Thứ 7, 23/11/2024, 19:15[GMT+7]

Thanh Hóa: Huyện Vĩnh Lộc với phong trào xây dựng Nông thôn mới 'lấy sức dân để lo cho dân'

Thứ 3, 22/11/2022 | 16:02:16
1,029 lượt xem
Sau khi đạt chuẩn Nông thôn mới (NTM) năm 2019, với tinh thần xây dựng NTM là hành trình liên tục, không có điểm dừng, huyện Vĩnh Lộc tiếp tục phấn đấu xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Với chủ trương đúng đắn 'dân làm, dân hưởng thụ, lấy sức dân để lo cho dân', Vĩnh Lộc đang từng bước thu hẹp khoảng cách trên hành trình trở thành huyện NTM nâng cao.

Mô hình trồng măng tây cho thu nhập cao tại thôn Yên Lạc, xã Ninh Khang.

Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, nhất là sự bùng phát của đại dịch Covid -19 trong năm 2020, 2021 với những thành quả đáng khích lệ trong phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM. Bước sang năm 2022, Vĩnh Lộc tiếp tục tập trung nguồn lực, thực thi các giải pháp đẩy mạnh xây dựng NTM gắn với chương trình sản phẩm OCOP.

Sau khi UBND huyện ban hành kế hoạch xây dựng xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Hầu hết các xã đã xây dựng chính sách hỗ trợ cho các thôn như: Hỗ trợ xây dựng vườn hộ, hỗ trợ xi măng làm đường giao thông, hỗ trợ lắp đặt đèn chiếu sáng, chỉnh trang nhà văn hóa, hỗ trợ các chủ thể đăng ký sản phẩm OCOP… Cùng với đó, thực hiện chỉ đạo của huyện, các xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiện toàn Ban chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia, hoàn thiện quy hoạch xây dựng NTM giai đoạn 2021-2030.

Thiết bị bay không người lái phun thuốc bảo vệ thực vật tại một số xã trên địa bàn huyện Vĩnh Lộc.

Là huyện thuần nông, để nâng cao đời sống, thu nhập cho nhân dân, Vĩnh Lộc đặc biệt chú trọng đến phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung, quy mô lớn ứng dụng công nghệ cao. Nhờ các chính sách hỗ trợ, động viên phù hợp, đến nay trên địa bàn huyện có 104,3ha sản xuất công nghệ cao; 481ha sản xuất tập trung, liên kết, hợp đồng bao tiêu sản phẩm với các doanh nghiệp như: Liên kết với Công ty Mía đường Việt – Đài 341,6ha trồng mía nguyên liệu; liên kết với Công ty TNHH TH bao tiêu sản phẩm lúa chất lượng J02 diện tích 65ha; liên kết với Công ty Cổ phần thực phẩm Á Châu về đầu ra sản phẩm ngô ngọt 24,3ha; liên kết với Cty TNHH MTV Bò sữa Thống nhất về cây ngô sinh khối trên diện tích 30ha…

Cùng với trồng trọt, ngành chăn nuôi cũng chuyển từ nhỏ lẻ, manh mún sang chăn nuôi trang trại, sản xuất hàng hóa. Nhằm tạo ra sản phẩm chất lượng cao, an toàn và không gây ô nhiễm môi trường, huyện đã chỉ đạo tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ biogas, đệm lót sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, kiểm soát dịch bệnh để chăn nuôi bền vững… Đến nay, toàn huyện có 335 trang trại và gia trại, 7 cụm trang trại chăn nuôi tập trung, hàng năm cung cấp cho thị trường hàng trăm tấn sản phẩm chất lượng cao.

Cũng trong lĩnh vực vệ sinh môi trường nông thôn, đến nay hầu hết các xã đều có bãi tập kết rác thải sinh hoạt để vận chuyển về khu xử lý tập trung, 99% gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh, tỷ lệ thu gom rác thải đạt 98,71%. Cùng với đó, công tác vệ sinh môi trường, quét dọn đường làng, ngõ xóm được duy trì đều đặn, góp phần làm cho bộ mặt làng quê luôn sạch, đẹp, khang trang. Trên đồng ruộng, việc thu gom rác thải, bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã đi vào nền nếp với hệ thống hàng nghìn thùng thu gom đặt cạnh nguồn nước pha chế thuốc tại khắp các đồng ruộng, tạo thuận lợi và thói quen cho người dân trước và sau khi phun thuốc.

Về huy động nguồn lực cho xây dựng xây dựng cơ sở hạ tầng, nhờ đa dạng hóa các nguồn lực, trong 6 tháng đầu năm 2022, toàn huyện đã huy động được 156.497,7 triệu đồng cho đầu tư xây dựng NTM. Trong đó, vốn cộng đồng dân cư (tiền mặt, hiến đất, xây mới và chỉnh trang nhà cửa, xây dựng vườn mẫu, cải tạo vườn tạp) đạt 101.879,1 triệu đồng (chiếm 65,1%).

Nhờ nguồn đầu tư trên, cùng với các kết quả trong các lĩnh vực phát triển sản xuất, thu hút đầu tư, tạo việc làm, thương mại – dịch vụ; văn hóa – xã hội; giáo dục đào tạo – y tế, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội – quốc phòng. Kết quả, cuối năm 2021, ngoài 100% số xã duy trì NTM, Vĩnh Lộc đã có 3 xã đạt NTM nâng cao gồm: Vĩnh Minh, Vĩnh Tiến và Vĩnh Tân, cũng năm 2021, toàn huyện có 5 thôn đạt NTM kiểu mẫu.

Về kết quả thực hiện bộ tiêu chí NTM, thực hiện rà soát các tiêu chí xã NTM và NTM nâng cao theo dự thảo Bộ tiêu chí mới của UBND tỉnh. Đến nay, số tiêu chí xã NTM trên địa bàn Vĩnh Lộc đạt bình quân 16 tiêu chí/xã; số tiêu chí xã NTM nâng cao đạt bình quân 10,83 tiêu chí/xã. Về phát triển sản phẩm Ocop, năm 2021, toàn huyện đã có 10 sản phẩm được công nhận Ocop, trong đó có 4 sản phẩm 4 sao và 6 sản phẩm 3 sao. Năm 2022, huyện phấn đấu có thêm 4 sản phẩm Ocop, đến nay đã có thêm 01 sản phẩm đạt Ocop 3 sao và 3 sản phẩm được Tổ giúp việc của Hội đồng cấp tỉnh chấm điểm đạt tiêu chuẩn Ocop, dự kiến sẽ tham gia đánh giá, xếp hạng do hội đồng cấp tỉnh tổ chức tới đây.

Những ngôi nhà khang trang xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn xã Vĩnh Khang.

Với những giải pháp đúng đắn, phù hợp được nhân dân đồng tình hưởng ứng, Chương trình xây dựng NTM của Vĩnh Lộc đang được triển khai hiệu quả, đem lại sự thay đổi toàn diện, tích cực làm thay đổi bộ mặt làng quê và đời sống mọi mặt của nhân dân. Tuy nhiên, theo một cán bộ chuyên môn về công tác xây dựng NTM, bên cạnh những thuận lợi, kết quả to lớn đã đạt được, Chương trình xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu của địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, bất cập về một số tiêu chí, chỉ tiêu theo Bộ tiêu chí mới được ban hành.

Cụ thể như: 100% số dân phải có mã định danh, 100% dân số dùng nước sạch tập trung (trong khi trên địa bàn huyện còn khu vực 5 xã phía Tây chưa có nhà máy nước sạch); tiêu chí về khám chữa bệnh từ xa (phải có sổ khám chữa bệnh điện tử); tiêu chí về thu tiền điện, tiền nước không dùng tiền mặt; tiêu chí về xây dựng nhà văn hóa thôn (khó khăn về quỹ đất)…

Cũng theo cán bộ trên, đây là những chỉ tiêu, tiêu chí tuy đòi hỏi về kinh phí không lớn, nhưng chưa phù hợp với khu vực nông nghiệp, nông thôn và người nông dân hiện nay. Do đó, để tháo gỡ khó khăn, đáp ứng được những tiêu chí, tiêu chuẩn này, đòi hỏi phải có sự vào cuộc, hỗ trợ của các đơn vị như các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn huyện, đoàn thanh niên, công an, các nhà mạng viễn thông… Hiện tại, thông qua sự giúp đỡ của các đơn vị liên quan, những khó khăn, bất cập trên đang được tháo gỡ thí điểm tại một số thôn, xã để tiến tới áp dụng phổ biến tại toàn bộ các thôn, xã có nhu cầu.

Theo baoxaydung.com.vn