Thứ 4, 13/11/2024, 06:44[GMT+7]

Hoạt động công đoàn xã, thị trấn ở Hưng Hà Cần nêu cao vai trò “Đầu tàu”

Thứ 3, 29/01/2013 | 08:14:39
905 lượt xem
Thực hiện chủ trương của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam về thành lập công đoàn xã, phường, thị trấn, đến nay, 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn huyện Hưng Hà đã thành lập tổ chức công đoàn. Tổ chức công đoàn xã, phường, thị trấn đã từng bước hoạt động có hiệu quả, góp phần cùng cấp ủy, chính quyền thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị địa phương.

Hoạt động thể thao của đoàn viên công đoàn huyện Hưng Hà. Ảnh: THÀNH TÂM

Công đoàn xã Hồng Minh, huyện Hưng Hà có 19 đoàn viên được LĐLĐ huyện đánh giá là công đoàn cơ sở hoạt động đạt hiệu quả tốt. Công đoàn xã thường xuyên quan tâm đến công tác tuyên truyền giáo dục trong cán bộ công chức. Hàng năm, tổ chức cho cán bộ, đoàn viên ký cam kết thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, các quy định của địa phương. Phong trào xây dựng đời sống văn hóa, thể dục thể thao được quan tâm, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho đoàn viên.  Qua bình xét, 100%  gia đình cán bộ công chức xã đạt danh hiệu  gia đình văn hóa; 100% bản thân và gia đình các đoàn viên không có người vi phạm pháp luật và mắc phải tệ nạn xã hội.

Công đoàn xã còn tích cực tuyên truyền, vận động đội ngũ cán bộ công chức tham gia vào xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, quản lý nhà nước trên các lĩnh vực phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng. Vận động đoàn viên công đoàn tích cực hưởng ứng vào các hoạt động xã hội từ thiện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động; tham mưu cho cấp trên quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ; tích cực tham gia cải cách hành chính đồng thời các đoàn viên còn là lực lượng nòng cốt tham gia xây dựng đề án, phương án sản xuất, quy hoạch hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng, góp phần đưa tiến bộ khoa học vào phục vụ sản xuất, xây dựng nông thôn mới.

Hơn 6 năm thành lập, công đoàn xã, phường, thị trấn (gọi chung là công đoàn xã) ở Hưng Hà đã chú trọng tuyên truyền chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ chính trị của địa phương tới cán bộ công chức và người lao động. Đặc biệt là trong giáo dục chính trị, tư tưởng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, công chức lao động nâng cao nhận thức về chính trị, tư tưởng, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Qua những hoạt động thực tiễn, hiệu quả, Công đoàn đã thể hiện được vai trò, chức năng của mình, tạo được niềm tin trong đội ngũ đoàn viên. Thực hiện cuộc vận động“Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, cán bộ công chức xã thường xuyên trau dồi rèn luyện đạo đức, lối sống, đổi mới tác phong lề lối làm việc theo hướng gần dân, hiểu dân và vì dân. Hàng năm Ban Chấp hành công đoàn cơ sở phối hợp với chính quyền tổ chức tốt hội nghị cán bộ công chức, góp phần thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Công đoàn xã cũng thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, tham gia kiểm tra giám sát việc thực hiện các chế độ chính sách liên qua đến người lao động như việc làm, tiền lương, BHXH, BHYT, ốm đau, thai sản, chế độ nghỉ phép...; tổ chức thăm hỏi đoàn viên khi ốm đau, có việc hiếu,hỷ làm tăng thêm sức mạnh đoàn kết, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị trên địa bàn và xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Tuy nhiên, trong những năm qua vẫn còn một số địa phương trong huyện chưa thực sự quan tâm đến hoạt động của công đoàn. Nguyên nhân là do nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, cán bộ cơ sở về vị trí, vai trò, chức năng tổ chức công đoàn còn hạn chế. Chủ tịch công đoàn cơ sở là kiêm nhiệm nên ít có điều kiện tập trung nghiên cứu sâu nghiệp vụ công đoàn. Kinh phí hoạt động của công đoàn cơ sở hạn hẹp do đó hoạt động công đoàn đa số chỉ là các hoạt động thăm hỏi đoàn viên ốm đau, hiểu hỷ, ít quan tâm đến các hoạt động phong trào thi đua, thể thao văn nghệ... Có nơi đoàn viên chưa xác định rõ tầm quan trọng của hoạt động công đoàn nên tham gia sinh hoạt chưa đều, chưa làm tròn trách nhiệm được giao, cán bộ công đoàn chưa thật sự chủ động thâm nhập thực tiễn, bản lĩnh, trình độ nhận thức còn hạn chế nên việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những bức xúc, vướng mắc tại cơ sở chưa sâu, chưa kịp thời, chưa chủ động kiến nghị những vấn đề bức xúc nảy sinh từ phong trào của cơ sở.

Một thực tế hiện nay đó là ở khu vực nông thôn, người lao động còn gặp không ít khó khăn, mỗi bước tiến của công đoàn cơ sở đều gắn với năng lực tổ chức, sự nhiệt tình, năng động... mà “đầu tàu” là ban chấp hành công đoàn. Chính vì vậy, rất cần sự năng động, linh hoạt, nhiệt tình trong công tác của đội ngũ này, đặc biệt là chủ tịch công đoàn. Chủ tịch công đoàn phải là cầu nối quan trọng trong các mối quan hệ làm việc với công đoàn cấp trên, với cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể cùng cấp. Trong quá trình lãnh đạo triển khai kế hoạch công tác cần chọn thời gian phù hợp để vừa không gây ảnh hưởng nhiệm vụ thường xuyên của các bộ phận, vừa khuyến khích mọi đoàn viên tham gia trên tinh thần tự nguyện. Hoạt động công đoàn phải bám sát nhiệm vụ, gắn với công tác chuyên môn của cơ quan cấp xã, phường, thị trấn và chỉ đạo của công đoàn cấp trên. Công đoàn cơ sở cũng cần thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên để xây dựng, triển khai kế hoạch hoạt động phù hợp, chăm lo tốt quyền và lợi ích chính đáng của cán bộ công chức, mạnh dạn kiến nghị với lãnh đạo, công đoàn cấp trên quan tâm giải quyết những vấn đề bức xúc trong thực tiễn. Có như vậy thì hoạt động của tổ chức công đoàn cơ quan xã, phường, thị trấn mới có thể duy trì và phát triển, góp phần xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của người lao động.

            Ngọc Mai

  • Từ khóa