Chủ nhật, 24/11/2024, 03:20[GMT+7]

Thúc đẩy chương trình OCOP và du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới

Thứ 5, 15/09/2022 | 11:04:29
819 lượt xem
Chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch nông thôn nhằm tạo ra không gian phát triển kinh tế cho khu vực nông thôn và nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng hiệu quả và thực chất hơn.

Cánh đồng sen Nhật tại huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình phục vụ du khách đến tham quan. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025, đó là tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống của người dân nông thôn; chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang phát triển kinh tế nông thôn. Do vậy, Chương trình OCOP và Chương trình Phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 được xác định là một trong những giải pháp, nhiệm vụ trọng tâm nhằm phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới.

Sau hơn 4 năm triển khai, Chương trình OCOP đã có sự lan tỏa mạnh mẽ, được triển khai đồng bộ, rộng khắp, được tất cả các địa phương chủ động triển khai một cách hiệu quả và thành công, trở thành một giải pháp được ưu tiên trong phát triển kinh tế nông thôn, gắn với xây dựng nông thôn mới. Đến hết tháng 8 năm 2022, toàn quốc có 8.478 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên của 4.351 chủ thể. Trong đó, có 65,4% sản phẩm 3 sao, 33,4% sản phẩm 4 sao, 1% sản phẩm tiểm năng 5 sao và 0,2% sản phẩm 5 sao.

Chương trình OCOP đã có những tác động tích cực, đậm nét đến phát triển kinh tế nông thôn, nhất là đã góp phần khơi dậy tiềm năng đất đai, sản vật, lợi thế so sánh, đặc biệt là các giá trị văn hóa vùng miền để hình thành các sản phẩm OCOP tích hợp “đa giá trị”, gắn kết giữa phát triển nông nghiệp với dịch vụ, du lịch; thông qua Chương trình, nhiều địa phương đã quy hoạch được các vùng nguyên liệu đặc sản, phát triển các ngành nghề nông thôn, hình thành nhiều sản phẩm OCOP gắn với vai trò như một “đại sứ” chuyển tải những câu chuyện sản phẩm mang tính nhân văn của vùng, miền; Chương trình đã thúc đẩy hướng đi về phát triển sinh kế ở những vùng khó khăn và các nhóm yếu thế như đồng bào dân tộc thiểu số, phụ nữ.

Đặc biệt, thông qua Chương trình OCOP, nhiều địa phương đã chủ động phát triển nhóm sản phẩm dịch vụ du lịch nông thôn và điểm du lịch. Đến nay, các địa phương đã đánh giá và công nhận 65 sản phẩm OCOP thuộc nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch, trong đó nhiều vùng đã phát huy được lợi thế về điều kiện tự nhiên, sản xuất nông nghiệp, văn hóa, làng nghề truyền thống để hình thành các điểm du lịch nông thôn đặc sắc, như Miền núi phía Bắc và Đồng bằng sông Cửu Long.

Để Chương trình OCOP và Chương trình phát triển du lịch nông thôn góp phần xây dựng nông thôn mới ngày càng hiệu quả và thực chất hơn từng cơ quan, đơn vị, địa phương tùy theo chức năng của mình xây dựng kế hoạch hành động tham gia chương trình một cách cụ thể, sáng tạo. Sắp xếp, tổ chức triển khai Chương trình OCOP và Chương trình Phát triển du lịch nông thôn giai đoạn 2021 - 2025 tinh gọn, hiệu quả, gắn kết chặt chẽ với Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; bố trí nguồn ngân sách địa phương lồng ghép các nguồn vốn về tổ chức triển khai thực hiện chương trình, hỗ trợ đầu tư hạ tầng, phát triển sản phẩm, điểm du lịch nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới; nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP, du lịch nông nghiệp, nông thôn phù hợp với định hướng và điều kiện thực tế của địa phương.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thay đổi tư duy, nhận thức hành động cho chính quyền và Nhân dân; hoàn thiện cơ chế, chính sách, văn bản hướng dẫn triển khai chương trình; tổ chức đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, thị trường, kỹ năng hoạt động du lịch cho người lao động làm du lịch ở nông thôn; xây dựng các điểm đến, tour du lịch nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hoá, bảo vệ môi trường và tổ chức nhiều diễn đàn giới thiệu, kết nối cung cầu du lịch nông thôn, đẩy mạnh áp dụng chuyển đổi số để quảng bá, giới thiệu mạnh mẽ các sản phẩm du lịch nông nghiệp nông thôn…

Phát triển du lịch nông thôn không chỉ vì lợi ích kinh tế mà còn là trách nhiệm, niềm tự hào quê hương, xứ sở. Hiện nay, đa số các mô hình du lịch nông thôn đều có hạn chế về giao thông, kỹ năng nghiệp vụ làm du lịch; do đó rất cần sự hỗ trợ của các bộ ngành Trung ương, chính quyền địa phương. Đối với chương trình phát triển du lịch nông thôn, cần đầu tư nâng cấp các sản phẩm du lịch nông thôn theo hướng đa dạng, sáng tạo, phù hợp với thị trường, trong đó chú trọng thêm về nhóm sản phẩm chăm sóc sức khoẻ. Du lịch cộng đồng phải mang lại cho du khách những trải nghiệm về cuộc sống địa phương, từ đó tăng chi tiêu và thời gian lưu trú của du khách tại các điểm du lịch nông thôn….

Các địa phương cần chú trọng, đầu tư phát triển thêm nhiều sản phẩm OCOP, gắn với phát triển du lịch cộng đồng, điểm du lịch nông thôn để thu nhập của người nông dân không chỉ trông vào sản phẩm nông nghiệp mà còn từ đa dạng các ngành nghề dịch vụ nông thôn.

Phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu địa phương. (Ảnh: HN) 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chương trình OCOP giai đoạn 2021-2025 sẽ được triển khai linh hoạt, phù hợp theo hướng phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu địa phương. Theo đó, chương trình tập trung phát triển các đặc sản, sản phẩm truyền thống, phát huy giá trị văn hóa, hình thành sản phẩm tích hợp đa giá trị gắn với lợi thế về điều kiện sản xuất, giá trị văn hóa địa phương. Đặc biệt là sản phẩm các làng nghề, nghề truyền thống, dịch vụ du lịch nông thôn; đẩy mạnh phát triển sản phẩm chế biến, chế biến sâu gắn với vùng nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa.

Giai đoạn này sẽ đẩy mạnh hoạt động đào tạo, tập huấn, chú trọng các kỹ năng về tổ chức sản xuất; quản trị; đổi mới, sáng tạo về sản phẩm; quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm; kỹ năng về thiết kế bao bì, ghi nhãn và mẫu mã sản phẩm; sở hữu trí tuệ, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi giá trị; marketing và phát triển thị trường. Đặc biệt là đổi mới về phương pháp tập huấn, hướng dẫn theo hướng phát triển sản phẩm dựa vào nội lực cộng đồng.

Việc quản lý chất lượng sản phẩm OCOP sẽ được chú trọng, đẩy mạnh việc giám sát, kiểm tra sản phẩm sau khi được đánh giá, phân hạng, nhất là chất lượng, an toàn thực phẩm. Đồng thời, rà soát, kiểm tra đánh giá, phân hạng sản phẩm sau khi hết thời hạn công nhận nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các chủ thể đối với người tiêu dùng.

Chương trình đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu cho sản phẩm OCOP. Cùng đó, tập trung xây dựng để hình thành các “điểm đến” về sản phẩm OCOP gắn với các trung tâm du lịch, các hoạt động văn hóa; nâng cao năng lực hệ thống logistic về nông sản và OCOP nhằm thúc đẩy thương mại, thị trường sản phẩm trong nước và xuất khẩu. Đồng thời, tập trung xây dựng các điểm đến, sản phẩm du lịch nông thôn, hình thành các tour, tuyến du lịch nông thôn gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa và bảo vệ môi trường.

Sản phẩm OCOP, du lịch nông thôn còn nhiều dư địa phát triển, vì vậy việc triển khai các chương trình cần linh hoạt, phù hợp với từng địa phương theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế về nông nghiệp, làng nghề, văn hóa và môi trường sinh thái của từng nơi, từng vùng. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; tạo dấu ấn phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững./.

Theo dangcongsan.vn