Thứ 7, 23/11/2024, 14:52[GMT+7]

Ninh Bình: Làng quê đổi thay nhờ nông thôn mới

Thứ 4, 28/12/2022 | 13:25:56
528 lượt xem
Qua hơn 10 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn tại tỉnh Ninh Bình đã có nhiều sự chuyển biến rõ rệt. Về những làng quê hôm nay, không gian trở nên thật lạ lẫm với những con đường thẳng tắp, những ngôi nhà cao tầng mọc san sát và những những công trình công cộng khang trang, sạch sẽ…

Xã Trường Yên (huyện Hoa Lư) là một trong những địa phương đầu tiên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu của tỉnh Ninh Bình.

Năm 2011, năm đầu tiên Đảng bộ và nhân dân tỉnh Ninh Bình triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM) trong bối cảnh dân cư không tập trung, cơ sở hạ tầng phân bố rộng. Ở thời điểm này, chỉ có duy nhất một xã đạt trên 10 tiêu chí, các xã còn lại trong tỉnh mới chỉ đạt 4,8 tiêu chí/xã, đã thế thu nhập bình quân khu vực nông thôn chỉ đạt 13,2 triệu đồng/người/năm. 

Ngay từ ngày đầu triển khai Chương trình NTM, Ngành Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình đã xác định, phải bán sát vào Chương trình mục tiêu quốc gia và sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh.

Cùng với đó, phải quán triệt quan điểm, xây dựng NTM là quá trình đi lên không ngừng nghỉ, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, điều chỉnh phù hợp với thực tế, không sa vào “bệnh thành tích”. NTM phải thực sự làm thay đổi bộ mặt nông thôn, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Chính vì vậy, địa phương đã chú trọng đến việc xây dựng và đào tạo nâng cao năng lực, trình độ đội ngũ cán bộ nòng cốt ở các cấp, nhất là đội ngũ cơ sở, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động. Ninh Bình - tỉnh đầu tiên đưa nội dung lấy ý kiến hài lòng của người dân vào tiêu chí đánh giá xét, công nhận đạt chuẩn NTM, tạo hiệu ứng tốt. Đây là kênh thông tin quan trọng để các cấp nắm bắt được chỉ tiêu nào người dân chưa hài lòng, từ đó đưa ra giải pháp, tiến độ xử lý, đảm bảo xây dựng NTM bền vững...

Đoàn viên thanh niên tỉnh Ninh Bình tham gia vào xây dựng nông thôn mới.

Công cuộc xây dựng NTM ở Ninh Bình đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ, rộng khắp của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người dân. Hội phụ nữ, nông dân, đoàn thanh niên, cựu chiến binh đều có những hoạt động thiết thực đóng góp vào thành quả chung, như giúp đỡ các hội viên sản xuất, giảm nghèo và làm giàu chính đáng.

Cụ thể là tập trung xây dựng, triển khai các mô hình điểm rồi phát hiện cách làm hay, ý tưởng mới để làm cơ sở để nhân rộng trên địa bàn. Nổi bật là mô hình: “Cánh đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật”; mô hình “Phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình và khu dân cư bằng chế phẩm sinh học”; phong trào “5 không, 3 sạch”; phong trào “Toàn dân tổng vệ sinh môi trường vào ngày mùng 4 hằng tháng”; “Tuyến đường bích họa”; “Đường hoa phụ nữ” và phong trào “Thắp sáng đường quê”…

Nhờ vậy, bộ mặt NTM của Ninh Bình ngày càng khởi sắc. Tính đến tháng 9/2022, toàn tỉnh đã có 119/119 xã đạt chuẩn NTM; trong đó có 17 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 11 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; 275 thôn, xóm được công nhận khu dân cư NTM kiểu mẫu; 7/8 huyện, thành phố được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM; huyện Kim Sơn đang hoàn thiện thủ tục hồ sơ trình các sở, ngành của tỉnh thẩm tra các tiêu chí huyện đạt chuẩn NTM.

Một góc TP Ninh Bình hôm nay.

Chương trình OCOP đạt được nhiều kết quả quan trọng. Đã có 54 sản phẩm đạt chuẩn sản phẩm OCOP cấp tỉnh, trong đó, 15 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 39 sản phẩm đạt hạng 4 sao, trong đó có 6 sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao…

Đến năm 2022, đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng cao rõ rệt. Bộ mặt NTM đã hiện hữu ở khắp các địa phương trong toàn tỉnh, làng quê như phố, thu nhập người dân ngày càng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể, thực sự là một cuộc “đổi đời” của mỗi làng quê, mỗi gia đình và mỗi người dân.

Theo Sở NN-PTNT tỉnh Ninh Bình, tổng nguồn lực huy động toàn xã hội thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM của tỉnh đến nay là hơn 49.400 tỷ đồng, trong đó, vốn do nhân dân đóng góp chiếm khoảng 26%.

Những con đường thẳng tắp, ngát màu xanh tại xã Khánh Thiện (huyện Yên Khánh).

Ngoài ra, người dân còn hiến gần 1.200ha đất và hơn 413.000 ngày công xây dựng nông thôn mới; nhiều người tích cực tham gia xây dựng hương ước, quy ước, xây dựng nếp sống văn minh trong việc hiếu, hỉ, làm cho nhiều vùng nông thôn trở thành những miền quê đáng sống.

Mục tiêu mà ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình đặt ra là phấn đấu hoàn thành xây dựng NTM vào năm 2024 và đến năm 2025, có 25% số huyện trở lên, 50% số xã trở lên đạt chuẩn NTM nâng cao; 20% số xã trở lên đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; mỗi huyện, thành phố có ít nhất 40% số thôn đạt chuẩn khu dân cư NTM kiểu mẫu. Đặc biệt, có từ 150 sản phẩm OCOP đạt chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó ít nhất 3% đạt 5 sao…

Trên cơ sở đó đưa địa phương phát triển bền vững với tiêu chí “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.

Theo daidoanket.vn