Thứ 7, 23/11/2024, 10:31[GMT+7]

Người làm báo cần dấn thân

Thứ 4, 20/06/2018 | 08:23:38
53,009 lượt xem
Suy cho cùng, thì làm nghề gì cũng cần có sự dấn thân. Song nghề làm báo càng phải có sự dấn thân mới có được những bài báo đáp ứng sự mong đợi của độc giả.

Phóng viên sáng tạo tác phẩm báo chí đa phương tiện tại xã Đông Cường (Đông Hưng).

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước các phóng viên chiến trường phải bám sát các mũi tiến công của bộ đội để ghi lại những thước phim, những bức ảnh chiến đấu mà không bao giờ có thể lặp lại được. Nhà thơ Lê Anh Xuân đã chứng kiến hình ảnh anh giải phóng quân hy sinh ở sân bay Tân Sơn Nhất trong dáng đứng, để ông cho ra đời bài thơ rất nổi tiếng “Dáng đứng Việt Nam”.

Ngày nay, sự dấn thân của người làm báo không cận kề cái chết như trong chiến tranh nhưng đòi hỏi phóng viên cũng phải biết dấn thân vào cuộc sống để có những bài báo hay. Nghề làm báo không phải là công chức đơn thuần mà là một nghề sáng tạo, phản ánh những sự kiện mà nhiều người không được tận mắt chứng kiến. Đó chính là chức năng cổ động của báo chí cách mạng. Phản ánh phải trung thực, khách quan, không cho phép phóng viên được dễ dãi với bất kỳ chi tiết nào trong bài báo. Phóng viên chỉ có gia tài quý nhất là vốn từ ngữ, một chút vốn văn học và nếu được đào tạo nghiệp vụ thì có kiến thức về báo chí mà các thầy ở trường báo chí trang bị cho. Nhưng ra công tác thì được phân công viết ở các lĩnh vực khác nhau: người thì viết về nông nghiệp, công nghiệp hoặc y tế, giáo dục… để viết chính xác cần có sự  cập nhật thông tin, cập nhật kiến thức chuyên sâu về ngành được phân công. Mình phải hiểu sâu, hiểu rõ chuyên môn thì phản ánh mới chính xác. 

Tôi đi làm báo chuyên nghiệp khi chưa được học qua trường, lớp chỉ có hơn 10 năm làm cộng tác viên cho Báo Quân đội nhân dân. Môi trường ấy đã đào tạo tôi trưởng thành, trở thành một cây bút xuất sắc của Báo Quân đội nhân dân. Khi tôi đi làm báo chuyên nghiệp, Ban Biên tập giao cho viết về ngành địa chất, tôi đã mượn tài liệu viết về địa chất, ngày đó, công nghệ thông tin chưa có nhiều nên việc cập nhật tài liệu rất khó khăn, tôi cố gắng tìm hiểu qua tài liệu và những chuyến công tác, làm việc tôi không giấu dốt, điều gì chưa hiểu thì hỏi đến tận cùng. Bởi, nếu mình không hiểu thì làm sao làm cho bạn đọc hiểu được. 

Dịp ấy, chuẩn bị kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười Nga và 5 năm ký hiệp ước hữu nghị Việt Xô, mặc dù tòa soạn không giao nhưng với ý thức và độ nhạy bén của người làm báo, tôi đăng ký với Liên đoàn Địa chất 1 để có cuộc làm việc với Trưởng đoàn chuyên gia Liên Xô đang công tác tại Liên đoàn Địa chất. Người chuyên gia này có công tìm ra mỏ khoáng sản Vonpram, nguyên liệu làm dây tóc bóng đèn. Lúc đó, tôi chưa biết tiếng Nga nên không biết viết tên của người chuyên gia. Làm việc xong, tôi nhờ phiên dịch viết tên tiếng Nga của chuyên gia vào sổ tay, anh bạn đồng nghiệp tỏ vẻ khó chịu nhưng sau này khi bài báo của anh bạn đồng nghiệp đăng lên lại không chính xác tên của chuyên gia, còn bài báo của tôi đăng trên Báo Nhân Dân rất chính xác, với tít bài “Ta-ka-chen-cô và những đồng nghiệp địa chất”. 

Từ kinh nghiệm đó tôi không bao  giờ cho phép mình giấu dốt. Năm 1990, sau khi tốt nghiệp Đại học Báo chí, tôi về Thái Bình công tác và được  phân công phụ trách hai huyện xa nhất của tỉnh là Thái Thụy và Hưng Hà. Thật tình, tôi sinh ra trong một gia đình làm nghề thủ công, không biết gì về nông nghiệp, giờ giao viết về nông nghiệp thì làm thế nào? Tôi dành thời gian tìm hiểu về thời vụ, về các loại giống lúa, kỹ thuật thâm canh... Quá trình lấy tài liệu điều gì chưa hiểu thì hỏi đến cùng, không sợ người cung cấp tài liệu đánh giá này, nọ. Trong suy nghĩ của tôi là không hiểu thì chưa viết, thà như vậy còn hơn viết ngô nghê để bạn đọc coi thường. 

Năm đầu tiên đặt chân về Thái Thụy, ông  trưởng ban kinh tế giao cho viết 3 bài điều tra về: hạt muối, cây vẹt và nghề thủ công. Sau tết trời mưa dầm dề, đường sá huyện Thái Thụy lúc đó đâu tốt như bây giờ, phương tiện không có. Duy nhất chỉ có xe đạp mà đường đất huyện biển có muốn đi xe đạp cũng không đi được. Một số người trong ban kinh tế nói với tôi: Trưởng ban muốn kiểm tra khả năng viết của cậu thế nào mà Ban Biên tập nhận cậu về. Biết vậy, tôi vẫn chọn cách họ ghét hơn là để bị coi thường. Tôi lên kế hoạch lấy tài liệu cho từng bài nhưng khó nhất là đi xuống cơ sở bằng cách nào để có được tài liệu mà viết? Từ Diêm Điền xuống xã Thụy Hải, nơi có đồng muối lớn của huyện tuy không xa nhưng thời điểm sau tết Nguyên đán, làm gì có nắng mà diêm dân ra làm muối? Tôi phải tự nảy ra hướng viết để vẫn có bài viết về hạt muối. Tôi đi bộ xuống xã Thụy Hải gặp lãnh đạo xã, các anh đưa xuống làm việc với một số diêm dân, đến đây tôi mới nhận ra một điều: nghề làm muối đang bị mai một vì giá muối quá thấp, không đủ sống. Nếu không có cơ chế thì đồng muối sẽ không tồn tại. Về nhà tôi viết bài: Long đong hạt muối Thái Thụy. Còn bài phản ánh cây vẹt chắn sóng, anh Điều khi đó làm Chủ tịch huyện bảo: Sáng mai tôi bố trí xe ô tô đưa chú đi làm việc, đúng là “chết đuối vớ được cọc”, tôi thầm cảm ơn vị Chủ tịch huyện tốt bụng. Bài viết ấy cũng hoàn thành, bài còn lại là điều tra làng nghề và nghề thủ công, ông Chủ tịch huyện giao cho phòng công nghiệp đưa tôi đến các xã lấy tài liệu. Sau một tuần tôi đặt ba bài điều tra lên bàn trưởng ban, đọc xong ông trưởng ban buông một câu không ra khen, chẳng ra chê là “thôi cứ  làm từ từ”. Sau này tôi biết nhiều người không nhìn tôi với ánh mắt thăm dò như ngày đầu tôi bước chân vào cơ quan nữa. 

Năm 1997, xảy ra mất ổn định nông thôn, tôi là người dấn thân nhiều nhất vào những điểm nóng, chính sự lăn lộn ấy đã cho tôi rất nhiều vốn sống, nhiều tư liệu quý. Đồng chí Tổng Biên tập gọi tôi lên phòng nói rõ yêu cầu của tỉnh và giao cho tôi đảm nhiệm một loạt bài. Ông bảo, cậu xuống Đồng Châu nằm nghỉ, viết trong một tuần có bài, chi phí ăn, nghỉ cơ quan lo. Tôi trả lời rằng tôi vừa làm, vừa viết, đúng một tuần sẽ có đủ ba kỳ báo, Tổng Biên tập mừng lắm. Đúng một tuần sau, tôi đặt trên bàn Tổng Biên tập loạt bài: “Mất ổn định trong nông thôn - nhìn từ góc độ báo chí”. Sau này, Tổng Biên tập nói với tôi: Bí thư Tỉnh ủy đánh giá cao loạt bài viết của cậu nhưng chưa đăng, có nhiều tư liệu quý lắm, sẽ được bổ sung vào phần đánh giá tình hình của nghị quyết cho phù hợp, cơ quan sẽ trả nhuận bút xứng đáng. Dù cho đăng hay không tôi vẫn rất vui, vì mình cũng đóng góp công sức qua nguồn tư liệu vào sự ổn định tình hình của tỉnh. Có được thành công ấy là nhờ tôi dám dấn thân vào những điểm nóng của sự kiện mất ổn định, để nắm tình hình, có thể thời điểm đó chưa được công bố nhưng có lúc cần đến nó. 

Năm ấy, có đồng chí lãnh đạo tỉnh thường giao cho tôi chắp bút, viết bài cho ông, có thể tôi hợp gu và cũng có thể tôi có năng lực thật sự. Chính thời gian này tôi học ở ông một nguyên tắc “Không được dùng nguyên văn các báo cáo của cơ sở, phải ngấm nội dung vào tư duy để trở thành đánh giá, chỉ đạo của lãnh đạo, ông không thích cách viết lặp lại báo cáo. “Nghề làm báo cũng vậy, không nên viết như báo cáo, vì bài báo là một tác phẩm phải biết sáng tạo, sự sáng tạo ở đây không đồng nghĩa với tô hồng thành tích, tác giả phải có nhận định, đánh giá, xem kết quả như vậy đã cao chưa? Có tương xứng với tiềm năng, khả năng và nhìn tổng thể thì đang đứng ở đâu? Chỉ có như vậy thì giá trị bài báo mới thật sự được cơ sở trân trọng. 

Tôi về nhiều nơi gặp các anh lãnh đạo huyện phàn nàn về một vài bài báo trích dẫn báo cáo còn sai, chỉ có tên huyện là chính xác. Làm báo theo kiểu “Cá kể đầu, rau kể bó” thì thật buồn, không cần biết ai đọc hay không, miễn sao cuối tháng mình có thu nhập cao và đủ định mức trên giao là được.Dấn thân với nghề luôn là trách nhiệm, lương tâm của người làm báo. Không dấn thân không thể có được tác phẩm báo chí hay để lại cho đời những bài báo mà bạn đọc không bao giờ quên. Thành công ấy là sự khẳng định thương hiệu của nhà báo. Tích lũy từ đó để trở thành phóng viên giỏi nghề.

PHẠM VIẾT THANH

(Thành phố Thái Bình)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày