Thứ 2, 18/11/2024, 11:25[GMT+7]

Điện và nỗi lo từ diều

Thứ 3, 30/08/2016 | 09:22:31
3,427 lượt xem
Hiện nay, một số người dân vì ưa thích thả diều mà cố tình quên đi chuyện thả diều đã gây sự cố cho hệ thống lưới điện, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc vận hành lưới điện và thiệt hại về tài sản cho ngành điện cũng như nhiều gia đình, cơ quan, đơn vị.

Chiếc diều gây sự cố lưới điện Điện lực Thái Thụy thu được.

Thái Hưng là một trong những xã hiện có nhiều người dân thích chơi thả diều. Ngược lại với niềm vui của người thả diều là nỗi lo thường trực của chính quyền địa phương bởi diều đang là thủ phạm chính gây ra nhiều sự cố lưới điện trên địa bàn xã. Theo thống kê của Điện lực Thái Thụy, chỉ tính riêng trong tháng 7/2016, trên địa bàn xã Thái Hưng đã xảy ra hai sự cố đối với hệ thống lưới điện do diều gây ra. Trong đó, ngày 19/7, tại cột điện 12/13 khu vực thôn Bao Hàm xảy ra sự cố chập dây điện do một chiếc diều của người dân quấn vào dây điện. Sự cố trên đã gây mất điện nhiều giờ tại các xã Thái Hưng, Thái Tân, Thái Xuyên, Mỹ Lộc. Theo ông Giang Văn Tiu, Chủ tịch UBND xã Thái Hưng: Trên địa bàn xã có hàng chục chiếc diều sáo lớn, chiều dài từ 2 - 4m, chiều rộng từ 50cm - 1m cùng với vài chục chiếc diều nhỏ khác. Những năm gần đây, thú chơi diều của người dân trong xã tăng lên, nhiều người còn đầu tư tiền bạc làm những chiếc diều sáo với kích thước lớn. Để hạn chế sự cố lưới điện do diều gây ra, UBND xã đã tuyên truyền, vận động người dân không được thả diều gần khu dân cư và hành lang an toàn lưới điện, đồng thời xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, việc xử phạt hành chính đối với người thả diều gây sự cố lưới điện gặp nhiều khó khăn, người dân thường trốn tránh trách nhiệm khi xảy ra sự cố, nhiều người còn thả diều vào ban đêm nên rất khó phát hiện.

Người dân Thái Thụy vô tư thả diều sát đường dây điện.

Theo ông Bùi Xuân Tuấn, Giám đốc Điện lực Thái Thụy, sự cố về điện do diều gây ra thường rất đa dạng như diều mắc vào dây dẫn điện; dây diều kéo các dây điện chập vào nhau; dây diều cuốn vào các thanh cái, các cầu dao của trạm biến áp làm ngắt mạch, đứt dây điện, nổ thiết bị bảo vệ, cháy biến áp dẫn đến mất điện trên diện rộng... Từ đầu năm 2015 đến nay, chỉ tính trên địa bàn huyện Thái Thụy đã xảy ra 23 vụ việc gây sự cố cho hệ thống lưới điện, nguyên nhân xuất phát từ diều. Trong đó, các sự cố lưới điện thường xảy ra ở các xã khu Nam của huyện (Thái Hưng, Thái An, Thái Thọ, Mỹ Lộc, Thái Thịnh, Thái Tân...) do có nhiều người dân thích thả diều. Đặc biệt, ở địa bàn các xã trên có hệ thống đường điện 35kV và 10kV cung cấp điện dân sinh và cho các dự án công nghiệp trọng điểm của tỉnh đóng trên địa bàn huyện như: Nhà máy sản xuất Amon Nitrat (Thái Thọ), Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, 2 (Mỹ Lộc). Từ đầu năm 2015 tới nay đã có 3 sự cố lưới điện do diều gây ra làm mất điện tại Nhà máy sản xuất Amon Nitrat, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, 2, gây thiệt hại lớn về kinh tế cũng như ảnh hưởng tới tiến độ xây dựng các dự án.

Cũng theo ông Tuấn, thời gian qua, Điện lực Thái Thụy đã tham mưu cho UBND huyện tăng cường chỉ đạo các xã, thị trấn tuyên truyền, kiểm tra, nhắc nhở, nghiêm cấm người dân thả diều, vật bay gần công trình lưới điện; phối hợp với các xã, thị trấn tuyên truyền tới nhân dân các biện pháp bảo đảm an toàn cho lưới điện cao áp, hạ áp và trong mùa mưa bão… Tuy nhiên, để hạn chế sự cố lưới điện do diều gây ra, người chơi diều cần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc bảo vệ các công trình lưới điện; chính quyền cấp xã cần vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa trong việc tuyên truyền, vận động người dân, đặc biệt tăng cường tuyên truyền, nhắc nhở tại các điểm có nhiều người thả diều, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm các quy định về bảo đảm an toàn hệ thống điện…

- Khoản 4, Điều 11, Nghị định số 106/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 của Chính phủ quy định: Nghiêm cấm thả diều, vật bay gần công trình lưới điện cao áp; thả bất kỳ vật gì có khả năng hư hại đến công trình lưới điện cao áp.

- Điều 15, Nghị định số 68/2010/NĐ-CP ngày 15/6/2010 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm pháp luật trong lĩnh vực điện lực: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây: thả diều, bóng bay, các vật bay khác, các loại pháo khi bắn ra có dây kim tuyến hoặc thả bất kỳ vật gì từ trên cao trong phạm vi bảo vệ công trình điện hoặc trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện…

Ông Nguyễn Tiến Quyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Thái Thụy

Trước tình trạng sự cố lưới điện do diều gây ra, UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn nghiêm cấm người dân thả diều, vật bay gần công trình lưới điện; đẩy mạnh tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh các quy định của Chính phủ trong lĩnh vực điện lực, quy định các hành vi nghiêm cấm gây ảnh hưởng đến công trình lưới điện. Huyện cũng chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan, đơn vị liên quan tăng cường phối hợp với chính quyền các địa phương để tuyên truyền, kiểm tra, phát hiện và xử lý các trường hợp vi phạm an toàn hệ thống điện. UBND các xã, thị trấn tích cực chỉ đạo các lực lượng an ninh, các ban, ngành, đoàn thể thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở người thả diều tự giác chấp hành các quy định của pháp luật, không thả diều, vật bay gần công trình lưới điện.

Ông Vũ Việt Hùng, Phó Giám đốc Nhà máy sản xuất Amon Nitrat

Thời gian qua, nhiều lần Nhà máy đã gặp sự cố mất điện đột ngột, nguyên nhân chủ yếu do nguồn điện bị chạm chập và sụt áp. Trong trường hợp Nhà máy đang vận hành sản xuất, nếu gặp sự cố mất điện trong thời gian từ 5 giây trở đi thì việc vận hành sản xuất trở lại sẽ mất chi phí từ 400 - 500 triệu đồng/lần mất điện; trường hợp mất điện trong 1 ngày trở lên thì thiệt hại sẽ lên đến 1,2 tỷ đồng. Để bảo đảm nguồn điện phục vụ hoạt động sản xuất, Nhà máy đã kiến nghị với Công ty Điện lực Thái Bình điều chỉnh mạng lưới điện để cung cấp điện độc lập cho Nhà máy.

Ông Bùi Xuân Tuấn, Giám đốc Ðiện lực Thái Thụy

Để thả diều an toàn, người dân cần chú ý: Nên tìm bãi đất rộng, an toàn ở không trung và mặt đất, để tránh vướng vào đường dây điện; cách xa đường giao thông vì dây diều có thể vướng vào người chạy xe máy, dẫn đến tai nạn; không thả diều gần dây điện, nếu diều hoặc dây diều bị ướt, khả năng truyền dẫn làm phóng điện có thể gây tai nạn cho người thả diều và những người xung quanh; tránh xa kênh rạch vì khi diều bay lên cao, mải đuổi theo, nhiều em nhỏ ngã xuống nước rất nguy hiểm... Chính quyền các địa phương nên tổ chức thả diều vào một thời gian, địa điểm cụ thể, cách xa khu vực hành lang lưới điện. Nếu làm được như vậy, truyền thống thả diều không mất đi mà hạn chế được sự cố lưới điện do diều gây ra.

Trần Tuấn

  • Từ khóa