây dựng điểm mô hình “Thu gom, phân loại, đổ rác thải sinh hoạt đúng quy định”, thực hiện tại thôn Trại Chuối 2, với 10 hộ có vườn, bãi rộng tham gia. 

Để triển khai hiệu quả và nhân rộng mô hình, Hội LHPN xã đã tổ chức hội nghị, mời 120 hội viên ở 10/10 chi hội trong xã dự nhằm tuyên truyền, vận động các hộ hội viên cùng thực hiện. 

Cùng đó, Hội LHPN xã hỗ trợ 10 hộ tham gia mô hình hơn 4 triệu đồng để xây dựng điểm xử lý rác tại vườn và mua nắp đậy thùng ủ rác thải hữu cơ làm phân vi sinh. Sau 5 tháng thực hiện, đến nay mô hình không những hoạt động hiệu quả mà còn được nhân rộng trong xã. 

Bà Nguyễn Thị Mỹ, thôn Trại Đảng cho biết: “Trước đây, gia đình tôi thu gom được bao nhiêu rác là đốt bấy nhiêu. Nay chúng tôi đã phân loại rác thải nhựa ra bán tái chế nên môi trường trong thôn không bị ô nhiễm khói, bụi nữa”. Từ nguồn thu bán rác thải nhựa, hội viên Hội LHPN xã Đồng Kỳ đã hỗ trợ làm từ thiện. 

Ông Nguyễn Hữu Hào, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Kỳ chia sẻ, mô hình thu gom, phân loại, xử lý rác thải do Hội LHPN xã đảm nhiệm phù hợp với các hộ có vườn bãi rộng, xa điểm tập kết rác tập trung nên rất hiệu quả, góp phần để xã hoàn thành tiêu chí môi trường và về đích cuối năm nay.

Tuy nhiên, không phải xã nào có diện tích vườn đồi rộng cũng có cách phân loại, xử lý rác hiệu quả như ở Đồng Kỳ. Năm nay, xã Vô Tranh (Lục Nam) cũng phấn đấu về đích NTM, nhưng hiện gặp khó trong thực hiện chỉ tiêu xử lý rác thải. Đó là: Không có nơi tập trung rác thải; không có khu xử lý; không phân loại rác tại nguồn. Tất cả rác thải đều được đốt hoặc đổ ra bãi rác thải của thôn Dùm, xã Nghĩa Phương (cùng huyện) song hiện tại bãi rác này đã đóng cửa vì ô nhiễm. 

Ông Bùi Quang Chúc, Chủ tịch UBND xã Vô Tranh cho biết, chính quyền địa phương đã dự kiến xây dựng khu xử lý rác thải tập trung của xã tại thôn Đồng Quần nhưng do người dân không đồng thuận chủ trương này nên xã vẫn chưa có phương án xử lý rác hiệu quả.

Tại các xã khác đăng ký về địch NTM trong năm nay cũng đang gặp khó trong thực hiện tiêu chí môi trường. Dù có làm tốt khâu phân loại tại nguồn nhưng quá trình thu gom, rác vẫn được trộn lẫn, xử lý như nhau do chưa có khu xử lý riêng rác hữu cơ, vô cơ.

Chủ động tháo gỡ khó khăn

Tiêu chí số 17 còn nêu chỉ tiêu tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung từ 10% trở lên. Trong khi bộ tiêu chí cũ chỉ yêu cầu tỷ lệ hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định. Do đó, các xã vùng khó khăn, tỷ lệ hộ là người dân tộc thiểu số cao như: Vô Tranh, Trường Sơn (Lục Nam), Phì Điền, Tân Hoa (Lục Ngạn), Tuấn Đạo (Sơn Động)… cũng rất khó thực hiện. 

Nguyên nhân là do hầu hết các xã này chưa được đầu tư công trình nước sạch tập trung. Xã Tuấn Đạo đã được xây dựng nhưng nhiều điểm cấp nước tập trung bị hỏng hoặc hoạt động không hiệu quả. 

Giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh có thêm 24 xã NTM. Năm 2022, có 12 xã đăng ký về đích NTM. Đây là những xã nghèo, xã vùng đặc biệt khó khăn.


Ông Trần Thành Công, thôn Trại Lán, xã Vô Tranh cho biết, hiện 60% số hộ trong thôn sử dụng nước giếng khoan và giếng khơi, số còn lại sử dụng nước lấy từ khe núi trên rừng. Mấy chục năm nay, gia đình ông vẫn sử dụng nguồn nước từ khe núi để sinh hoạt.

Ông Hoàng Văn Toán, Phó Chủ tịch UBND huyện Lục Nam cho biết, huyện có 7/12 xã về đích trong năm nay. Để giúp các xã hoàn thành tiêu chí môi trường (trong khi chờ nhà máy xử lý rác thải tập trung của huyện xây dựng tại xã Lan Mẫu hoàn thiện và đưa vào sử dụng), trước mắt huyện xây dựng 5 lò đốt rác thủ công, công suất 5 tấn/ngày đêm tại các xã: Đông Hưng, Đông Phú, Bình Sơn, Cẩm Lý và Thanh Lâm để các địa phương xử lý rác. 

Cùng đó, huyện đang vận động tất cả các xã trong huyện thực hiện mô hình “Thu gom, phân loại, đổ rác thải sinh hoạt đúng quy định” do Hội LHPN tỉnh phát động.

Được biết, việc thực hiện những điểm mới trên không ảnh hưởng đến những xã đã đạt chuẩn NTM. Nhằm tháo gỡ khó khăn trong thực hiện một số điểm mới của tiêu chí môi trường đối với những xã đang thực hiện, ông Nguyễn Văn Minh, Phó Văn phòng Điều phối NTM tỉnh cho rằng, việc xây dựng các công trình nước sạch tập trung vẫn phải dựa vào nguồn đầu tư của Nhà nước. Vì vậy, tỉnh, huyện cần có cơ chế hỗ trợ các xã để xây dựng. 

Địa phương đang được đầu tư công trình nước sạch cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành. Các xã đã có công trình nước sạch tập trung cần rà soát, tu bổ, bảo đảm cấp nước sinh hoạt cho người dân. 

Theo ông Minh, các địa phương cần chủ động, linh hoạt áp dụng nhiều giải pháp thực hiện tiêu chí, như: Khi dùng các nguồn nước tự nhiên phải có bể lọc, bảo đảm vệ sinh. Căn cứ vào địa bàn từng vùng, trước mắt, các xã có thể sử dụng lò đốt rác thủ công. Vận động người dân phân loại rác từ nguồn, vừa vệ sinh môi trường, lại có nguồn thu từ tái chế rác thải nhựa.

Theo baobacgiang.com.vn