Thứ 4, 20/11/2024, 22:27[GMT+7]

Sâu nặng với Trường Sa

Thứ 2, 08/11/2021 | 08:48:37
1,347 lượt xem
Năm 2017, tôi cùng những ấn phẩm của Báo Thái Bình vượt hàng nghìn ki-lô-mét đường bộ và hàng trăm hải lý ra các đảo trên quần đảo Trường Sa. Tận tay trao những số báo mới nhất cho cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm bền gan vững chí bảo vệ Tổ quốc và sự toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển quê hương, ai cũng đón nhận món quà một cách hồ hởi, yêu thương khiến tôi vô cùng xúc động.

Toàn cảnh Đảo Phan Vinh A thuộc quần đảo Trường Sa.

Trường Sa đêm cuối năm. Bầu trời và mặt biển tối đen như mực. Càng về khuya lạnh, gió càng thốc và sóng cứ chồm chồm gào thét. Trong ánh đèn mờ dưới khoang tàu, dù mệt lả vì say sóng tôi vẫn cố chuẩn bị đồ nghề tác nghiệp và sắp lại những tờ báo tết để sáng mai lên đảo tặng anh em cán bộ, chiến sĩ đầu tiên trên hành trình đến các đảo và điểm đảo ở Trường Sa.

Trong không khí bộ đội chuẩn bị đón tết sớm, khi được trao tặng những số báo mà trong đó Báo Thái Bình dành nhiều trang để phản ánh về Trường Sa, Trung úy Nguyễn Đình Sơn, Chính trị viên đảo Đá Lớn B xúc động chia sẻ: Ở đảo này người Thái Bình nhiều lắm, tôi cũng quê gốc Thái Bình đây! Thật tình, chỉ nhìn thấy bìa báo có hai chữ Thái Bình là chúng tôi đã rưng rưng nhớ về quê hương rồi. Ở hải đảo xa xôi mà có được tờ báo để đọc sau những phiên gác là quý lắm; cảm ơn Báo Thái Bình và cảm ơn nhà báo nhé.

…Cô Lin là đảo có vị trí trọng yếu trong cụm đảo Cô Lin - Len Đao - Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa. Ở đây, mỗi cán bộ, chiến sĩ luôn phải tập trung cao độ trực sẵn sàng chiến đấu, bảo đảm an toàn cho bà con ngư dân khai thác hải sản. Sau bữa cơm chiều, Thượng úy Vũ Đức Mạnh, Chính trị viên đảo Cô Lin, quê ở xã Thụy Quỳnh, huyện Thái Thụy kéo tôi đi một vòng quanh đảo. Cầm những tờ báo còn thơm mùi giấy mới mà tôi tặng, anh nghẹn ngào: Những tờ báo Thái Bình là món quà tinh thần rất lớn và cũng trở thành tài liệu sinh hoạt chính trị, văn hóa của anh em bộ đội trên đảo. Lâu lắm rồi đảo Cô Lin mới được đoàn công tác từ đất liền ra tặng sách, báo. Quý lắm! Hạnh phúc nhất là được đọc báo của quê hương.

Sáng sớm hôm sau, tiễn chúng tôi rời đảo để lên tàu tiếp tục hải trình Trường Sa, anh Mạnh nói với theo: Lần sau các nhà báo ra đảo nhớ mang theo nhiều báo tặng anh em nhé. Rồi giọng một chiến sĩ khác tiếp vào: Đó là sợi dây kéo gần hải đảo với quê hương người chiến sĩ đấy các anh ơi, chúng tôi mong lắm!

Do đường xa, đi lại khó khăn nên số lượng báo mang ra tặng bộ đội Trường Sa có hạn. Vì thế, ở những đảo quân số đông thì 5 - 6 cán bộ, chiến sĩ chung nhau đọc một tờ báo. Dưới tán lá bàng vuông, cạnh cột mốc chủ quyền, bên chân bờ sóng ầm ào, ở đâu anh em cũng chăm chú đọc và ngắm ảnh trên từng trang báo. Chiến sĩ Vũ Tuấn Phong, đảo Sinh Tồn Đông, quê ở xã An Mỹ, huyện Quỳnh Phụ bộc bạch: Báo Thái Bình hấp dẫn chúng tôi bởi những thông tin cập nhật về quê hương, nhất là phản ánh rất sinh động về cuộc sống của bộ đội Trường Sa đang ngày đêm canh giữ biển, trời Tổ quốc. Dưới góc nhìn và cách viết của nhà báo, Trường Sa hiện lên thật đẹp, thật hùng vĩ, thật nên thơ, quân và dân trên các đảo cũng rất đỗi hiên ngang, kiên cường, anh dũng. Chính điều đó càng khiến chúng tôi thêm yêu, gắn bó với đảo và quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc mà Đảng, Nhà nước, Quân đội, nhân dân giao phó.

Các chiến sĩ là người Thái Bình thì phấn khởi khi đọc Báo Thái Bình vì thấy sự đổi thay đi lên mọi mặt của quê hương, tự hào khoe với đồng đội về con người, mảnh đất quê mình. Còn những chiến sĩ ở các tỉnh, thành phố khác cũng thích thú bởi được biết thêm về một miền quê có truyền thống cách mạng, bề dày văn hóa và từng ngày phát triển. Chiến sĩ Lê Quốc Quý, đảo Tiên Nữ, quê ở Khánh Hòa cho biết: Đọc Báo Thái Bình tôi như được du lịch trải nghiệm và hiểu hơn về một miền quê trù phú của “chị Hai năm tấn” mà tôi ít có dịp được đến thăm.

Là người từng đưa hàng trăm đoàn nhà báo ra tác nghiệp ở Trường Sa, Đại tá Nguyễn Hưng, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146 cho biết: Báo Thái Bình và các cơ quan báo chí trong cả nước là người bạn thân của chúng tôi. Họ như con tàu chuyên chở thông tin từ đất liền ra với bộ đội Trường Sa và từ hải đảo xa xôi về với đất liền. Những dòng thông tin kết nối đó đã làm cho Trường Sa không còn xa, để đồng bào trong và ngoài nước yên tâm, tin tưởng, chia sẻ, hỗ trợ nhiều hơn về mọi mặt cho quân, dân trên các đảo. Đồng thời, tờ báo cũng là nguồn cổ vũ, động viên kịp thời, tiếp sức cho cán bộ, chiến sĩ Trường Sa vượt qua gian lao, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ vững chắc lãnh thổ, lãnh hải và vùng trời thiêng liêng phía cực Đông của Tổ quốc thân yêu của chúng ta.

Câu chuyện của tôi với bộ đội Trường Sa đón nhận các ấn phẩm Báo Thái Bình ngày ấy thấm thoát đã gần 5 năm. Thời gian, tình cảm của tôi với cán bộ, chiến sĩ Trường Sa ngày thêm gắn bó. Cây bàng vuông, món quà từ Trường Sa mang về tòa soạn Báo Thái Bình trồng nay tán rộng và ngày thêm vươn cao. Công nghệ phát triển, tôi và các chiến sĩ cũng thường xuyên trò chuyện qua zalo không chỉ thấy tiếng mà còn thấy hình. Trò chuyện với Trung tá Phạm Thanh Tân, Chủ nhiệm Phòng không Lữ đoàn 146, anh phấn khởi cho biết: Ở tất cả các đảo và điểm đảo bây giờ đều có điện và internet rồi. Vì thế, anh em người Thái Bình đang công tác ở Trường Sa có điều kiện thường xuyên đọc Báo Thái Bình điện tử, cập nhật thông tin về quê hương hàng ngày nên ai cũng vui và phấn khởi lắm.

Cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa Đông trồng cây xanh trên đảo. Ảnh: Nguyễn Thơi

Khắc Duẩn