Chủ nhật, 10/11/2024, 05:42[GMT+7]

Tiền Hải: Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp

Thứ 2, 24/06/2019 | 10:07:27
1,284 lượt xem
Những năm qua, huyện Tiền Hải đã đẩy mạnh cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, góp phần giải bài toán về thiếu lao động, giảm chi phí, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương trên địa bàn huyện.

Tiền Hải đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp.

Ông Trần Văn Huyền, Giám đốc HTX SXKD DVNN xã Nam Phú (Tiền Hải) cho biết: Trong sản xuất nông nghiệp, việc dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng lớn của xã Nam Phú là khâu đột phá tạo tiền đề cho nông dân địa phương đẩy mạnh việc cơ giới hóa vào sản xuất. Đồng thời tỉnh, huyện cũng có cơ chế thúc đẩy đưa cơ giới hóa vào sản xuất, từ đó, không còn cảnh nông dân mỗi khi đến mùa vụ phải huy động tất cả các thành viên trong gia đình tham gia, từ việc cày bừa, gieo cấy đến thu hoạch. Hiện nay, việc sản xuất nông nghiệp của nông dân đã đúng lịch thời vụ, đơn cử như thu hoạch lúa xuân năm nay của bà con nông dân đã hoàn thành theo lịch đề ra, đồng thời đang tập trung nhân lực, máy móc ra đồng cày lật đất sản xuất vụ mùa. Để bảo đảm tiến độ làm đất vụ mùa năm nay, HTX đã huy động 7 máy cày đa năng, 22 máy cày tay đẩy nhanh tiến độ trong khâu làm đất theo đúng công văn của UBND huyện đề ra. Không chỉ có Nam Phú mà các địa phương trong toàn huyện Tiền Hải cũng xác định khi xây dựng nông thôn mới một bộ phận lao động tại nông thôn được chuyển đổi nghề nghiệp vào các nhà máy, xí nghiệp làm việc, do đó sản xuất nông nghiệp bắt buộc phải cơ giới hóa để bảo đảm lịch thời vụ, giải phóng sức lao động cho nông dân, góp phần tăng hệ số sử dụng đất và nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác. Anh Hoàng Văn Tương, thôn Nghĩa, xã Tây Lương chia sẻ: Những năm trước đây cứ đến vụ sản xuất lại đi thuê máy móc nên không chủ động được thời gian, do đó tôi đã đầu tư 200 triệu đồng mua máy cày đa năng để phục vụ 1 mẫu ruộng của gia đình và cày bừa thuê cho các hộ trong xã nhằm bảo đảm khung thời vụ đề ra. Ngay từ đầu vụ tôi và các hộ có máy cày được HTX tổ chức họp để phân vùng cày bừa, thống nhất giá chung bảo đảm quyền lợi giữa chủ máy và nông dân.

Để đẩy mạnh cơ giới hóa, Tiền Hải cũng chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp như hệ thống kênh mương nội đồng, đường giao thông nội đồng, triển khai các chương trình khuyến nông nhằm tạo thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Việc dồn điền đổi thửa trong xây dựng NTM đã khắc phục tình trạng diện tích canh tác manh mún, tạo điều kiện cho việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung quy mô lớn tại các địa phương. Ngoài ra, việc sử dụng máy móc vào sản xuất nông nghiệp đã góp phần mở rộng diện tích cây trồng và nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích so với làm thủ công gấp nhiều lần, giảm được sức lao động từ sản xuất đến khâu thu hoạch cho bà con nông dân, góp phần quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo và xây dựng NTM ở các địa phương.

Khu công nghiệp Tiền Hải và các cụm công nghiệp phát triển đã tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Trước thực trạng thiếu lao động trong nông nghiệp, việc đưa cơ giới hoá vào sản xuất những năm qua không chỉ là lời giải của bài toán về thiếu nguồn lao động mà còn giảm chi phí trong sản xuất nông nghiệp. Cơ giới hóa nông nghiệp của huyện Tiền Hải phát triển nhanh về số lượng, chủng loại. Hiện nay, trên toàn huyện có 250 máy gặt đập liên hợp, 188 máy làm đất đa năng và 1.054 máy cày tay...

(Ông Phạm Văn Vang, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tiền Hải)


Mạnh Thắng