Thứ 7, 09/11/2024, 22:26[GMT+7]

Bước chuyển về giao thông nông thôn ở Lục Yên (Yên Bái)

Thứ 6, 03/03/2023 | 18:11:11
1,303 lượt xem
Là huyện miền núi, có nhiều xã vùng cao, vùng sâu hiện chỉ có tuyến đường độc đạo nối với trung tâm thị trấn huyện, nên việc hoàn thiện mạng lưới giao thông nông thôn luôn được huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái quan tâm phát triển. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, trên các công trình giao thông nông thôn rộn ràng tiếng máy thi công, hướng về đích xây dựng nông thôn mới.

Thi công đường bê-tông trên tuyến Minh Tiến-An Phú.

Tuyến đường độc đạo Minh Tiến-An Phú có chiều dài 10,4km, vốn đầu tư theo dự toán hơn 160 tỷ đồng, qua địa bàn 2 xã Minh Tiến và An Phú, đang gấp rút thi công.

Nguyễn Xuân Cơ, cán bộ kỹ thuật hiện trường của tuyến đường cho biết: "Theo thiết kế, đây là đường cấp IV miền núi, bề rộng nền đường 7,5m, sử dụng mặt đường cứng. Theo đó, lớp áo đường bao gồm: phối đá dăm dày 25cm, lớp móng bê-tông 15cm, lót 2 lớp giấy dầu rồi đổ bê-tông lớp mặt dầy 25cm mác 300, những nơi xác định nền yếu còn gia cố thêm lớp thép. Tôi đã thi công nhiều nơi nhưng chưa thấy có tuyến nào có độ dầy mặt đường lên đến 65cm như tuyến này, sử dụng đến 30 năm không phải bảo trì bảo dưỡng!".

Thi công lớp bê-tông mặt đường.

Dốc Khau Nghiềm nằm trên tuyến về xã An Phú cao vút, 2 chiếc máy khoan cần mẫn mấy tháng nay khoan phá đá, hạ độ cao theo thiết kế. Do địa chất toàn đá xanh lẫn đá mồ côi, nên phải áp dụng phương pháp không dùng mìn, chỉ phá đá bằng bột nở công nghiệp là chính, rồi dùng máy xúc mở đường, khiến công việc chậm chạp, tiến độ chững lại.

Phá đá mở đường trên dốc Khau Nghiềm.

Nhà ở ngang dốc, anh Hứa Văn Thanh, dân tộc Tày bộc bạch: "Nhà mình bị ảnh hưởng vì cái đường này đi qua, nhà thấp hơn đường cỡ 20cm, mấy hôm nữa mổ lợn rồi nhờ người làng đến nâng lên, tốn tý nhưng mà sướng do có đường mới!".

Trước đây, đi từ xã An Phú về trung tâm huyện mất nửa ngày, có trường hợp người đau đẻ phải sinh giữa đường vì đường đất quá xấu, nhất là vào mùa mưa trơn trượt không xe nào qua được.

Đồng chí Hoàng Hữu Độ, Bí thư Huyện ủy Lục Yên kiểm tra việc giải phóng mặt bằng làm đường giao thông nông thôn.

Theo thiết kế tuyến đường nông thôn này có diện tích thu hồi toàn tuyến là 15,77ha. Có 351 hộ gia đình, cá nhân, tổ chức bị ảnh hưởng do thu hồi đất khi tuyến đường đi qua.

Khi nhà nước thu hồi đất làm đường luôn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân, một số hộ dân có đất bị thu hồi kiến nghị bồi thường không đúng chế độ, chính sách theo quy định; không hợp tác với cán bộ làm công tác giải phóng mặt bằng để kiểm đếm tài sản trên đất; không chấp nhận phương án bồi thường được phê duyệt dẫn đến chậm tiến độ thực hiện dự án…

Huyện Lục Yên luôn xác định đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong công tác quản lý đất đai, đã huy động các tổ chức chính trị-xã hội xuống dân để tuyên truyền, vận động, lắng nghe và làm rõ các vướng mắc phát sinh, từ đó có hướng giải quyết cụ thể.

Hộ bà Lưu Thị Cúc, thôn Khau Ca, xã An Phú có 2 ngôi mộ của gia đình nằm trong tuyến đường đi qua. Theo tính toán giá hỗ trợ di dời gần 15 triệu đồng, gia đình không đồng ý với lý do, khi đi xem 3 thầy mo đều phán rằng mộ đang kết, về mặt tâm linh không được di dời!

Vậy là, huyện Lục Yên lắng nghe và chuyển hướng tuyến khác, tuy tiền đền bù tăng nhiều lần bởi di dời thêm 3 hộ dân khác, nhưng được lòng dân yên.

Hộ bà Hoàng Thị Vọng, thôn Khau Nghiềm, xã Minh Tiến khi kiểm đếm áp giá hỗ trợ đền bù tài sản trên đất theo quy định nhà nước lên tới 170 triệu đồng, hướng nhà gỗ nằm ngay chân dốc cao rất nguy hiểm khi đường vào sử dụng.

Lãnh đạo huyện nhiều lần trực tiếp đối thoại, đã đưa máy san gạt mặt bằng mới, sẵn sàng hỗ trợ người dịch chuyển nhà đến vị trí mới. Nhờ minh bạch thông tin, gần dân, trọng dân, và vận dụng khéo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng”, đến nay có 349 hộ dân 2 xã Minh Tiến, An Phú ủng hộ nhường đất làm công trình phúc lợi, góp phần làm đổi thay bộ mặt nông thôn miền núi.

Người dân xã An Phú tự nguyện phá bỏ cây ăn quả để làm đường giao thông nông thôn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Lục Yên Đinh Khắc Yên cho biết, năm 2022 nhờ làm tốt công tác dân vận trong xây dựng nông thôn mới, nhân dân đã hiến 42.690m2 đất các loại, phá bỏ hơn 9.300 cây ăn quả, đóng góp hơn 8 tỷ đồng và gần 30.000 ngày công làm đường giao thông nông thôn.

Đến nay, toàn huyện có hơn 775km đường được kiên cố, 281km đèn đường chiếu sáng về đêm và hàng trăm km đường hoa dọc các tuyến đường xã.

Điều đó góp phần xây dựng 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới, các tuyến đường độc đạo về các xã vùng cao như: Tân Phượng, Minh Chuẩn, Phan Thanh, An Phú…đều được đầu tư làm mới.

Nhờ có giao thông đi trước một bước, huyện Lục Yên đang khởi sắc, chuyển dịch kinh tế nông nghiệp sang hướng hàng hóa chất lượng cao, nâng cao đời sống đồng bào dân tộc thiểu số trong vùng.

Bác Hoàng Ngọc Kim, 70 tuổi, trú tại thôn Khau Ca, xã An Phú phấn khởi chia sẻ: "Nhận tiền hỗ trợ đến bù bao nhiêu cho đủ, mình phải chia sẻ khó khăn với nhà nước, cả nhà tôi và các con đều nhất trí di dời nhà đến nơi tái định cư mới, nhường đất làm đường mới. Bởi cả đời mình khổ vì đi đường đất quanh năm, nay có đường mới thênh thang, con gà, con lợn, các nông sản làm ra không còn bị ép giá như trước, người bệnh có xe ô-tô đón tận nhà sàn, không còn cảnh khênh võng lội bùn đưa đến trạm y tế như trước nữa. Nghe nói, tỉnh Yên Bái đang mời nhà đầu tư vào làm khu du lịch trên hồ Thác Bà với quy mô lớn lắm. Được thế, con cháu mình có việc làm gần nhà, đồng bào Tày quê mình có cơ hội khoe điệu hát then, múa quạt, dựng các homestay đón khách về chơi".

Theo nhandan.vn