Thứ 4, 20/11/2024, 20:33[GMT+7]

Cần quản lý chợ chặt hơn để ngăn ngừa lây lan Covid-19

Thứ 7, 20/11/2021 | 08:43:55
698 lượt xem
Do ý thức của một bộ phận người dân còn hạn chế, chủ quan và việc quản lý hoạt động của chợ còn những bất cập khiến các chợ dân sinh trên địa bàn tỉnh đang trở thành địa điểm nguy cơ cao lây lan dịch Covid-19.

Chợ Lạng, xã Song Lãng (Vũ Thư) thông báo rõ quy định về phòng, chống dịch tại cổng chợ để mọi người dân đến chợ biết và thực hiện.

Trước diễn biến dịch Covid-19 trên địa bàn phức tạp, để kiểm soát tình hình và ngăn chặn dịch lây lan, từ ngày 17/11, xã Hòa Bình (Vũ Thư) đã chỉ đạo tạm dừng tất cả hoạt động trao đổi hàng hóa tại chợ Thông, trừ việc mua bán mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu. Theo lãnh đạo địa phương, chợ Thông là chợ đầu mối lớn, mỗi phiên có tới hàng nghìn lượt người trong khu vực đến mua bán. Việc hạn chế một phần hoạt động của chợ nhằm giảm mật độ người đến chợ, bảo đảm khoảng cách và dễ kiểm soát dịch tễ trong chợ. Địa phương chỉ cho lưu thông các mặt hàng thiết yếu để bảo đảm cuộc sống, sinh hoạt của nhân dân không bị xáo trộn. 

Trên địa bàn huyện Vũ Thư hiện nay có một số địa phương đã tạm thời đóng cửa chợ như thị trấn Vũ Thư, xã Nguyên Xá, xã Vũ Đoài, xã Đồng Thanh do diễn biến dịch phức tạp, không bảo đảm an toàn phòng dịch tại chợ. Các chợ còn lại vẫn tổ chức họp theo phiên truyền thống. Để phòng, chống dịch, chính quyền các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền bằng khẩu hiệu, biển báo, xe tuyên truyền lưu động tại cổng chợ. Ông Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 xã Dũng Nghĩa cho biết: Chúng tôi chỉ đạo ban quản lý chợ Ngại hàng ngày kiểm tra, nhắc tiểu thương cũng như người đến chợ thực hiện nghiêm “5K”, sát khuẩn tay tại cổng chợ, vệ sinh môi trường, phun khử khuẩn sau mỗi phiên chợ. 

Qua khảo sát thực tế một số chợ trên địa bàn huyện Vũ Thư và thành phố Thái Bình, phóng viên Báo Thái Bình ghi nhận cơ bản người dân và tiểu thương đến chợ đã thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch như đeo khẩu trang, sát khuẩn, giữ khoảng cách, không tập trung đông người, kinh doanh hàng ăn không phục vụ tại chỗ... Nhiều tiểu thương kinh doanh ở chợ Quang Trung ngoài đeo khẩu trang còn sử dụng kính chắn giọt bắn để hạn chế nguy cơ lây nhiễm Covid-19. Bà Nguyễn Thị Oanh, tiểu thương kinh doanh thực phẩm cho biết: Do thường xuyên phải tiếp xúc với nhiều người, nguy cơ lây nhiễm cao nên chúng tôi phải thực hiện tốt “5K” theo hướng dẫn của cơ quan chức năng và thường xuyên nhắc nhở khách hàng giữ khoảng cách an toàn khi đến mua sắm. 

Bên cạnh những điểm đáng ghi nhận trong công tác phòng, chống dịch, vẫn còn không ít chợ chưa làm tốt, đứng trước nguy cơ phát sinh, lây nhiễm dịch Covid-19 tại chợ và cộng đồng. Tại chợ Mễ (xã Tân Phong, huyện Vũ Thư), mặc dù chính quyền địa phương đã đưa xe tuyên truyền lưu động, bố trí lực lượng kiểm soát ngay cổng chợ và yêu cầu tiểu thương cũng như người đến chợ thực hiện giãn cách, không phục vụ ăn uống tại chỗ nhưng tình trạng người dân không đeo khẩu trang, vô tư ngồi ăn uống vẫn còn. Ông Nguyễn Hữu Ngạn, Chủ tịch UBND xã, Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 xã Tân Phong cho biết: Đến sáng ngày 18/11, trên địa bàn xã đã có 3 trường hợp F0, 47 F1 và 450 F2 nên nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn. Hiện nay chúng tôi đang huy động toàn bộ lực lượng cho công tác tuyên truyền, truy vết, test nhanh, xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2, sớm phát hiện và bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Chúng tôi cũng xác định chợ Mễ là một trong những nơi tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây lan dịch nên sẽ chỉ đạo, giao Công an xã, tổ tự quản vận động người dân hạn chế đến chợ để giảm mật độ người và tăng cường kiểm tra, kiên quyết xử lý các trường hợp cố tình vi phạm quy định về phòng, chống dịch. Ông Cao Vũ Thạch, Trưởng phòng Kinh tế Hạ tầng huyện Vũ Thư cho biết: Công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các chợ đang gặp nhiều khó khăn. Các địa phương dồn hết nhân lực, vật tư cho việc test nhanh, xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 toàn dân nên thiếu người kiểm tra, giám sát tại các chợ. Mặc dù huyện đã có nhiều văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn, ban quản lý các chợ triển khai đồng bộ biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 song một số địa phương vẫn chưa thực hiện hiệu quả.

Toàn tỉnh hiện có 230 chợ. Nếu các địa phương không khẩn trương có biện pháp quản lý hoạt động và công tác phòng, chống dịch tại các chợ thì đây sẽ trở thành điểm yếu để dịch bùng phát, lây lan, rất khó kiểm soát. Bà Tô Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Sở đã có công văn yêu cầu phòng kinh tế hạ tầng các huyện, Phòng Kinh tế thành phố Thái Bình khẩn trương chỉ đạo các xã, phường, thị trấn có kế hoạch, bố trí lực lượng cụ thể, tăng cường công tác quản lý, công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại các chợ. Quan điểm của Sở Công Thương là quyết liệt phòng, chống dịch nhưng không được “ngăn sông, cấm chợ” một cách cực đoan ảnh hưởng đến hoạt động lưu thông hàng hóa và cuộc sống của người dân. Bên cạnh phát huy trách nhiệm của các lực lượng chức năng, người dân và các tiểu thương cũng cần nâng cao ý thức tự bảo vệ, chấp hành nghiêm các biện pháp, quy định về phòng, chống dịch Covid-19.

Người dân ngồi ăn ngay tại chợ có nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19 rất cao.

Chợ Thông xã Hòa Bình, huyện Vũ Thư thưa vắng người sau khi địa phương tạm dừng hoạt động trao đổi hàng hóa trừ mua bán mặt hàng lương thực, thực phẩm.


Khắc Duẩn

  • Từ khóa