Thứ 7, 23/11/2024, 10:28[GMT+7]

Chuỗi giá trị sản xuất 'nở rộ' trong nông thôn mới ở Lâm Đồng

Thứ 6, 24/02/2023 | 09:59:31
793 lượt xem
Quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng những năm qua tiếp tục đi vào chiều sâu, trong đó tạo ấn tượng lớn nhất là sự ra đời của hàng loạt chuỗi giá trị sản xuất làm thay đổi đời sống của người dân.

Lâm Đồng đang dành nguồn lực lớn để phát triển các chuỗi giá trị sản xuất trong nông nghiệp (Ảnh: BLĐ).

Đến hết năm 2022, toàn tỉnh Lâm Đồng mở rộng hoạt động 213 chuỗi liên kết, thu hút 16.900 hộ trồng trọt, hơn 2.800 hộ chăn nuôi. Bên cạnh 87 chuỗi được ngân sách nhà nước hỗ trợ, còn lại 126 chuỗi do doanh nghiệp, HTX, cơ sở chủ động đầu tư xây dựng và phát triển.

Hàng trăm tỷ đồng phát triển chuỗi

Lũy kế đến hết năm 2022, toàn tỉnh Lâm Đồng phê duyệt 30 dự án liên kết cấp tỉnh và 57 dự án liên kết cấp huyện, tổng kinh phí gần 275,7 tỷ đồng. Những dự án liên kết tiêu biểu như hoa cắt cành của HTX Vạn Thành 1 (hơn 11 tỷ đồng); rau, củ, quả và cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào tại HTX Nam Hà (gần 10,9 tỷ đồng)...

HTX dịch vụ Nông nghiệp Tổng hợp Sunfood Đà Lạt là một trong những đơn vị tiêu biểu trong phát triển chuỗi giá trị ở Lâm Đồng. Hiện bình quân mỗi năm HTX sản xuất và tiêu thụ được trên 3.500 tấn rau quả và hoa các loại, doanh thu hàng chục tỷ đồng.

Ông Phạm Ngọc Thạch – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Sunfood Đà Lạt cho hay, nhờ kinh doanh tốt, thu nhập bình quân của thành viên HTX hiện đạt trên 10 triệu đồng/người/tháng. Ngoài ra, HTX còn giúp được 30 lao động tại chỗ có việc làm thường xuyên, mức lương bình quân khoảng 9 triệu đồng/người/tháng.

Hiện mỗi ngày HTX sản xuất và tiêu thụ được trên 10 tấn nông sản các loại với 70 mã hàng khác nhau, điển hình như cà chua cherry, dưa leo bao tử, ớt chuông, bí giọt nước, các loại rau cải, hành tây, cần tây, cùng nhiều loại hoa như lily, cẩm chướng, cát tường, hồng, cúc, lay ơn…

Trong đó có một số sản phẩm đã được chế biến sâu như khoai lang mật sấy dẻo; chuối, mít, khoai tây sấy khô; sinh tố dâu tây, sinh tố dâu tằm, trà túi lọc atiso và sấy thập cẩm.

Để có được thành công hiện tại, HTX chủ động ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, với hệ thống nhà lưới, nhà màng, tưới tự động hiện đại. Theo đó, năng suất các loại cây trồng của HTX luôn cao hơn từ 40-50% so với các cây cùng loại trồng ngoài tự nhiên. Điển hình như năng suất cà chua cherry của HTX đã đạt 140 tấn quả/ha, thời gian cho thu hoạch kéo dài tới 8 tháng, tương đương năng suất cà chua của các quốc gia có nền nông nghiệp phát triển như Hà Lan, Israel…

Bên cạnh áp dụng quy trình nông nghiệp công nghệ cao trong sản xuất rau củ quả, HTX luôn coi trọng phân tích dự báo thị trường, cùng với chế biến, bảo quản, bao gói và dán tem truy xuất nguồn gốc, giúp gia tăng rất lớn giá trị các sản phẩm làm ra.

Tạo bước chuyển trong nông thôn mới

Theo ngành nông nghiệp Lâm Đồng, thành công của phát triển chuỗi giá trị chính là một trong những nền tảng giúp tỉnh tạo những bước chuyển quan trọng để tiến tới xây dựng xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nâng cao đời sống cho người dân.

Năm 2022, tổng nguồn vốn bố trí cho Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới trên địa bàn toàn tỉnh đạt hơn 281 tỷ đồng. Bao gồm nguồn vốn ngân sách tỉnh 150 tỷ đồng, nguồn vốn Trung ương và vốn đối ứng của địa phương gần 132 tỷ đồng.

Kết quả, 5 huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Lâm Hà đạt chuẩn nông thôn mới. Trong năm qua, có thêm 2 xã nông thôn mới, 7 xã nông thôn mới nâng cao, 3 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Toàn tỉnh có 100% xã hoàn thành và công khai quy hoạch xây dựng nông thôn mới; Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Lâm Hà đã được phê duyệt quy hoạch vùng huyện...

Triển khai giải pháp năm 2023, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới Lâm Đồng tiếp tục tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng trên cơ sở các danh mục dự án đã được phê duyệt, tạo cơ chế cho UBND các huyện, thành phố chủ động phân bổ vốn cho những công trình cụ thể.

Đồng thời, rà soát điều chỉnh, bổ sung, ban hành mới cơ chế, chính sách thuận lợi để xây dựng, nâng cấp hạ tầng nông thôn có trọng tâm, trọng điểm trên địa bàn.

Bên cạnh đó, toàn tỉnh tiếp tục phát triển nông nghiệp toàn diện, bền vững và hiện đại, ưu tiêu hỗ trợ nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi giá trị sản xuất, chế biến và tiêu thụ đối với các sản phẩm chủ lực, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Đặc biệt, thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển kinh tế hợp tác, Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”; lồng ghép các chương trình, dự án để hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân trên địa bàn...

Riêng về chuỗi liên kết, năm 2023, tỉnh đặt mục tiêu phát triển mới 20 chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, nâng tổng số chuỗi hoạt động trên địa bàn lên con số 233. Quy mô liên kết đạt 22.800 hộ canh tác khoảng 33.000 ha, chăn nuôi trên 1 triệu con các loại.

Theo vnbusiness.vn