Thứ 6, 15/11/2024, 17:54[GMT+7]

Song An: “Bó tay” với nạn chuột?

Thứ 5, 06/10/2016 | 08:58:11
1,753 lượt xem
Thời điểm này, lúa mùa của nông dân Song An (Vũ Thư) chuẩn bị cho thu hoạch. Sau mấy tháng vất vả gieo cấy, chăm sóc, lẽ ra bà con phấn khởi, hào hứng thì ngược lại, nhiều hộ nông dân địa phương lại buồn bã, thất vọng. Nguyên nhân vì vụ mùa này nạn chuột hoành hành gây hại lớn, khiến không ít hộ dân mất mùa.

Nông dân đặt và kiểm tra cạm đánh bắt chuột thủ công ở ruộng lúa.

 

Chuột gây thiệt hại lớn cho lúa và hoa màu

 

Chúng tôi đi khảo sát một vòng các xứ đồng của xã Song An. Đứng trên bờ nhìn xa thì thấy thửa ruộng nào cũng trải màu ngả vàng của lúa sắp chín, thế nhưng, lội xuống ruộng mới thấy có thửa, có khoảnh chỉ toàn màu vàng xanh của lá lúa, gốc rạ mà không có bông lúa. Bà Phạm Thị Thực ở thôn Tân Minh giải thích: Đó là hậu quả của nạn chuột hoành hành gây hại. Vụ mùa này, gia đình tôi cấy 6 sào, thửa ruộng 3,5 sào ở cánh đồng Gồ Chùa (Tân Minh) bị chuột cắn phá ác nhiều. Mặc dù gia đình đã dùng nhiều biện pháp đánh bắt nhưng chuột vẫn gây hại nặng nề. Nhìn thửa ruộng bị chuột cắn phá gần như toàn bộ mà xót xa, nản lòng.

 

Ông Nguyễn Văn Kiểm, Giám đốc HTXNN xã cho biết: Song An hiện có 284ha lúa và 20ha cây màu. Do đặc thù xã có diện tích cây màu luân canh ở nhiều xứ đồng, quanh năm có nguồn thức ăn dồi dào cho chuột như dưa lê, dưa chuột, ngô, bí, rau màu… nên chuột tập trung ở đồng ruộng địa phương với mật độ cao. Hầu như năm nào chuột cũng gây thiệt hại khá lớn cho sản xuất nông nghiệp của xã nhưng năm nay thiệt hại nặng nề hơn. Chưa có thống kê cụ thể nhưng qua khảo sát, 8/8 thôn đều có diện tích lúa bị chuột phá hoại với tổng diện tích hàng chục héc-ta, tập trung nhiều ở cánh đồng thôn An Phúc, Kiều Thần, cánh đồng Đọ Ngoài, Mẫu Chéo (thôn Lam Sơn), Gồ Chùa, Đít Vịt (thôn Tân Minh)…  Nhiều hộ như gia đình ông Sơ (thôn An Phúc), bà Quy, ông Kha, ông Thỏa (thôn Lam Sơn), ông Duynh, ông Khanh (thôn Tân Minh) chuột cắn phá toàn bộ hoặc gần hết cả thửa ruộng 3 - 5 sào. Vụ mùa năm nay, với các diện tích lúa không bị chuột phá hại, ước tính năng suất lúa của nông dân địa phương đạt khoảng 2 - 2,2 tạ/sào nhưng với những diện tích lúa bị chuột gây hại chỉ đạt khoảng vài chục kg/sào hoặc thất thu.

 

Ngoài lúa, chuột còn cắn phá, gây hại nhiều diện tích cây màu của địa phương, trong đó hầu hết là cây màu có giá trị kinh tế cao như dưa chuột, mướp đắng, cà chua… Ông Phạm Đắc Công, Bí thư Đảng ủy xã Song An chia sẻ: Chính gia đình tôi cũng chịu thiệt hại nặng bởi nạn chuột. Vừa qua, gia đình tôi đầu tư hơn 5 triệu đồng mua giống, phân bón, nilon, cọc để trồng hơn 2 sào cà chua ghép. Thế nhưng khi cây lên đều đẹp thì chuột cứ rả rích “đánh tỉa” cắn ngang thân cây cà chua, mà mỗi cây cà chua bị cắn là thiệt hại cả trăm nghìn đồng. 

 

Chuột gây hại lớn khiến nông dân không yên tâm đầu tư sản xuất. Giá trị kinh tế của cây lúa vốn đã ít ỏi, nay chịu tác động của nạn chuột khiến nông dân lỗ vốn đầu tư, vì vậy nảy sinh tâm lý bỏ ruộng ở một số hộ.

 

Bế tắc trong diệt chuột

 

Ông Phạm Đắc Công, Bí thư Đảng ủy xã và ông Lương Xuân Đình, Chủ tịch UBND xã Song An cùng cho biết: Nếu các vụ trước HTXNN chỉ đặt thuốc diệt chuột bằng bả sinh học đồng loạt trên đồng ruộng 2 - 3 lượt/vụ thì vụ mùa này, HTXNN xã đầu tư kinh phí khoảng 60 triệu đồng, 5 lần rải bả sinh học với khoảng 2 tấn thóc để ngâm ủ thuốc đánh chuột. Xã tuyên truyền, phát động nông dân tích cực đặt bả, dùng cạm, bẫy, đào bắt thủ công để giảm lượng chuột trên đồng ruộng. Nhằm khuyến khích nông dân diệt chuột, suốt vụ mùa, từ ngày 22/7 - 25/9, HTXNN xã phát động và duy trì thu mua liên tục với giá 3.000 đồng/con chuột, nhờ đó đã thu mua được 8.020 con chuột. Địa phương còn mời gọi, hỗ trợ cơm trưa cho các tổ, đội diệt chuột tự do của tỉnh Hà Nam sang để bắt chuột, nhờ đó cũng giảm thêm được hàng nghìn con chuột trên đồng ruộng. Không chỉ xã tốn nhiều chi phí cho công tác diệt chuột, mà nông dân cũng đầu tư khoảng 50.000 đồng/sào mua nilon quây quanh ruộng để ngăn ngừa chuột, ước tính tổng chi phí hơn 300 triệu đồng. Thực hiện quyết liệt các giải pháp, tuy nhiên, số lượng chuột đã diệt so với lượng chuột trên đồng ruộng vẫn như muối bỏ bể. Chuột vẫn hoành hành gây thiệt hại cho nông dân. Xã đang rất bế tắc, chưa tìm ra giải pháp tối ưu để diệt chuột bảo vệ sản xuất. Vừa qua, xã đã nỗ lực phối hợp với một doanh nghiệp tại Hà Nội, dự định ký hợp đồng để doanh nghiệp tiến hành diệt chuột trên quy mô lớn, bảo vệ toàn bộ hơn 300ha lúa, hoa màu khỏi chuột cắn phá với chi phí 35.000 đồng/sào. Doanh nghiệp này đã thực hiện ở nhiều địa phương khác nhưng khi khảo sát thực tế đồng ruộng Song An thì đã kiên quyết không thực hiện cho dù xã đề nghị tăng phí diệt chuột lên 50.000 đồng/sào. Do đó, hiện tại xã đang “bó tay” với nạn chuột. Nếu nạn chuột kéo dài sẽ gây thiệt hại lớn cho sản xuất nông nghiệp địa phương, trước mắt là ảnh hưởng tới 165ha cây màu vụ đông tới đây, trong đó có nhiều cây trồng có giá trị kinh tế cao.

 

 

Ông Ðặng Xuân Thỏa, Trưởng thôn Lam Sơn, xã Song An

 

Tôi cho rằng nếu chỉ mỗi Song An quyết liệt diệt chuột thì sẽ không hiệu quả mà các địa phương trong huyện, tỉnh phải cùng tăng cường, coi trọng công tác diệt chuột. Tôi cũng mong các cấp, các ngành chuyên môn giúp đỡ, hỗ trợ về kỹ thuật, phương tiện, vật tư để chúng tôi diệt chuột hiệu quả, giảm thiểu thấp nhất thiệt hại cho nông dân.

 

Ông Nguyễn Văn Khanh, thôn Tân Minh, xã Song An

 

Gia đình tôi cấy gần 1 mẫu, đầu tư chi phí khoảng 500.000 đồng mua nilon, cọc quây quanh các ruộng và thường xuyên đặt bả, bẫy chuột ở ruộng lúa nhưng chuột vẫn cắn phá làm thất thu khoảng 3 sào, tương đương 4 - 5 triệu đồng. Nếu cứ tình trạng này thì tôi sẽ giảm diện tích gieo cấy vì cấy cũng không lại với chuột.

Quỳnh Lưu

  • Từ khóa