Thứ 4, 20/11/2024, 22:33[GMT+7]

Nước Nga mãi trong tôi

Thứ 2, 08/11/2021 | 08:55:11
1,246 lượt xem
Đó là cảm xúc, cũng là câu nói mà các doanh nhân đã từng học tập, làm việc tại Liên bang Nga chia sẻ khi nhớ về những kỷ niệm ở xứ sở Bạch Dương. Mỗi người chọn cho mình một hướng đầu tư kinh tế khác nhau nhưng ở họ có chung một tình yêu với nước Nga, tư duy phát triển doanh nghiệp khoa học và bền vững.

Nếu nói về mô hình trang trại chăn nuôi quy mô lớn và hiện đại đầu tiên ở Thái Bình, nhiều người nghĩ ngay đến anh Phạm Bá Vang, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ thương mại tổng hợp Tân Bình (thành phố Thái Bình). Tổng diện tích trang trại rộng 5,4ha, trong đó 1,4ha là lán trại chăn nuôi, còn lại là diện tích cây xanh và hồ nước phục vụ bảo vệ môi trường. Mỗi năm trang trại của anh Vang xuất ra thị trường bình quân 15.000 con lợn giống và lợn thịt, cho doanh thu trên 50 tỷ đồng. Anh Vang chia sẻ: Tôi có 10 năm làm việc ở Nga. Tôi thấy người Nga sống đôn hậu, có tác phong làm việc rất chuyên nghiệp, khoa học. Được chứng kiến nông dân Nga chăn nuôi quy mô lớn và áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín từ sản xuất con giống đến xuất chuồng, chăn nuôi an toàn sinh học cho hiệu quả cao và bền vững nên khi về nước tôi quyết định đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và áp dụng theo mô hình của họ. Thực tế chứng minh, việc chủ động con giống giúp tôi không phải luân chuyển đàn bảo đảm sức khỏe vật nuôi, chủ động lựa chọn được con giống tốt và không bị phụ thuộc vào thị trường. Hệ thống chuồng trại được đầu tư hiện đại, điều hòa không khí mang lại nhiều lợi ích là bảo vệ sức khỏe cho đàn lợn, giảm tiêu tốn thức ăn và chất lượng thịt lợn cao. Đây là những yếu tố giúp đàn lợn lớn nhanh, ít bị dịch bệnh, chất lượng và bán giá cao.


Đến thăm doanh nghiệp chuyên sản xuất đồ gỗ xuất khẩu của anh Phạm Xuân Pha, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất xuất nhập khẩu Phương Thanh (xã Đông Mỹ, thành phố Thái Bình), ngay khi bước vào cổng chúng tôi đã thoảng nghe giai điệu của bài hát nổi tiếng Cachiusa qua tiếng kèn saxophone mà anh đang chơi. Anh chia sẻ: Dù chỉ có 5 năm ở thành phố Astrakhan nhưng mình đã yêu và lưu luyến đất nước Nga bởi cảnh sắc tươi đẹp, nền văn hóa và âm nhạc vĩ đại cùng con người chân thật, sống hồn nhiên, vui tươi, yêu đời. Tôi học được ở họ phong cách làm việc tận tụy, đam mê, không ngừng đổi mới sáng tạo. Ở lĩnh vực thủ công mỹ nghệ xuất khẩu như doanh nghiệp của chúng tôi, vấn đề đổi mới mẫu mã là yếu tố sống còn vì thị hiếu của người Nga nói riêng, các nước châu Âu nói chung thay đổi liên tục theo mùa. Với dòng sản phẩm chính là chậu hoa cảnh bằng gỗ thân thiện với môi trường, nhờ có nhiều mẫu mã hấp dẫn, đến nay sản phẩm của chúng tôi đã có mặt ở thị trường các nước: Nga, Đan Mạch, Thụy Điển, Mỹ, Úc, mỗi năm doanh thu đạt hơn 1 triệu USD.


Ở Thái Bình hiện có hơn 40 doanh nhân từng có thời gian học tập, công tác, lao động ở Liên bang Nga. Doanh nghiệp của các doanh nhân này không chỉ phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ đổi mới mà còn đứng vững trong giai đoạn khó khăn do tác động của dịch Covid-19. Ông Ngô Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Cấp nước Bách Hưng Phát (huyện Vũ Thư) cho biết: Với bản chất không ngại khó, sợ khổ, kiên trì, nhẫn nại của người Việt cộng với tinh thần làm việc nghiêm túc, có mục tiêu, tư duy khoa học học được từ người Nga đã giúp chúng tôi luôn biết vượt qua những khó khăn, thử thách để vươn tới thành công. Đặc biệt, sự đoàn kết, thủy chung mà hai đất nước Việt - Nga vun đắp suốt chiều dài lịch sử cũng lan tỏa để các doanh nhân có những năm tháng sống ở Nga luôn gắn bó, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong xây dựng, phát triển doanh nghiệp bền vững.


Vì yêu nước Nga nên các doanh nhân thường xuyên tổ chức gặp mặt, giao lưu chia sẻ kỷ niệm đẹp về những ngày sinh sống, làm việc trên đất nước Nga và động viên nhau vươn lên trong cuộc sống. Ông Vũ Xuân Chiến, Phó Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt - Nga tỉnh Thái Bình cho biết: Trong những năm qua, 400 hội viên Hội Hữu nghị Việt - Nga nói chung, các doanh nhân từ Nga trở về quê hương lập nghiệp nói riêng luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái và tích cực hoạt động vì cộng đồng. Ngoài bảo đảm việc làm, thu nhập ổn định cuộc sống cho hàng nghìn lao động, tích cực đóng góp ngân sách cho nhà nước, các doanh nghiệp còn hăng hái tham gia ủng hộ tặng quà tết cho hộ nghèo, cứu trợ đồng bào bị thiên tai và ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 với tổng trị giá trên 300 triệu đồng/năm. Đó cũng là nét đẹp văn hóa của các doanh nhân góp phần tô điểm cho tình hữu nghị Việt  - Nga thêm bền vững.

Công ty TNHH Sản xuất xuất nhập khẩu Phương Thanh của doanh nhân Phạm Xuân Pha tạo việc làm cho 60 lao động.

Hà Thanh