Thứ 3, 19/11/2024, 09:35[GMT+7]

Chuyện làm giàu từ ruộng bỏ hoang

Thứ 5, 10/04/2014 | 08:22:43
4,385 lượt xem
Trong khi ở một số địa phương vì nhiều lý do xuất hiện tình trạng nông dân bỏ ruộng thì tại thôn Phúc Tân (xã Thái Thành, Thái Thụy) có 16 hộ nhận khoán hàng chục héc ta đất của xã khác cấy lúa cho hiệu quả kinh tế cao. Câu chuyện “bám đồng” để “làm ăn lớn” của những nông dân này đã mở ra một hướng đi mới trong quá trình tích tụ ruộng đất chuyển từ làm ăn nhỏ, manh mún sang sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Từ ruộng bị bỏ hoang thành cánh đồng bội thu.

Quá nửa đời người lam lũ làm nông nghiệp, ông Trần Văn Mạnh luôn quý ruộng như vàng. Bao năm nay, lão nông này đã không quản ngại khó khăn, vất vả cần mẫn thu gom từng thửa ruộng, chắt chiu từng tấc đất người khác không cấy để canh tác tạo nên một “cánh đồng mẫu” của gia đình khiến nhiều người ngỡ ngàng, nể phục.

Nhớ lại  ngày đầu đổ mồ hôi khơi từng đoạn kênh, đắp từng bờ ruộng, ông chia sẻ: “Cánh đồng này của xã Thái Phúc nhưng gần Thái Thành, ruộng xa nên nhiều hộ không muốn canh tác. Mình là nông dân, cuộc sống còn khó khăn trong khi “bờ xôi ruộng mật” để hoang hóa thì phí quá nên tôi đã nhận khoán 12 mẫu thâm canh lúa. Kiên trì bám ruộng, bám đồng, có máy móc hỗ trợ trong quá trình sản xuất nên đất không phụ công người. Vụ nào lúa cũng tốt bời bời, năng suất đạt trên 13 tấn/ha/năm. Trung bình một năm, sản lượng thóc thu hoạch từ 50 đến 60 tấn, giá bán bình quân 6 triệu đồng/tấn, thu 360 triệu đồng, nếu trừ chi phí 70% còn lãi khoảng 110 triệu đồng. Trước đây, nằm mơ tôi cũng không dám nghĩ làm ruộng lại có nguồn thu nhập lớn như vậy”.

Cánh đồng lúa của ông Trần Văn Mạnh chuẩn bị cho thu hoạch.

Cạnh ruộng nhà ông Mạnh, 7 mẫu lúa của anh Bùi Ngọc Anh cũng tốt bời bời, sắp cho thu hoạch. Anh bảo: “Gia đình mấy đời làm nông, tôi luôn mơ ước có thể sống và làm giàu từ chính mảnh ruộng của mình. Vì vậy, mỗi vụ hai vợ chồng chi mấy chục triệu đồng để mua thóc giống, phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc diệt chuột phục vụ sản xuất. Cả gia tài đổ vào ruộng, cứ đưa hạt mộng ra đồng là thấp thỏm, lo âu. Hàng vụ, tôi thực hiện nghiêm lịch thời vụ, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh theo đúng quy trình hướng dẫn của HTX nên chưa bao giờ mất mùa. Vụ mùa này, năng suất trung bình đạt 2,5 tạ/sào, ước chừng sản lượng đạt khoảng 15 tấn thóc, trừ chi phí chắc cũng có thu nhập vài chục triệu đồng”.

Chung ý chí làm giàu như ông Mạnh, anh Anh, anh Trần Văn Danh cho biết: “Tôi thuê ruộng cấy đến nay đã được gần chục năm, mỗi vụ thuê một ít diện tích, dần dần dồn góp được 6 mẫu. Trước kia, canh tác vất vả, cực nhọc, tốn rất nhiều công: làm đất, gieo mạ cộng thời gian cấy mất 2 tháng trời. Thửa này cấy xong nhìn lại thửa trước có khi lúa đã đẻ nhánh lên xanh, kéo theo các khâu chăm sóc, thu hoạch, lúc nào cũng đầu tắt mặt tối ở trên đồng. Nhưng nay, từng ấy diện tích 2 vợ chồng chỉ gieo sạ trong 2 ngày. Sau nửa tháng, tập trung tỉa dặm, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, khi lúa chín thuê máy đến thu hoạch trong một ngày thóc đã đóng gọn vào bao, tiết kiệm rất nhiều công, chi phí sản xuất, nâng cao giá trị thu nhập”.

Về Phúc Tân, nghe bà con kể chuyện, tận mắt thấy “cánh đồng mẫu” của 16 hộ  dân “cấy nhờ” trên đất của người khác trải thảm một màu vàng óng, lúa trĩu bông nặng hạt, chúng tôi mới thực sự thấm thía giá trị làm giàu từ ruộng của những nông dân nơi đây.

Anh Phạm Hùng Khiên, Chủ nhiệm HTX Dịch vụ nông nghiệp Thái Thành cho biết: Là xã thuần nông, sống dựa vào sản xuất nông nghiệp nên người dân Thái Thành ai cũng quý đất, “thèm” ruộng. Mấy năm trước, có hộ đã thuê cả chục thửa của người dân xã Thái Phúc (Thái Thụy) về cấy nhưng ruộng nằm phân tán, xen kẹp với diện tích của nhiều hộ khác. Năm 2011, Thái Phúc dồn điền đổi thửa, dồn những diện tích dân không cấy thành 1 vùng ở cánh đồng ngoài cho 16 hộ của Phúc Tân thuê lại. Ngoài ra, các gia đình còn nhận thêm diện tích của một số hộ khác. Toàn thôn hiện có 100 ha đất canh tác thì 40 ha là ruộng do dân thuê khoán cấy lúa. Sau khi dồn đổi thành vùng tập trung, nhà ít thuê từ 6 - 7 mẫu, nhiều nhất khoảng 20 mẫu, chỉ canh tác trên 1 hoặc 2 thửa. Bà con góp tiền kéo đường điện ra tận cánh đồng, thuê máy xúc nạo vét kênh mương, đào đắp bờ vùng bờ thửa tạo thuận lợi cho việc tưới tiêu, vận chuyển nông sản, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Mỗi gia đình tự sắm máy làm đất, máy bơm nước và máy phun thuốc trừ sâu đặt ngay đầu bờ phục vụ sản xuất, xây từ 1 đến 2 kho để trữ thóc.

Ông Phạm Văn Năng, Trưởng thôn Phúc Tân cho biết: “Nhờ tích cực đưa những giống lúa năng suất, chất lượng cao vào gieo cấy, thực hiện đồng bộ các biện pháp thâm canh, đưa cơ giới hoá vào đồng ruộng nên năm nào lúa trên “cánh đồng mẫu” của 16 hộ này đều được mùa, năng suất đạt trên 13 tấn/ha. Tôi đứng ra làm dịch vụ cung ứng vật tư sản xuất, thu mua thóc cho bà con. Trung bình một vụ, một gia đình xuất bán từ 10 tấn thóc đến 30 tấn thóc, thu nhập trung bình từ 50 đến 100 triệu đồng/hộ/năm sau khi trừ chi phí. Tiền sinh hoạt, nuôi con cái ăn học, xây dựng nhà cửa, mua sắm tiện nghi đều nhờ hạt thóc, thậm chí giàu lên cũng nhờ cấy ruộng”.

Ông Trần Xuân Lưỡng, thôn Tây Nghĩa, xã Quang Hưng (Kiến Xương) từng là Trùm chánh giáo xứ Cao Mại được mọi người kính mến và biết đến là một người mẫu mực, nho nhã. Ông còn là một tấm gương sáng dám nghĩ, dám làm, một điển hình trong phát triển kinh tế ở địa phương. Năm 2012, ông mạnh dạn thuê 12 ha thuộc quỹ đất cơ bản của người dân 2 thôn Đông Nghĩa và Tây Nghĩa cấy lúa, phát triển kinh tế. Cánh đồng ông Lưỡng thuê nằm xa khu dân cư, trước kia, người dân trong xã dựng lò, đốt gạch. Được cải tạo cấy lúa nhưng chất đất chua phèn, sản xuất kém hiệu quả. Người dân 2 thôn thường cho một số gia đình thuê cấy, tuy nhiên, hiệu quả kinh tế không cao.

Ông Lưỡng nhớ lại: Những ngày đầu bắt tay vào cải tạo, nhìn cánh đồng cỏ mọc um tùm, mảnh sành, mảnh gạch vương vãi khắp nơi, chuột hoành hành khiến nhiều lúc tôi cũng thấy ngại. Người làm thuê nhìn thấy thế cũng chán nản, bàn tán xôn xao. Thêm vào đó, bạn bè, làng xóm, ai cũng e ngại vì quyết định của ông. Nhiều người cho rằng, ở tuổi ngũ tuần, con cái thành đạt, kinh tế gia đình ổn định, ông còn đầu tư tiền của, công sức vào cánh đồng chua phèn ấy làm gì, rồi họ cho là ông gàn dở, còn gọi ông là “Lưỡng khùng”. Nhưng càng khó, ông càng muốn vươn lên, quyết chí thực hiện. Ông dốc hết vốn liếng của gia đình cùng vốn vay ngân hàng tập trung đầu tư cải tạo. 

Ông xác định, làm nông nghiệp quan trọng nhất là điều tiết nước. Vì vậy, ông thuê người đào đắp gần 3.000m3 đất củng cố thủy lợi nội đồng; trang bị 3 máy bơm phục vụ tưới tiêu. Cùng với đó, ông thuê máy san lấp, làm phẳng mặt ruộng, mua máy cày, máy gặt đưa cơ giới vào sản xuất và đổ 600m2 đường bê tông để đi lại vận chuyển và làm sân phơi. Vụ xuân năm 2012, lúa gieo cấy muộn lại thiếu kinh nghiệm, nên năng suất và sản lượng chưa cao. Nhưng nhìn cánh đồng quy hoạch, ngăn ô vuông vắn, bờ thửa, đường giao thông, thủy lợi đầy đủ, ông Lưỡng lại càng quyết tâm và tin tưởng vào vụ sau. 

Đến vụ mùa, cùng với sự hỗ trợ về kỹ thuật của cán bộ HTX DVNN Quang Hưng, kinh nghiệm đúc rút từ vụ trước, ông tiến hành gieo sạ các giống lúa có năng suất và chất lượng cao như: BC 15, Bắc thơm, Hương thơm... Thời tiết thuận, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, khi thu hoạch, năng suất trung bình đạt 2,2 tạ/sào. Tổng sản lượng ông Lưỡng thu về hơn 70 tấn thóc, cho thu nhập trên 400 triệu đồng.

Nhận thấy giống lúa BC 15 cho năng suất cao, vụ mùa năm 2013, ông Lưỡng giành 85 - 90% diện tích gieo cấy. Năng suất ước đạt 2 tạ/sào, tổng sản lượng ước đạt 60 - 62 tấn, với giá lúa như hiện nay ước thu khoảng 400 triệu đồng. Ông Lưỡng cho biết thêm: Do thời gian gieo sạ chênh lệch so với lịch cấy nên tranh thủ thời gian chưa thu hoạch, ông còn giúp bà con nông dân gặt lúa, làm đất, trung bình mỗi vụ, trừ chi phí ông thu về 30 - 50 triệu đồng.

Chị Ðoàn Ngọc Mai, thôn Tam Ðồng, xã Vũ Lăng (Tiền Hải) phòng trừ sâu bệnh cho 1,4 mẫu lúa thuê ở xã Lê Lợi (Kiến Xương)

Giữa cái nắng rám trái bưởi, chị Đoàn Ngọc Mai, thôn Tam Đồng, xã Vũ Lăng (Tiền Hải) lụi cụi xách nước pha thuốc trừ sâu, phải cố hết sức chị mới tự mình nâng được bình thuốc trừ sâu lên được lưng để phun cho 1,4 mẫu lúa. Hỏi người dân ở xã Lê Lợi (Kiến Xương) nhiều người bảo cánh đồng thôn Đông Thổ cao, chua khó cấy lắm, nhưng nhìn những thửa ruộng ở đây đang tốt bời bời, chuẩn bị trỗ bông thì không hẳn như vậy.

Chị Đoàn Ngọc Mai cho biết: Tôi ở xã Vũ Lăng sang thôn Đông Thổ, xã Lê Lợi thuê 1,4 mẫu để cấy, năng suất ở vụ xuân bình quân đạt 2,5 tạ/sào, vụ mùa thấp hơn một chút; ở xã Vũ Lăng gia đình tôi chỉ có 7 sào ruộng, do đó tôi phải sang đây để thuê ruộng cấy, với giá 30 kg thóc/sào/năm. Hiện nay, gia đình chị Mai không có nghề phụ, do đó hai vợ chồng chỉ biết bám ruộng để mưu sinh, nuôi các con ăn học.

Chị Mai cho biết thêm, nhờ có những mảnh ruộng đi thuê để cấy này mà gia đình chị đã bớt khó khăn, hiện hai vợ chồng phải nuôi hai con ăn học đại học và một con học lớp 3. Mỗi tháng tằn tiện lắm cũng phải gửi cho hai con học đại học là 3 triệu đồng, nếu không bám ruộng thì lấy đâu ra tiền mà nuôi các con khôn lớn, trưởng thành.

Khác với gia đình chị Mai, gia đình anh Vũ Hữu Hỷ, xã Hồng Minh (Hưng Hà), hiện anh đang làm Chủ nhiệm HTX DVNN, vợ giáo viên, gia đình chỉ có 2 sào để gieo cấy, nhưng anh đã thuê 12 mẫu ở thôn Minh Xuyên để cấy thêm. Anh Hỷ cho biết: Mặc dù 2 vợ chồng bận việc ở xã, trường, không có lao động, nhưng anh vẫn thuê ruộng để sản xuất, bởi hiện nay các khâu dịch vụ đã cơ bản đồng bộ nên thuê khoán hết, trừ mọi chi phí lãi khoảng 200.000 đồng/sào/năm.

Đối với xã Thăng Long (Đông Hưng), nơi đây đã biến đất hoang hóa thành vùng sản xuất hiệu quả. Ông Nguyễn Mạnh Thư, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Mấy năm trước đây xã có 16 mẫu giáp với 2 xã khác là Minh Tân và Hồng Lĩnh (Hưng Hà) thuộc diện tích đất nông nghiệp của khoảng 40 hộ thôn Cộng Hòa và Thần Khê. Trước năm 2000, nơi đây vẫn được sản xuất luân canh thường xuyên, tuy nhiên do là vùng cao không thuận lợi về tưới tiêu, nhân lực làm ruộng ngày một ít, các loại sâu bệnh hại lúa ngày càng nhiều nên các hộ không còn mặn mà gieo cấy. Hơn nữa lại là vùng nằm giáp ranh với khu vực trồng đào của xã Minh Tân nên các hộ đã cho thuê ruộng để trồng đào. Sau vài năm cho thuê, các hộ trồng đào làm ăn không hiệu quả, vì vậy phía thuê thì trả lại ruộng còn phía cho thuê thì ngán ngẩm bởi các mảnh ruộng đều là những luống đất khô cằn để gieo cấy lại được phải cải tạo rất nhiều. Từ đó những mảnh ruộng nơi đây không ai sử dụng, cỏ mọc như rừng.

Từ thực trạng trên, Đảng ủy, chính quyền xã Thăng Long đã họp bàn và đưa ra chủ trương, giải pháp để khôi phục lại sản xuất. Xã giao cụ thể cho Đoàn Thanh niên đảm nhận mô hình cải tạo vùng đất hoang hóa để cấy lúa. Bí thư Đoàn xã Nguyễn Xuân Trường tâm sự: Từ khi đảm nhận mô hình, dẫu biết khó khăn chồng chất nhưng với tinh thần “đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên”, những người sức dài vai rộng như chúng tôi đã không ngần ngại bắt tay vào làm. Trước hết, các thành viên trong Ban Chấp hành Đoàn đã vận động thuyết phục mọi người trong gia đình cùng chung sức gánh vác công việc, đặc biệt là huy động mỗi gia đình góp 10 triệu đồng để có kinh phí cải tạo đất. Kết quả đã thu được 70 triệu đồng từ 5 gia đình thành viên trong Ban Chấp hành Đoàn.

Mô hình bắt đầu làm từ tháng 10/2011 với công việc đầu tiên là thu dọn cỏ dại. Ban Chấp hành đã tập hợp trên 10 thành viên đi phát quang, tổ chức phun thuốc trừ cỏ toàn bộ diện tích đất hoang hóa. Tiến hành đào đắp đường bờ vùng rộng thêm 1m chạy dài gần 1km để thuận tiện cho việc đi lại, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Ngay sau đó, Đoàn đã thuê máy cày đa năng để san mặt ruộng, huy động thêm nhân lực và mua máy cày tay dồn sức vào làm cho kịp thời vụ. Nhờ có sự hăng say quyết tâm lao động của các thành viên trong Ban Chấp hành Đoàn và những người thân trong gia đình nên chỉ sau hơn 1 tháng, vùng đất bỏ hoang đã có sức sống trở lại.

Vụ xuân năm 2012, mô hình bắt đầu thực hiện cấy lúa theo hình thức gieo sạ hàng, chủ lực là các giống lúa BC15, T10. Kết quả cho năng suất bình quân 2 tạ/sào. Để đạt được kết quả đó, các thành viên Ban Chấp hành Đoàn đã vượt qua mọi khó khăn, ngày đêm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời".

Anh Trường cho biết thêm: “Có những thời điểm mấy anh em chúng tôi phải ngày đêm ăn ngủ ngoài đồng để bơm nước phục vụ cho công tác gieo cấy, nhiều diện tích xa nguồn nước không đưa máy vào được đã phải thuê HTX DVNN xã Minh Tân đưa nước vào ruộng. Rất may cho Đoàn là những người thân trong gia đình đều là chỗ dựa và là những người đồng hành chung tay tham gia mô hình. Đảng ủy, chính quyền xã đã động viên anh em, HTX DVNN đã hỗ trợ công cụ gieo sạ trong vụ xuân và thuốc diệt cỏ cho toàn bộ diện tích gieo cấy”.

Theo anh Trường, mặc dù mô hình chưa đem lại hiệu quả kinh tế cao, chỉ lấy công làm lãi nhưng đó là thành công bước đầu từ sự nỗ lực của các anh em trong Ban Chấp hành Đoàn trong việc cải tạo đất hoang hóa để sản xuất. Trong thời gian tới, Đoàn sẽ tiếp tục cải tạo những diện tích hoang hóa còn lại để trồng màu với các loại cây như lạc, khoai lang, sắn để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, đem lại thu nhập cao hơn.

Nhóm phóng viên

 

  • Từ khóa