Chủ nhật, 24/11/2024, 03:49[GMT+7]

Thanh Hóa: Tiêu chí nổi trội tạo dấu ấn trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu

Thứ 3, 13/09/2022 | 11:23:50
959 lượt xem
Khoảng 2 năm gần đây, ngoài các tiêu chí theo yêu cầu, những xã có hồ sơ xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (NTMKM) đều được khuyến khích xây dựng tiêu chí nổi trội. Đây là sự khác biệt của từng địa phương, thể hiện đúng tính “kiểu mẫu” nhằm tạo dấu ấn riêng.

Trường THCS Tố Như, xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang.

Xã Hoằng Lộc (Hoằng Hóa) từ lâu được coi là vùng “đất học” nổi tiếng trong và ngoài tỉnh. Ở đây, sự học được coi là một “nghề”, là thước đo của sự thành công trong hành trình lập thân, lập nghiệp của mỗi cá nhân. Xuyên suốt các triều đại phong kiến Việt Nam, hàng chục người con của quê hương “Hoằng Bột” xưa đã đỗ đạt, làm quan trong nhiều giai đoạn lịch sử, trong đó có 12 danh nhân đỗ đầu trong các kỳ thi. Bởi vậy, trong quá trình xây dựng NTMKM, địa phương là quê hương của danh nhân “Trạng Quỳnh” đã đăng ký xây dựng tiêu chí “giáo dục” làm tiêu chí nổi trội.

Vào trung tuần tháng 7 vừa qua, UBND huyện Hoằng Hóa và xã Hoằng Lộc đã long trọng tổ chức lễ đón nhận đạt chuẩn NTMKM và trở thành xã đầu tiên của huyện Hoằng Hóa đạt danh hiệu này. Qua khảo sát của các sở, ngành liên quan là thành viên các đoàn thẩm định NTM cấp tỉnh, Hoằng Lộc thực sự là điển hình của tỉnh trong thực hiện tiêu chí giáo dục, là điểm sáng về đào tạo học sinh các bậc học phổ thông ở huyện Hoằng Hóa.

Ngay từ khi xây dựng NTM nâng cao vào giai đoạn 2016-2020, xã Hoằng Lộc đã xác định tiêu chí nổi trội là giáo dục. Không ngừng tiếp nối truyền thống, xã hướng tới phát triển giáo dục toàn diện, biến địa phương thành nơi đào tạo học sinh giỏi của huyện Hoằng Hóa. Thống kê từ UBND xã Hoằng Lộc, đến nay xã đã có hơn 60 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, nhà khoa học, tướng quân đội, hơn 1.000 người có trình độ thạc sĩ và cử nhân. Tinh thần hiếu học được khởi tạo từ trong các gia đình, dòng họ, 22 dòng tộc trên địa bàn xã luôn thi đua thực hiện các phong trào khuyến học, khuyến tài, phát huy truyền thống để nuôi dưỡng ý chí và khát vọng học tập của con trẻ.

Tìm hiểu tại Hoằng Lộc hôm nay, hệ thống hạ tầng giáo dục của địa phương cũng được xếp vào tốp đầu của tỉnh. 2 khu nhà tầng khang trang của Trường THCS Tố Như tọa lạc trên không gian rộng mở như nói lên bộ mặt giáo dục nơi đây. Trong các phòng học, hệ thống thiết bị phục vụ giảng dạy được đầu tư hiện đại, có phòng thực hành vi tính riêng biệt, nhiều hệ thống máy chiếu được trang bị. Trường Tiểu học Lê Mạnh Trinh trên địa bàn có nhiều thành tích vượt trội trong bồi dưỡng học sinh giỏi, là một trong những trường đầu tiên trong huyện được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. Từ nhiều năm qua, ngoài đạt được các nội dung và quy định về đào tạo của ngành giáo dục, cả 3 trường học trên địa bàn đều được công nhận đạt chuẩn quốc gia, luôn duy trì trong tốp đầu của huyện Hoằng Hóa về chất lượng giáo dục. Các trường học trên địa bàn đã vinh dự nhận 7 Huân chương Lao động các loại, nhiều bằng khen, giấy khen của các ngành, các cấp.

Ở khá xa các đô thị và thị trấn, thuộc xã vùng IV của huyện Nông Cống, nhưng xã NTMKM Trường Sơn vẫn tạo cho mình được nét riêng với những khu dân cư văn minh hiện đại và cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp. Đây cũng là tiêu chí nổi trội của xã, được nhiều sở, ngành thẩm định, đánh giá cao. Qua cảm nhận thực tế, không nhiều vùng nông thôn của tỉnh có được những tuyến đường phong quang sạch đẹp với hệ thống cây xanh, vỉa hè lát kiên cố như nơi đây. Ở các thôn, những hồ nước được lưu giữ, xung quanh là những hàng cọ, cây đa, bến nước và hệ thống ghế đá như những công viên nhỏ chạy dài. Các khu dân cư được công nhận “văn minh - hiện đại” đều có cảnh quan sạch đẹp, đường hoa hoặc cây xanh, phát huy được các giá trị văn hóa - tinh thần theo đúng nghĩa “vùng quê đáng sống”.

Để có được kết quả đó, ngoài thực hiện 15 tiêu chí của xã NTMKM, Trường Sơn còn yêu cầu các thôn xây dựng phong trào “Nhà sạch - vườn đẹp - ngõ văn minh” và coi đây như tiêu chí thứ 16. Ban chấp hành đảng bộ xã còn ban hành nghị quyết về xây dựng NTMKM, trong đó hỗ trợ từ 10 đến 15 triệu đồng cho xây dựng thành công “Khu dân cư mẫu, vườn mẫu”, hỗ trợ từ 5 đến 10 triệu đồng cho mỗi “Cụm dân cư kiểu mẫu”. Với quan điểm, xây dựng NTMKM phải từ nhà, ra ngõ, ra cộng đồng dân cư, trên địa bàn xã đã hình thành được nếp sống “Mỗi ngày hộ gia đình dành 1 giờ để dọn vườn ngõ, mỗi tuần thôn chọn một ngày để dọn vệ sinh chung...”. Với vai trò nòng cốt của hội phụ nữ xã trong thực hiện đề án “Nhà sạch - vườn đẹp - ngõ văn minh”, các thôn đã phân các cụm dân cư từ 20 đến 40 hộ để thực hiện. Các cụm dân cư đã đầu tư xây dựng bờ kè, mở rộng lề đường, xây nắp đậy rãnh thoát nước, xây dựng bồn để trồng và chăm sóc cây xanh. Từng hộ dân cũng được xã và thôn rà soát để phát động chỉnh trang nhà cửa, xây dựng tường rào cổng ngõ, cải tạo và chỉnh trang vườn... Từng tiêu chí của “nhà sạch”, “vườn đẹp” cũng được xây dựng để các hộ dân thực hiện.

Được công nhận đạt chuẩn NTMKM vào những ngày cuối cùng của năm 2021, xã Đông Minh (Đông Sơn) cũng tạo cho mình được “sắc thái” riêng với tiêu chí “Cơ sở vật chất văn hóa” được coi là nổi trội. Cả 6/6 thôn đều xây dựng được hệ thống nhà văn hóa, sân thể thao diện tích từ 1.000 đến 2.500m2. Kèm theo đó là các điểm giải trí, thể thao cho trẻ em và người cao tuổi gắn với xích đu, cầu trượt, bập bênh, xà đơn... Các câu lạc bộ văn nghệ, dân ca dân vũ được thành lập và hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Cơ sở vật chất văn hóa từ cấp xã đến các thôn thực sự đã trở thành điểm sinh hoạt cộng đồng, là không gian chung cho các tầng lớp Nhân dân địa phương. Có thể đánh giá, Đông Minh là một trong những điển hình của tỉnh về phát triển cơ sở vật chất văn hóa tiêu biểu.

Nhiều xã NTMKM khác trên địa bàn tỉnh cũng có tiêu chí nổi trội riêng, như các mô hình sản xuất; xây dựng môi trường sống xanh - sạch - đẹp... Theo quan điểm mới trong xây dựng NTM, xã kiểu mẫu ít nhất phải có một tiêu chí là hình mẫu để những xã khác tham quan, học tập.

Theo baothanhhoa.vn