Thứ 6, 04/04/2025, 05:22[GMT+7]

Cảnh báo thời tiết cực đoan khi giao mùa

Thứ 4, 02/04/2025 | 21:33:53
549 lượt xem
Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo trên phạm vi toàn quốc có khả năng xảy ra nhiều trận dông, lốc và mưa đá vào thời điểm giao mùa tháng 4.

Một số địa phương đã ghi nhận mưa đá trong tháng 3 như tại huyện Mường Lát (Thanh Hóa).

Đợt không khí lạnh tác động đến các tỉnh Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ những ngày qua đã giảm cường độ, trời ấm dần. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, Bắc Bộ và các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An còn rét đến hết đêm mai 2/4, riêng vùng núi cao có nơi rét đậm, rét hại. Sau đó nhiệt độ tăng và chỉ còn lạnh về đêm tới sáng.

Thời kỳ từ ngày 5-7/4, khu vực này có mưa, mưa rào rải rác, riêng phía Tây Bắc và vùng núi phía Bắc Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác.

Đây có thể xem là đợt rét nhất trong tháng 3. Trước đó vào ngày 30/3, rét đậm, rét hại xảy ra trên diện rộng tại Bắc Bộ. Nhiệt độ thấp nhất có nơi xuống dưới 10 độ C như tại: Đồng Văn (Hà Giang) 8,7 độ C, Tam Đảo (Vĩnh Phúc) 8,8 độ C, Mẫu Sơn (Lạng Sơn) 4 độ C…

Mặt khác, do bắt đầu có sự giao thoa chuyển từ mùa lạnh sang mùa nóng nên thời tiết trở nên bất ổn định. Một số địa phương đã ghi nhận mưa đá trong tháng 3 như tại huyện Mường Lát (Thanh Hóa), thành phố Thủ Dầu Một (Bình Dương), các huyện Phù Yên, Yên Châu, Bắc Yên (Sơn La). Dông lốc xuất hiện tại tỉnh Đồng Tháp, Lai Châu. Đặc biệt, riêng trên địa bàn tỉnh Sơn La đã 3 lần xuất hiện mưa đá, và ngày 25/3 xuất hiện đồng thời cả dông, lốc và mưa đá trên địa bàn xã Thuận Châu, huyện Quỳnh Nhai.

Tháng 4 là tháng chuyển mùa chính nên có khả năng xảy ra nhiều trận dông, lốc, sét và mưa đá trên phạm vi toàn quốc. Những hiện tượng thời tiết nguy hiểm này xảy ra rất nhanh trong thời gian ngắn, khó có thể dự báo xa. Qua theo dõi ảnh mây vệ tinh, ảnh radar, cơ quan khí tượng có thể cảnh báo trước khoảng 30 phút đến 1 tiếng. Người dân cần lưu ý, khi thấy xuất hiện gió mạnh, nhiệt độ giảm đột ngột, mây đen xì vây quanh thì khả năng rất cao sẽ xảy ra mưa đá ở khu vực đó.

Về nắng nóng, thời kỳ giữa và cuối tháng 4, nắng nóng có xu hướng hoạt động mạnh dần ở Tây Bắc Bộ, Trung Bộ và khả năng có nắng nóng gay gắt. Miền Đông Nam Bộ tiếp tục xuất hiện nắng nóng diện rộng và có xu hướng gia tăng ở khu vực Tây Nguyên và miền Tây Nam Bộ. Dự báo nhiệt độ tại Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến cao hơn so với TBNN từ 0,5-1 độ C, Bắc Trung Bộ thấp hơn TBNN cùng thời kỳ khoảng 0,5-1 độ C.

Xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long có xu thế giảm dần

Những ngày qua, khu vực Nam Bộ liên tục có mưa rào và dông rải rác, đặc biệt lượng mưa gia tăng đáng kể trong những ngày cuối tháng do gió Tây Nam hoạt động tích cực. Tổng lượng mưa 10 ngày qua trên khu vực phổ biến từ 70-120mm, có nơi cao hơn 120mm: Phước Long (Bình Phước) 191mm, Trị An (Đồng Nai) 183mm, Biên Hòa (Đồng Nai) 185mm, Nhà Bè (thành phố Hồ Chí Minh) 164mm...

Do có mưa liên tục nên thời kỳ qua nền nhiệt trên khu vực cũng giảm, nắng nóng chỉ xuất hiện cục bộ, với nhiệt độ cao nhất ngày thời kỳ qua phổ biến từ 34-36 độ C.

Cơ quan khí tượng thủy văn nhận định, sang tháng 4, khu vực Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to và tập trung trong thời kỳ từ ngày 6/4 trở đi. Tổng lượng mưa dự báo trong 10 ngày tới dao động từ 80-130mm, có nơi cao hơn 150mm.

Nhờ có mưa, nhiệt độ cao nhất trên toàn khu vực phổ biến từ 32-35 độ C, có nơi trên 35 độ C. Thời tiết mát mẻ và chỉ xảy ra nắng nóng cục bộ ở vài nơi.

Trong những ngày đầu tháng 4, nhiều khả năng mực nước tại các trên dòng chính sông Mê Công biến đổi chậm và ở mức cao hơn TBNN từ 0,1-0,75m. Mực nước trên sông Tiền và sông Hậu dao động theo triều, cao nhất tại Tân Châu là 1,5m, tại Châu Đốc 1,65m (cao hơn TBNN cùng kỳ từ 0,15-0,3m).

Dự báo từ nay đến ngày 6/4, mực nước tại trạm Vũng Tàu dao động ở mức trung bình. Đỉnh triều trong khoảng 3,5 - 3,7m, thời gian xuất hiện đỉnh triều chủ yếu diễn ra vào khoảng 2-6 giờ và 12-18 giờ hằng ngày.

Phía Biển Tây tại trạm Rạch Giá, mực nước triều sẽ dao động ở mức cao, đỉnh triều trong khoảng 0,25-0,35m và xuất hiện trong khoảng 18-23 giờ hàng ngày.

Từ ngày 7-10/4, mực nước trạm Vũng Tàu có xu hướng tăng dần, dao động trong khoảng 3,8 - 4m.

Trong 10 ngày đầu tháng, xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long có xu thế giảm dần. Độ mặn cao nhất tại các trạm ở mức xấp xỉ và thấp hơn độ mặn cao nhất cùng kỳ tháng 4/2024, riêng một số trạm ở Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng có độ mặn cao hơn.

Dự báo cụ thể chiều sâu ranh mặn 4‰ tại các cửa sông chính: Sông Vàm Cỏ Đông, Vàm Cỏ Tây có phạm vi xâm nhập mặn 45-55km; sông Cửa Tiểu, Cửa Đại 40-48km; sông Hàm Luông 50-58km; sông Cổ Chiên 45-50km; sông Hậu 40-45km; sông Cái Lớn 30-35km.

Các địa phương cần tranh thủ tích trữ nước ngọt khi triều thấp phục vụ nông nghiệp và dân sinh.

Xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long mùa khô năm 2024-2025 ở mức cao hơn TBNN, nhưng không gay gắt như mùa khô năm 2015-2016 và năm 2019-2020. Xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long có xu thế giảm dần; các sông Vàm Cỏ, Cái Lớn còn tăng cao từ ngày 27/4-1/5, từ giữa tháng 5 xâm nhập mặn giảm dần.

Tình hình xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc vào nguồn nước từ thượng nguồn sông Mê Công, triều cường và còn biến động trong thời gian tới. Các địa phương cần cập nhật kịp thời các thông tin dự báo khí tượng thủy văn và có các biện pháp chủ động phòng chống xâm nhập mặn.

Theo: baochinhphu.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày