Thứ 7, 23/11/2024, 10:30[GMT+7]

Cần cảnh giác và xử lý mạnh tay với thực phẩm không an toàn

Thứ 4, 16/01/2013 | 10:17:08
2,186 lượt xem
Thực trạng hiện nay vi phạm vệ sinh thực phẩm rất đa dạng; các cơ sở sản xuất, thương lái vận chuyển vẫn tung hoành, tung ra các sản phẩm không an toàn. Đã đến lúc cần phải báo động “khẩn cấp”; nếu không, đến một thời điểm đỉnh cao nào đó ngộ độc thực phẩm tập thể, cá nhân sẽ trở tay không kịp.

Phân loại hải sản. Ảnh: Ngọc Trâm

Đời sống con người không thể thiếu lương thực, thực phẩm và nước uống hàng ngày. Đời sống kinh tế phát triển, đòi hỏi sử dụng ngày càng nhiều, càng cao, không những về số lượng mà còn đòi hỏi về chất lượng và độ an toàn. Thực tế hiện nay thực phẩm đang tự do trôi nổi, có nguy cơ báo động về độ an toàn vệ sinh thực phẩm. Nỗi lo này không của riêng ai mà đòi hỏi phải có sự chung tay đồng thuận của cả xã hội.

 

Thực tế cho thấy một số người nuôi trồng thì kém hiểu biết, người kinh doanh thì vì lợi nhuận khó lường. Người xưa có câu “ Người điếc không sợ súng”, thời nay chính dân ta lại hại sức khỏe dân ta mà không tự biết. Đơn cử nói về người chăn nuôi: Ngày trước nhân dân ta nuôi con lợn, con gà bằng thóc gạo ngô khoai, 6 tháng hoặc 1 năm mới cho sản phẩm vài chục kg; khi sử dụng thực phẩm rất thơm ngon, an toàn. Bây giờ nuôi con lợn, con gà dùng thuốc kích thích hóc môn tăng trọng pha loãng với cám nước cho ăn. Lợn nuôi bình quân một ngày cho 1kg, gà hai tháng đã xuất chuồng cho từ 1,5 - 2kg. Thành phẩm khi dùng không thơm ngon, sử dụng có nhiều nước và có nhiều hóa chất rất độc hại. Còn con trâu, con bò khi giết mổ cũng bị “mi lô”, tức là bơm nước vào các thớ thịt rồi mới đem bán cho người dùng. Nước “mi lô” ấy có sạch hay không thì ai biết. Con cá dưới ao cũng bị nhiễm chất thải công nghiệp ...

 

Ai đã nhìn một người thợ giết mổ thì không dám ăn tiết canh. Tay cầm móc vào hàm con lợn, lôi lên bệ, một tay cầm dao chọc tiết, chân đá cái chậu để sẵn vào hấng tiết, rồi thò chân đang bẩn vào chậu tiết ngoáy cho đều. Người thợ mổ cho biết làm từ 2 - 3 giờ đêm không nhờ được ai hộ, nếu cứ như chú đàng hoàng thì sáng không kịp bán. Tiết hãm nếu được nước mưa đã khá có khi còn dùng nước ao. Nếu có nói thì có người chép miệng “khuất mắt trông coi”. Còn những người trồng rau thì sao? Muốn cho rau xanh non, không sâu lá, nhanh được lứa để tăng lợi nhuận thu hoạch, rút cục họ đã làm gì? Đã dùng thuốc phun kích thích qua lá, mới phun thuốc hôm trước hôm sau đã đem thu hoạch bán ở chợ.

 

Một bác nông dân bán rau cho biết: Rau sâu lá, rau không non là rau sạch, không phun thuốc, còn rau bí dùng thuốc phun hôm trước thì hôm sau tua tủa nhiều ngọn lớn nhanh. Bây giờ loại rau nào nhân dân ta cùng dùng thuốc kích thích, biết rằng độc hại mà vẫn cứ dùng, lợi trước mặt mà hại lâu dài về sau mới sinh ra bệnh tật. Còn các loại củ, quả như hoa quả nhập từ Trung Quốc về để thời gian thoải mái không hỏng, anh bạn tôi một cựu chiến binh làm vườn cho biết: Anh mua quả táo ở chợ về (loại nhập từ Trung Quốc) đem vứt ra vườn bị vùi đất 3 tháng, khi cuốc vườn trồng rau vẫn còn nguyên không bị hỏng. Củ khoai tây mua từ Trung Quốc về đã  che mắt dân ta, họ đã đem xoa đất đồi để củ khoai lấm, rồi đóng sọt đem chợ bán, thương lái nói đây là khoai tây trồng ở Đà Lạt, Lâm Đồng. Còn rất nhiều loại thực phẩm đã nhiễm hóa chất hoóc-môn tăng trưởng không kể hết được, xuất xứ địa chỉ không rõ ràng, thậm chí có thứ đã thối rữa, vẫn sử dụng hóa chất khử mùi bán cho dân dùng.

 

Nói về bánh kẹo nước giải khát, có thực tế thâm nhập quần chúng nhân dân mới rõ. Bánh kẹo làm ra hêt hạn sử dụng thì đã bóc vỏ bỏ nhãn cũ, thay nhãn mác mới. Trong phụ gia thì dùng đường hóa học (Cyclamate) có chứa chất gây ung thư, dùng nhiều, lâu dài làm nhiễm độc gan thận... Khi dùng loại bánh kẹo này, mỗi khi buổi sáng ngủ dậy, miệng có cảm giác rất chát. Tìm hiểu một người bán chè đỗ đen, một nồi chè khoảng 5 lít đã dùng đường hóa học, chỉ dúng một đầu đũa nhúng vào đường hóa học rồi chyển sang khuấy đều vào nồi chè ăn thấy rất ngọt. Hỏi dân ta mấy ai biết. Còn giò chả cho hàn the vào thực phẩm cho dòn là đại đa số dùng. Bánh dày, bánh hú làm đã mất vệ sinh lại còn xoa dầu mỡ để khỏi dính tay, dính lá, không có bao bì đóng gói. Nước uống đóng chai tuy có thuận lợi nhưng tìm hiểu qua nhiều kênh thông tin đài báo cho thấy, có những chỗ sản xuất nước uống đóng chai mất vệ sinh không an toàn, trong nước có chứa mầm bệnh tả, lỵ, thương hàn ... Nếu ai được vào thăm nơi sản xuất thì phải lắc đầu, lè lưỡi  cao chạy xa bay.

 

Trên đây mới chỉ nói về một vài loại thực phẩm từ cây trồng, con vật nuôi, củ, quả, bánh kẹo và còn rất nhiều, rất nhiều thứ nhiễm độc lâu dài, đài báo không thể nói hết bằng lời, nhân dân ta và các nhà chức năng cần tìm hiểu kỹ để phơi bày bộ mặt làm giả, làm hại sức khỏe cộng đồng. Có biện pháp xử lý “mạnh tay” theo pháp luật. Cán bộ và nhân dân cần nâng cao cảnh giác phòng ngừa, phát hiện ngăn chặn những cá nhân, tập thể, những doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển thực phẩm kém chất lượng, thiếu vệ sinh an toàn, đồng thời tuyên truyền giúp người tiêu dùng biết và phòng tránh những thực phẩm không có nguồn gốc xuất xứ cũng như không có giấy kiểm dịch. Thực trạng hiện nay vi phạm vệ sinh thực phẩm rất đa dạng; các cơ sở sản xuất, thương lái vận chuyển vẫn tung hoành, tung ra các sản phẩm không an toàn. Đã đến lúc cần phải báo động “khẩn cấp”; nếu không, đến một thời điểm đỉnh cao nào đó ngộ độc thực phẩm tập thể, cá nhân sẽ trở tay không kịp.

Đặng Tất Tính

(Phú Châu, Đông Hưng)

 

 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày