Tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng giải phóng dân tộc và thuộc địa
Trên hành trình ra đi tìm đường cứu nước và giải phóng dân tộc Người đã tiếp cận được với bản “Sơ thảo lần thứ nhất luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của Lê-Nin. Sau khi nghiên cứu và tìm hiểu sâu hơn nữa về các cuộc cách mạng trên thế giới, Người đã nhận ra rằng “Chỉ có Cách mạng Tháng Mười Nga là cuộc cách mạng triệt để” vì sau khi cách mạng thắng lợi, thì quyền lực chính trị, quyền lợi thuộc về quần chúng công nông. Với việc tiếp thu chân lý đó, và kinh nghiệm từ Cách mạng Tháng Mười Nga, Người đã đưa ra kết luận cho rằng “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác, con đường các mạng vô sản”.
Như vậy có thể thấy hệ tư tưởng giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kết quả tổng hòa của nhiều yếu tố khác nhau, nó là một hệ tư tưởng lớn có ảnh hưởng sâu sắc đến công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ta, cũng như là ngọn đèn soi sáng cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước cũng như bảo vệ nền độc lập tự chủ của đất nước.
Trong hệ tư tưởng của Người, thì cách mạng giải phóng dân tộc muốn giành được thắng lợi thì cần phải xác định được mục tiêu của cuộc cách mạng.
Với việc phân tích rõ về thực tiễn xã hội thuộc địa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thấy sự phân hóa giai cấp ở các nước tư bản phương Tây với các nước thuộc địa phương Đông là không giống nhau. Tuy các giai cấp ở các nước thuộc địa có sự khác nhau nhất định nhưng đều chung một số phận đó là những nô lệ mất nước. Mâu thuẫn cơ bản và chủ yếu trong xã hội các nước thuộc địa phương Đông đó là mâu thuẫn dân tộc, cụ thể ở đây đó là mâu thuẫn giữa người dân của một dân tộc bị áp bức với chủ nghĩa thực dân xâm lược và tay sai của chúng. Từ đó có thể thấy cuộc đấu tranh của nhân dân thuộc địa có đối tượng khác với đối tượng của nhân dân các nước tư bản chủ nghĩa. Đối tượng của cách mạng thuộc địa là chủ nghĩa thực dân và tay sai phản động.
Tính chất, nhiệm vụ của cách mạng Việt Nam nói riêng và các nước thuộc địa nói chung
Theo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì, cuộc cách mạng thuộc địa trước hết đó là cần phải đánh đổ ách thống trị của chủ nghĩa đế quốc chứ không phải là cuộc cách mạng xóa bỏ sự tư hữu cũng như bóc lột nói chung. Bởi mâu thuẫn chủ yếu ở thuộc địa là mâu thuẫn dân tộc, quy định tính chất và nhiệm vụ quan trọng nhất của cuộc cách mạng ở các nước thuộc địa đó là giải phóng dân tộc. Điều này đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định trong tác phẩm “Đường cách mệnh” khi Người đã phân loại thành 3 cuộc cách mạng đó là: “Cách mạng tư sản; Cách mạng vô sản; Cách mạng giải phóng dân tộc”. Trong tác phẩm này, Người đã hết sức nhấn mạnh vai trò cũng như tầm quan trọng nhiệm vụ cách mạng của nước ta tại thời điểm đó là cuộc cách mạng giải phóng dân tộc.Trong nhiều tác phẩm do bản thân chắp bút, cũng như trong các bài phát biểu tại các hội nghị Chủ tịch Hồ Chí Minh đều khẳng định vai trò của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc là một nhiệm vụ trọng tâm, là nhiệm vụ bức thiết nhất.
Mục tiêu của cách mạng giải phóng dân tộc
Với việc nghiên cứu kỹ chủ nghĩa Mác – Lê nin cùng với đó là việc trực tiếp tham gia vào Quốc tế III Người đã nhận định, cách mạng giải phóng dân tộc là cuộc cách mạng nhằm đánh đổ hoàn toàn ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc và thiết lập một chính quyền do nhân dân làm chủ. Người cũng đã xác định, mục tiêu cấp thiết của cách mạng nước nhà cũng như của các nước thuộc địa nói chung là cần phải thực hiện một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc trước khi thực hiện các cuộc đấu tranh cách mạng nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa các tầng lớp, giai cấp.
Quan điểm thực hiện đấu tranh giải phóng dân tộc của Người mặc dù là một quan điểm đúng đắn và phù hợp với tất yếu của lịch sử, nhưng đôi khi vấp phải những ý kiến trái chiều, dẫn đến các quan điểm phê phán. Tuy nhiên, bằng thực tiễn lịch sử cùng với bản lĩnh cách mạng Người đã chứng minh được quan điểm của mình là hoàn toàn đúng đắn với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cũng như thắng lợi của hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 1954 và đế quốc Mỹ, giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước năm 1975.
Con đường đấu tranh cách mạng của Việt Nam
Kể từ khi thực dân Pháp xâm lược nước ta vào năm 1858, hàng loạt các phong trào đấu tranh yêu nước, các cuộc khởi nghĩa của giai cấp nông dân nổ ra, tuy nhiên các cuộc đấu tranh này đều thất bại và bị thực dân Pháp dìm trong bể máu. Đại đa số các cuộc đấu tranh giành độc lập nửa cuối thế kỷ XIX đều diễn ra theo hệ tư tưởng phong kiến, trong đó nổi trội hơn cả là phong trào “Cần Vương”. Sang đến nửa đầu thế kỷ XX với sự xuất hiện của hàng loạt các nhà yêu nước như cụ Phan Bội Châu hay Phan Châu Trinh, nhưng với đường lối đấu tranh không phù hợp dẫn đến các phong trào đấu tranh này đều thất bại.
Bên cạnh thực tế lịch sử các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc tại nước nhà, Người cũng đã nghiên cứu rất kỹ các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các nước trên thế giới, với điển hình là cách mạng Pháp 1789, hay cách mạng Mỹ và người nhận ra rằng con đường cách mạng tư sản là con đường cách mạng không triệt để, do đó Người đã chỉ ra rằng đây không phải là con đường của cách mạng Việt Nam nói riêng và của các nước thuộc địa nói chung.
Với việc rút ra các bài học kinh nghiệm thông qua nghiên cứu kỹ các phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như các cuộc cách mạng của nhiều nước trên thế giới Người nhận ra rằng cần phải tìm một con đường cách mạng khác, phù hợp với thực tiễn các nước thuộc địa. Do đó, khi tiếp cận được với chủ nghĩa Mác – Lê nin cùng với đó là việc tán thành Quốc tế III, Người đã nhận định rằng cuộc cách mạng vô sản là cuộc cách mạng triệt để nhất, là cuộc cách mạng đem lại ấm lo, tự do, hạnh phúc và bình đẳng cho nhân dân. Đồng thời Người cũng nhận thấy, cuộc cách mạng vô sản cùng lúc có thể giải phóng được nhân dân lao động trong nước cũng như cổ vũ nhân dân các nước thuộc địa đứng lên tự giải phóng.
Đảng Cộng sản phải lãnh đạo công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc
Với nhận định, cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam chỉ có thể thành công bằng con đường cách mạng vô sản. Cùng với đó là nhận định việc cần phải có một chính đảng để làm nhiệm vụ vận động và tổ chức quần chúng, đồng thời liên lạc với các dân tộc bị áp bức và tiến hành vô sản giai cấp mọi nơi Người đã thành lập lên Đảng Cộng sản Việt Nam vào đầu năm 1930. Đây là một chính đảng của giai cấp công nhân và dân tộc Việt Nam, lấy chủ nghĩa Mác – Lê nin làm nòng cốt, có tổ chức chặt chẽ, kỷ luật và có mối liên hệ mật thiết với quần chúng nhân dân. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng của giai cấp công nhân, của nhân dân dân lao động và của cả dân tộc Việt Nam. Để Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, Người đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về tư tưởng, đường lối và đồng thời cũng là người sáng lập và rèn luyện các cá nhân tiến bộ trở thành những người đảng viên đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Ngay sau khi được thành lập, Đảng Cộng sản đã lập tức quy tụ được lực lượng và sức mạnh của toàn bộ giai cấp công nhân, nhân dân lao động, nhờ đó ngay từ khi mới ra đời, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành ngọn cờ đầu, là ngọn cờ soi đường chỉ lối cho công cuộc đấu tranh cách mạng của dân tộc, quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước nhà.
Về lực lượng cách mạng
Khác với các bậc tiền bối đi trước khi nhận định cuộc cách mạng giải phóng dân tộc là cuộc cách mạng chỉ dành cho một số bộ phận người dân thì Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra quan điểm cuộc cách mạng giải phóng dân tộc là sự nghiệp của cả dân chúng chứ không phải việc của một hai người. Do đó, khác với các bậc tiền bối đi trước Người đã có những nhận định về lực lượng đấu tranh cách mạng một cách rõ ràng, như trong “Sách lược vắn tắt” Người đã chỉ rõ: “Đảng… phải thu phục cho được đại bộ phận giai cấp mình, phải làm cho giai cấp mình lãnh đạo được dân chúng… Đảng phải hết sức liên lạc với tiểu tư sản, trí thức, trung nông, Thanh niên, Tân Việt... để kéo họ đi vào phe vô sản giai cấp... ”. Nhằm thực hiện được vấn đề này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cùng lúc thực hiện hai hoạt động, bên cạnh việc tìm cách để quy tụ toàn thể lực lượng nhân dân, không phân biệt giai cấp, tầng lớp cùng có lòng yêu nước vào một mặt trận, bên cạnh đó là việc đưa ra những cách thức, phương pháp giải quyết các mâu thuẫn về giai cấp trong nội bộ xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Mục đích chính của hai hoạt động này nhằm tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao tinh thần yêu nước. Do đó, dưới sự lãnh đạo của Người, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quy tụ được lực lượng cách mạng của toàn dân tộc và tạo nên sức mạnh to lớn làm lên các thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc.
Qua đó có thể thấy Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, lực lượng cách mạng ở đây chỉ trừ bọn tay sai bán nước, còn tất cả mọi giai tầng ở Việt Nam đều có thể tham gia vào công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, bởi Người cho rằng cách mạng dân tộc thì chưa phân chia giai cấp và để giải phóng được dân tộc thì các tầng lớp nhân dân đều phải đoàn kết, đồng lòng.
Cách mạng giải phóng dân tộc ở Việt Nam là một cuộc cách mạng mang tính chất chủ động, sáng tạo và có thể giành thắng lợi trước cách mạng vô sản ở chính quốc.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: “tất cả sinh lực của chủ nghĩa tư bản quốc tế đều lấy ở các xứ thuộc địa. Đó là nơi chủ nghĩa tư bản lấy nguyên liệu cho các nhà máy của nó, nơi nó đầu tư tiêu thụ hàng, mộ nhân công rẻ mạt cho đạo quản lao động của nó, và nhất là quyền những binh lính ban xử cho các đạo quân phản cách mạng của nó” và Người cũng cho rằng “nọc độc và sức sống của con rắn độc tư bản chủ nghĩa đang tập trung ở các thuộc địa”. Từ đó Người đã cho rằng các đảng cộng sản khác đã bỏ qua luận điểm điểm trên, và đưa ra một số luận điểm của bản thân nhằm cảnh tỉnh các đảng cộng sản anh em, bởi trong cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa thực dân thì cuộc cách mạng thuộc địa đóng vai trò hết sức quan trọng. Quần chúng nhân dân các dân tộc thuộc địa là lực lượng có thể làm lên được cuộc cách mạng to lớn và để có thể thực hiện được cuộc cách mạng đó thì nhân dân các nước thuộc địa cần phải đoàn kết, sát cánh cùng nhau.
Bên cạnh đó, Người cũng khẳng định công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa phải là cuộc cách mạng của nhân dân các nước thuộc địa, do nhân dân các nước thuộc địa tiến hành bởi Người đánh giá rất cao sức mạnh của một dân tộc đang bị áp bức, bị bóc lột. Người cho rằng nhân dân các dân tộc đó hoàn toàn đủ khả năng, sức mạnh để có thể lật đổ ách thống trị của chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân Việt Nam, tránh tư tưởng trông chờ vào sự hỗ trợ, giúp đỡ từ các nguồn lực bên ngoài. Đó cũng là lý do trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945 Người đã chủ động chớp thời cơ giành chính quyền về tay cách mạng trước khi lực lượng quân đồng minh vào nước ta làm nhiệm vụ giải giáp vũ khí của quân đội Nhật.
Trong thực tế, có một số quan điểm cho rằng cuộc cách mạng của nhân dân các nước thuộc địa muốn giành được thắng lợi phải phụ thuộc vào cuộc cách mạng vô sản ở chính quốc có giành được thắng lợi hay không. Tuy nhiên, đi ngược lại với quan điểm này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa và cuộc cách mạng vô sản của chính quốc là hai cuộc cách mạng có mối quan hệ mật thiết, gắn bó với nhau và đó là mối quan hệ bình đẳng, chứ không phải là mối quan hệ lệ thuộc, hay mối quan hệ chính phụ. Từ quan điểm trên, cùng với việc nhận thức đúng đắn về vai trò cũng như vị trí của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân các nước thuộc địa có thể diễn ra trước và giành thắng lợi trước cuộc cách mạng vô sản ở chính quốc.
Bạo lực cách mạng là con đường giành thắng lợi của cách mạng giải phóng dân tộc
Trong quan điểm của chủ nghĩa Mác cho rằng “Bạo lực là bà đỡ của mọi chính quyền cách mạng, vì giai cấp thống trị, bóc lột không bao giờ tự giao chính quyền cho lực lượng cách mạng”.Trong thực tiễn lịch sử của mọi cuộc cách mạng giành thắng lợi đều phải sự dụng biện pháp bạo lực cách mạng, bởi đúng theo quan điểm của Mác, mọi chính quyền thống trị, bóc lột không tự giao chính quyền của chúng cho lực lượng cách mạng. Từ thực tiễn đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng cho rằng cuộc cách mạng giải phóng dân tộc phải thực hiện bằng con đường bạo lực cách mạng bởi thực tiễn cho thấy chính quyền thực dân, đế quốc là chính quyền hà khắc, chúng cai trị nhân dân ta bằng các luật lệ, là sự đàn áp bạo lực, nhân dân ta không có chút quyền tự do dân chủ nào, do đó không thể thực hiện các con đường nào khác ngoài con đường bạo lực cách mạng. Bên cạnh đó, công cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng dân tộc ở nước ta đó là cuộc đấu tranh lật đổ chính quyền thực dân và phong kiến, nhằm mục đích dành chính quyền về tay lực lượng cách mạng. Do đó, chỉ có con đường khởi nghĩa vũ trang từng phần, tiến tới tổng khởi nghĩa là con đường duy nhất để giành thắng lợi.
Trong quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh thì bản chất của chủ nghĩa thực dân đó là việc sử dụng bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu, do đó theo Người muốn giải phóng mình thì các dân tộc bị áp bức không còn con đường nào khác ngoài con đường bạo lực cách mạng, bởi việc sử dụng bạo lực cách mạng là nhằm đập tan bạo lực phản cách mạng, giành chính quyền về tay nhân dân.
Bên cạnh đó, từ thực tiễn lịch sử và thấm nhuần các quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê nin nên Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận định cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân và bạo lực cách mạng là bạo lực của quần chúng nhân dân được đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng với mục tiêu là giành chính quyền và giữ chính quyền. Chính vì đó, Người đã thực hiện nhiều biện pháp để nhằm thu hút lực lượng, gây dựng lực lượng vững mạnh làm cơ sở để thực hiện công cuộc cách mạng giải phóng dân tộc bằng con đường bạo lực cách mạng.
Như vậy, có thể thấy quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vấn đề cách mạng giải phóng dân tộc là những quan điểm vô cùng sáng tạo, nó được xây dựng dựa trên các quan điểm của chủ nghĩa Mác – Lê nin và từ thực tiễn lịch sử. Thông qua các quan điểm này đã góp phần làm phong phú thêm học thuyết Mác – Lê nin về cách mạng thuộc địa, cũng như là ngọn đuốc soi sáng cho mọi thắng lợi của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam.
Trần Nhật Đức
(Trường Chính trị Thái Bình)
Tin cùng chuyên mục
- Một số giải pháp thúc đẩy CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội 28.10.2024 | 11:31 AM
- Đổi mới sáng tạo ở báo Đảng: Dám nghĩ, dám làm, sẽ có đột phá 21.06.2024 | 11:20 AM
- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn ở Việt Nam hiện nay 14.11.2023 | 14:24 PM
- Trường Chính trị tỉnh Thái Bình: Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị 01.10.2023 | 11:20 AM
- Xây vững “cội nguồn, gốc rễ” của Đảng 02.09.2023 | 08:24 AM
- Vận dụng chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về sở hữu và thành phần kinh tế trong tác phẩm Thường thức chính trị 04.08.2023 | 09:25 AM
- Đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn ở Việt Nam hiện nay 12.09.2023 | 11:41 AM
- Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2030 24.11.2021 | 14:10 PM
- Liên kết - Hướng đi hiệu quả cho nông nghiệp 26.07.2021 | 08:22 AM
- Sức hấp dẫn của tác phẩm báo chí đa phương tiện 24.12.2020 | 15:16 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh