Trăn trở truyền thanh cơ sở
Người làm công tác truyền thanh cơ sở chỉ có phụ cấp hàng tháng từ 800.000 - 1 triệu đồng, nếu ai kiêm nhiệm thì còn một nửa. Điều đó khiến việc tìm người rất khó khăn. Đối với nhiều chức danh ở địa phương, chưa nghỉ thì đã có vài người xin thế chân, nhưng đối với người làm truyền thanh cơ sở thì xin nghỉ là lãnh đạo xã lại lo, biết tìm ai thay thế. Đội ngũ cán bộ đài truyền thanh xã, người từ 50 - 70 tuổi chiếm tỷ lệ cao. Có những bác tuổi đã 60, 70 và ngoài 70, sức cũng đã yếu, chân tay không còn nhanh nhẹn, giọng đọc cũng yếu hơi nhưng vì yêu nghề mà gắn bó như Đài Truyền thanh xã Đông Phong, Tây Lương, Bắc Hải, Nam Thắng, Nam Hưng…. Còn những người trẻ giờ trăm thứ phải lo mà chỉ dựa vào khoản phụ cấp ít ỏi thì chắc ít người dám xung phong, thế nên phải kiêm nhiệm, phải chạy việc nọ việc kia thì chất lượng chương trình lại không được tốt, không bảo đảm về thời gian. Đây chính là trăn trở của cả cấp ủy, chính quyền địa phương.
Ông Đặng Văn Nhiên, Chủ tịch UBND xã Đông Phong cho biết: Ông Trưởng đài Truyền thanh xã đã 71 tuổi, chân lại bị đau đi lại khó khăn, cũng nhiều lần xin nghỉ nhưng xã vẫn chưa tìm được người. Đối với 2 cán bộ là phát thanh viên và kỹ thuật viên còn trẻ nên xã đã tạo điều kiện cho kiêm nhiệm thêm thì người ta mới làm. Mà có thế thì mới tạm đủ trang trải cuộc sống.
Người xưa có câu: “Nhàn làm thì nhàn ăn”, thế nhưng công việc của người làm truyền thanh cơ sở đâu thực sự có nhàn. Theo quy định, nhiệm vụ của đài truyền thanh cơ sở gồm: tiếp âm, tiếp sóng Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài PTTH tỉnh và Đài TTTH huyện; sản xuất và phát sóng chương trình truyền thanh; phối hợp, cộng tác tin, bài với Đài TTTH huyện; lưu trữ các chương trình truyền thanh tự sản xuất; thực hiện các nhiệm vụ khác do UBND xã, thị trấn giao. Chừng đó nhiệm vụ thì biết bao nhiêu việc mà hàng ngày những người không chuyên trách phụ trách truyền thanh phải làm. Sản xuất một chương trình ở địa phương đều do những người không chuyên trách “tự biên, tự diễn”. Không những thế, họ còn phải lắng nghe tiếng loa, dán mắt vào từng dao động của cây kim máy phát sóng, máy tăng âm, nếu có trục trặc, sự cố xảy ra thì người vận hành máy phải tức thời thắt dây an toàn, cấp tốc leo cột xử lý loa, dây chập. Đã có trường hợp cán bộ kỹ thuật đài truyền thanh cơ sở bị ngã trong khi sửa chữa, gia đình phải chạy chữa bao tiền vì không có chế độ bảo hiểm y tế. Cùng chia sẻ với nỗi lòng này, anh Phạm Ngọc Ánh, cán bộ kỹ thuật Đài Truyền thanh xã Nam Hưng chia sẻ: Công việc vất vả thường xuyên phải leo trèo sửa chữa, tôi chỉ mong muốn được hỗ trợ bảo hiểm y tế.
Hầu hết đài truyền thanh cơ sở hiện nay ở huyện sử dụng hình thức ghi phát trực tiếp. Hiện, huyện Tiền Hải mới có Đài Truyền thanh các xã Nam Thanh, Nam Trung, Nam Chính, Đông Long, Đông Phong sử dụng hình thức dựng chương trình phát thanh. Một số đài đã đươc trang bị máy ghi âm nhưng vì các bác làm ở đài tuổi cao ngại động chạm vào công nghệ, thế là xã có thông báo nào thì đến giờ là đọc thông báo đó, rồi có người bận mải làm thêm việc này, việc khác cũng ngại xây dựng chương trình, thôi thì có gì đọc nấy. Cũng vì phải đọc trực tiếp nên nhiều chương trình như vào đợt cao điểm phòng, trừ sâu bệnh, bão gió, thiên tai thì công việc thật là vất vả, phải đọc đi đọc lại nhiều lần.
Ông Phạm Tường Vi, Trưởng đài Truyền thanh xã Nam Thắng tâm sự: công việc của chúng tôi thường không có ngày nghỉ, máy móc thì thô sơ nên càng đòi hỏi nhiều thời gian. Tôi tuổi cũng đã cao, cũng nhiều lần xin nghỉ nhưng lãnh đạo địa phương cũng động viên ở lại đến khi tìm được người mới.
Việc thường ngày của những người không chuyên trách phụ trách truyền thanh cơ sở là như vậy. Nỗi niềm của những người làm truyền thanh chắc chắn các cấp, các ngành, nhiều người thấu hiểu, nhưng có sớm được sẻ chia?
Nguyễn Hường
(Đài TTTH Tiền Hải)
Tin cùng chuyên mục
- Một số giải pháp thúc đẩy CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn ở huyện Chương Mỹ, Thành phố Hà Nội 28.10.2024 | 11:31 AM
- Đổi mới sáng tạo ở báo Đảng: Dám nghĩ, dám làm, sẽ có đột phá 21.06.2024 | 11:20 AM
- Một số vấn đề lý luận và thực tiễn CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn ở Việt Nam hiện nay 14.11.2023 | 14:24 PM
- Trường Chính trị tỉnh Thái Bình: Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị 01.10.2023 | 11:20 AM
- Xây vững “cội nguồn, gốc rễ” của Đảng 02.09.2023 | 08:24 AM
- Vận dụng chỉ dẫn của Hồ Chí Minh về sở hữu và thành phần kinh tế trong tác phẩm Thường thức chính trị 04.08.2023 | 09:25 AM
- Đẩy mạnh CNH, HĐH nông nghiệp nông thôn ở Việt Nam hiện nay 12.09.2023 | 11:41 AM
- Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế, tạo động lực mới cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2021-2030 24.11.2021 | 14:10 PM
- Liên kết - Hướng đi hiệu quả cho nông nghiệp 26.07.2021 | 08:22 AM
- Sức hấp dẫn của tác phẩm báo chí đa phương tiện 24.12.2020 | 15:16 PM
Xem tin theo ngày
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về dự thảo nghị quyết và các dự án luật
- Tiếp tục quan tâm, hướng dẫn thành lập chi hội, tổ hội nông dân nghề nghiệp
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật và chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy
- Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất và kỳ họp thứ chín, HĐND tỉnh khóa XVII nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Họp Tiểu ban Tổng kết công tác kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh phục vụ Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025 - 2030
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Giá trị, tầm vóc và ý nghĩa thời đại của Cách mạng Tháng Mười Nga bất diệt
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc khu dân cư thôn An Cư
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật