Thứ 3, 19/11/2024, 03:20[GMT+7]

Bài toán trách nhiệm và giải pháp khắc phục

Thứ 5, 10/04/2014 | 08:56:46
4,837 lượt xem
Dẫu biết rằng còn rất nhiều hộ đang phải đi thuê, mượn ruộng để sản xuất, song  ở một số địa phương lại đang để phí “tấc vàng”. Phải chăng, ở những nơi đó các hộ nông dân đã chán ruộng? Thực tế không phải vậy, cái chính vẫn là chính quyền cơ sở chưa quan tâm đúng mức và chưa sát sao để chỉ đạo, lãnh đạo, tổ chức sản xuất cho phù hợp với điều kiện cơ cấu lao động, phát triển kinh tế của địa phương.

Hệ thống kênh mương ở xã Phú Xuân (Thành phố Thái Bình) bị sạt lở khá nhiều, nhưng nhiều năm qua không được đầu tư nâng cấp.

Theo số liệu sơ bộ ban đầu của Sở Nông nghiệp và PTNT, trong 57 xã có diện tích ruộng bỏ hoang thì Lê Lợi (Kiến Xương) và Phú Xuân (Thành phố Thái Bình) chiếm diện tích khá lớn. Đối với xã Lê Lợi, diện tích ruộng bỏ hoang gần 15 ha, trong đó 13 ha nằm trong dự án của Công ty cổ phần giống chăn nuôi Thái Bình.

Ông Nguyễn Văn Ca, Chủ nhiệm HTX DVNN xã Lê Lợi cho biết: Lê Lợi có diện tích đất lúa bỏ hoang do trước đây Công ty cổ phần giống chăn nuôi Thái Bình có dự án di dời Trung tâm giống lợn Đông Mỹ về đây, nên các hộ dân có ruộng nằm trong diện tích đã quy hoạch này không cấy nữa; ngoài ra một số diện tích bỏ hoang do cánh đồng thôn Đông Thổ giáp với các trang trại ở xã Vũ Lăng (Tiền Hải) nên chuột phá hoại nhiều, do đó người dân cũng không cấy.

Ông Trần Ngọc Miên, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần giống chăn nuôi Thái Bình cho biết: Dự án di dời Trại giống của Công ty rất khó thực hiện được, do nguồn vốn đầu tư quá lớn khoảng trên 35 tỷ đồng, trong khi đó vốn điều lệ của Công ty mới có 5 tỷ đồng; đồng thời diện tích ruộng của Lê Lợi cũng chưa bàn giao cho Công ty. Như vậy, diện tích 13 ha ở Lê Lợi vẫn có thể tổ chức cho nông dân gieo cấy bình thường, bởi vậy lý do mà Chủ nhiệm HTX DVNN xã Lê Lợi đưa ra là không thuyết phục.

Theo quan sát của chúng tôi cho thấy, hệ thống giao thông nội đồng ở thôn Đông Thổ được đào đắp khá rộng, đáp ứng được việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Tuy nhiên, hệ thống mương máng ở đây chưa được cứng hóa, đồng thời bèo bồng và cỏ dại dày đặc lòng mương, đây là một trong những nguyên nhân khiến đồng ruộng không được thau chua, làm giảm độ phì nhiêu của đất. Đặc biệt, các thửa ruộng hiện đang bỏ hoang nằm xen kẽ với những diện tích đang cấy, tạo điều kiện khá thuận lợi cho chuột và sâu bệnh trú ẩn, sinh sản để gây hại cho những diện tích đang cấy. Điều này sẽ ảnh hưởng đến tư tưởng của các hộ đang gieo cấy bên cạnh, do chuột, sâu bệnh, tưới tiêu kém làm giảm năng suất lúa, dẫn đến bỏ ruộng theo dây chuyền.

Nếu như trước vấn đề nông dân bỏ ruộng và diện tích lúa nằm trong dự án của Công ty giống chăn nuôi Thái Bình, Lê Lợi có biện pháp xử lý tốt và tổ chức cho nông dân gieo cấy đến khi bàn giao đất thì chắc sẽ không có diện tích lúa bị bỏ hoang như hiện nay. Hay đối với xã Phú Xuân, những diện tích lúa bị bỏ hoang có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính vẫn là thiếu sự quan tâm đầu tư về giao thông, thủy lợi nội đồng.

Ông Nguyễn Quốc Trị, Chủ nhiệm HTX DVNN Vĩnh Thắng, xã Phú Xuân cho biết: Từ khi quốc lộ 10 đi qua cánh đồng của xã đã chia cắt hệ thống thủy lợi, đồng thời do có chủ trương nâng cấp lên thành phường nên vấn đề sản xuất nông nghiệp gần như bị bỏ ngỏ.

Theo quan sát của chúng tôi, hệ thống mương máng ở đây bị sạt lở khá nhiều, cỏ dại và bèo bồng phủ dày đặc mặt sông, do đó việc tưới, tiêu rất hạn chế, không đáp ứng được yêu cầu sản xuất, dẫn đến nông dân bỏ ruộng. Mặt khác, ruộng tại hai ven đường quốc lộ 10 đi qua, các cành cây xanh được cắt từ hàng cây trồng trên giải phân cách của đường vứt ngổn ngang ngay cạnh ruộng, lâu ngày đã rơi, đè lên lúa khá nhiều.

Ông Trị cho biết thêm, mặc dù lao động ở đây đi làm tại các khu công nghiệp rất nhiều, nhưng các hộ dân ở đây chưa bao giờ chán ruộng, rất nhiều hộ dân vẫn bám ruộng để bảo đảm lương thực, hoặc đề phòng khi không có việc làm; ngoài ra còn có một số hộ đã đứng ra để thuê, mượn ruộng lại gieo cấy.

Chị Phùng Thị Bé, thôn Thắng Cựu cho biết: Gia đình tôi có 6 sào ruộng, nhưng hiện tại chỉ cấy 4 sào, còn lại bỏ  hoang 2 sào không cấy; do chuột ở đây rất nhiều, đồng thời nguồn nước bị ô nhiễm nghiêm trọng nên một số hộ dân bỏ ruộng đã tạo môi trường sống cho chuột và sâu bệnh ngày một nhiều hơn, nên các hộ khác cũng đành phải bỏ ruộng không cấy nữa… Với thực trạng bỏ ruộng ở hai xã có diện tích lớn nhất tỉnh đã phần nào hiểu rõ nguyên nhân ruộng để hoang hóa không cấy.

Với thực trạng trên, khách quan nhìn nhận lại thì việc bỏ ruộng có phần thiếu trách nhiệm của chính quyền cơ sở, bởi những diện tích này đã bỏ hoang nhiều năm nhưng vẫn phó mặc cho nông dân, không sắp xếp, tổ chức lại sản xuất một cách có hiệu quả. Ngay cả kiến nghị của xã Thống Nhất (Hưng Hà): “Nhà nước cần có chính sách ưu tiên đầu tư cho sản xuất nông nghiệp, nông thôn, như hỗ trợ kiên cố hóa kênh mương và giao thông thủy lợi nội đồng phục vụ tưới, tiêu vận chuyển nông sản được thuận tiện” cũng mang tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào cấp trên.

Phải khẳng định, chưa có thời kỳ nào tỉnh quan tâm đầu tư, hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp như những năm gần đây, như hỗ trợ các loại máy phục vụ sản xuất, giống cây trồng, thuốc trừ cỏ, diệt chuột… Đặc biệt là Quyết định số 02/2013/QĐ-UBND của UBND tỉnh ngày 7/2/2013 đã quy định rất rõ việc hỗ trợ chỉnh trang đồng ruộng, đường giao thông nội đồng, kênh cấp 1 loại III…

Thiết nghĩ, việc nông dân bỏ ruộng, trả ruộng, trách nhiệm một phần thuộc về chính quyền sở tại, nếu quan tâm đến sản xuất nông nghiệp hơn nữa, động viên các hộ nông dân khắc phục khó khăn, tổ chức tốt khâu sản xuất… chắc chắn nông dân sẽ không bỏ ruộng như hiện nay.

Bà Nguyễn Như Tích, xã Vũ Lễ mót lúa trên diện tích đất 5% công ích của xã do gia đình bà gieo cấy khi thấy đất bỏ hoang.

Trước thực trạng một số nông dân bỏ và trả ruộng, thời gian qua huyện Thái Thụy đã chỉ đạo UBND các xã, các HTX dịch vụ nông nghiệp thực hiện tốt Nghị định 42/NĐ-CP hỗ trợ bảo vệ đất lúa. Đầu tư hạ tầng thủy lợi, giao thông nội đồng, hỗ trợ giống, vật tư kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích. Vận động những tổ chức, cá nhân có nhu cầu nhận thầu khoán để quy vùng cấy lúa, trồng màu trên quy mô diện tích lớn. Tổ chức khảo sát đánh giá cụ thể thực trạng tình hình, lập phương án chuyển đổi hình thức sản xuất cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương. Tổ chức nhiều lớp dạy nghề, giới thiệu việc làm tại các cơ sở sản xuất, làng nghề cho nông dân để bà con vừa kết hợp làm nghề nhưng vẫn gắn bó với ruộng đồng để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.

Ông Phạm Văn Sứng, Chủ nhiệm HTX dịch vụ nông nghiệp xã Thái Phúc cho biết: “Khi một số hộ dân Phúc Tân thuê ruộng của Thái Phúc, HTX tích cực phối hợp tổ chức điều hành nước, thực hiện các cơ chế hỗ trợ phục vụ sản xuất. Dù đất của xã mình nhưng thấy họ canh tác đạt hiệu quả kinh tế cao chúng tôi rất mừng. Nếu bà con ở Phúc Tân không thuê ruộng mà bỏ hoang từng đấy diện tích sẽ rất lãng phí”.

Được biết, để nâng cao thu nhập cho nông dân, vừa qua HTX Dịch vụ nông nghiệp Thái Thành đã họp tuyên truyền, vận động 16 hộ dân ký hợp đồng liên kết với Công ty Lương thực Thái Đan cấy toàn bộ giống lúa ĐS1, bao tiêu sản phẩm, nếu mô hình này thành công chắc chắn sẽ tạo bước tiến mới trong sản xuất.

Theo lời ông Đào Đức Viện, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Thái Thụy: Trong điều kiện người nông dân cấy lúa manh mún thu nhập không cao, diện tích đất bỏ hoang có xu hướng tăng, một số nông dân ở Phúc Tân mạnh dạn thuê đất, tích tụ thành những thửa ruộng lớn canh tác khiến nhiều nông dân  suy nghĩ, muốn làm giàu từ cây lúa phải thay đổi phương thức canh tác nhỏ lẻ như hiện nay.

Còn với Thống Nhất (Hưng Hà) đã đầu tư làm đường nội đồng rộng 5m ra khu cánh đồng chua trũng để thuận tiện cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, đồng thời giảm giá giao khoán, có một số diện tích không thu sản khoán nhưng nông dân cũng không cấy. Mặt khác, xã đã vận động cán bộ, hội viên ở các đoàn thể để tạo quỹ những không có đơn vị nào đứng ra để sản xuất.

Để khắc phục tình trạng nông dân bỏ ruộng, theo kiến nghị của HTX DVNN Vĩnh Thắng xã Phú Xuân (Thành phố Thái Bình), trước hết phải đầu tư lại hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng; việc giải ngân hỗ trợ nông dân theo Nghị định 42/2012/NĐ-CP của Chính phủ ở cấp cơ sở còn chậm và quá nhiều thủ tục, do đó cần đơn giản hóa các thủ tục hành chính và hỗ trợ nhanh đến người nông dân; cần cấp bù tiền thủy lợi phí về trực tiếp cho HTX DVNN để HTX thuận tiện trong việc chỉ đạo, tổ chức sản xuất.

Đối với đề xuất, kiến nghị chung của ngành Nông nghiệp là chính sách đất đai; chính sách tái cơ cấu, chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp; chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; chính sách đào tạo nghề, chuyển đổi nghề cho nông dân. Cụ thể, Nhà nước cần có chính sách đất đai phù hợp để những người dân không có nhu cầu sử dụng đất nông nghiệp được tự nguyện trả ruộng ra, đồng thời khuyến khích hộ nông dân có nhu cầu canh tác được tích tụ ruộng đất để sản xuất tạo ra vùng hàng hóa tập trung, quy mô lớn. Diện tích trồng lúa kém hiệu quả được phép chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, trồng cây phù hợp cho hiệu quả kinh tế cao hơn cấy lúa. Đầu tư về cơ sở hạ tầng, cứng hóa kênh mương, cứng hóa giao thông đồng ruộng và đầu tư về khoa học kỹ thuật…

Trước mắt, diện tích đất cơ bản được Nhà nước giao mà các hộ nông dân đã bỏ hoang từ 2 vụ trở lên, các xã, thị trấn xem xét nguyên nhân, nếu hộ gia đình, cá nhân không có nhu cầu sản xuất trên diện tích được giao thì yêu cầu chủ hộ viết đơn xin trả lại ruộng. Đối với diện tích đất 5% công ích, nơi nào gieo cấy kém hiệu quả do chua trũng, gò cao khó điều tiết nước, chuột phá hoại thì các xã, thị trấn đề xuất giải pháp việc khắc phục, cải tạo lại đất. Sau khi đã cải tạo lại đất, tiến hành giao ruộng cho các cá nhân, hộ gia đình thực hiện gieo cấy, nếu hết thời hạn hợp đồng thì UBND xã, thị trấn có thể gia hạn nếu chủ hộ có nhu cầu sản xuất tiếp. Ngoài ra, những diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả bỏ hoang tập trung thành vùng lớn, xã, thị trấn cần tổng hợp lại để đề nghị cấp trên cho phép chuyển đổi làm trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và trồng cây khác…

Nhóm phóng viên

  • Từ khóa