Thứ 4, 20/11/2024, 18:38[GMT+7]

Lan tỏa phong trào thi đua “Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi”

Thứ 2, 29/11/2021 | 09:25:14
1,195 lượt xem
Trở về đời thường với những kiến thức, kỹ năng được học tập, rèn luyện trong quân đội, các cựu chiến binh (CCB) huyện Hưng Hà đã mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, không quản ngại khó khăn để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên tạo dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, góp phần xây dựng nông thôn ngày thêm khởi sắc.

Mô hình phát triển kinh tế của cựu chiến binh Trần Hữu Thuấn, xã Tiến Đức (Hưng Hà) mỗi năm cho thu nhập trên 200 triệu đồng.

Ông Dương Văn Sỹ, CCB thôn Nứa, xã Liên Hiệp cho biết: Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, tôi mạnh dạn chuyển đổi diện tích cấy lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả, chăn nuôi gia súc, gia cầm với tổng diện tích 5.400m2, trong đó tôi bố trí trên 2.500m2 đào ao thả cá và nuôi vịt; gần 2.900m2 xây dựng khu nuôi lợn, trồng cây ăn quả. Bình quân mỗi năm tôi nuôi từ 30 - 40 con lợn, hàng trăm con vịt, ngoài ra còn có hàng trăm cây nhãn hương chi, bưởi, mít. Từ mô hình này cho gia đình tôi thu nhập trên 100 triệu đồng/năm.

Cũng như CCB Dương Văn Sỹ, CCB Trần Hữu Thuấn, thôn Nhật Tảo, xã Tiến Đức thuê lại diện tích đất bỏ hoang của người dân để xây dựng mô hình VAC, trong đó ông bố trí 7.200m2 đào ao thả cá, 3.000mtrồng cây ăn quả kết hợp chăn nuôi gà, vịt và 9 con bò sinh sản. 

Ông Thuấn chia sẻ: Khi trở về quê hương, thấy diện tích đất bỏ hoang có thể phát triển kinh tế nên tôi bàn với vợ chuyển đổi diện tích của gia đình và thuê thêm ruộng của bà con để xây dựng mô hình phát triển chăn nuôi tổng hợp. Vì là vùng đất khó canh tác nên tôi đầu tư rất nhiều thời gian, kinh phí để cải tạo. Qua 6 năm xây dựng, dù có những lúc gặp không ít khó khăn nhưng tôi luôn tự nhủ phải cố gắng, nỗ lực học hỏi kinh nghiệm của các mô hình khác và áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi. Nhờ đó, đến nay mô hình đã phát triển ổn định. Mỗi năm sau khi trừ chi phí tôi có thu nhập trên 200 triệu đồng.

Ông Đỗ Xuân Dự, Chủ tịch Hội CCB xã Tiến Đức cho biết: Hiện nay, toàn Hội có 69 hội viên xây dựng các mô hình phát triển kinh tế gồm: mô hình VAC, kinh doanh dịch vụ, may túi xuất khẩu, sản xuất bánh kẹo... Các mô hình đều hoạt động hiệu quả, mang lại thu nhập cao. Đặc biệt, chúng tôi còn thành lập Câu lạc bộ CCB phát triển kinh tế nên đã tập hợp, thu hút nhiều hội viên tham gia. Nhờ phát triển kinh tế, đến nay toàn Hội không còn hộ hội viên CCB nghèo.

Không chỉ tập trung phát triển nông nghiệp, nhiều CCB trong huyện còn đầu tư phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp, đã hình thành các tổ đội, tổ hợp dệt may, dệt chiếu, mây tre đan..., tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương. Tiêu biểu như CCB Vũ Thị Sâm, xã Hồng Lĩnh, CCB Lưu Thị Nga, xã Minh Tân xây dựng xưởng may khăn xuất khẩu, tạo việc làm thường xuyên cho 15 - 20 lao động địa phương; CCB Nguyễn Dụng Bẩy, xã Điệp Nông sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng, gạch không nung cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm... Còn rất nhiều hội viên tiêu biểu đã mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, dù mỗi người có cách làm riêng nhưng ở họ đều có điểm chung là luôn phát huy được phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, trước bất kỳ khó khăn, thử thách nào họ cũng không nản chí, có những cách làm khoa học, phù hợp với yêu cầu thực tế đặt ra.

Thực hiện phong trào thi đua “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, các cấp hội CCB trong huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên tích cực tham gia phát triển kinh tế. Hiện toàn Hội có 88 hội viên làm chủ trang trại, 743 hội viên làm chủ gia trại, hàng trăm hội viên làm chủ cơ sở sản xuất kinh doanh; 22/35 xã, thị trấn không có hộ hội viên nghèo, số hộ hội viên cận nghèo giảm đáng kể; tỷ lệ hộ hội viên khá, giàu đạt 59,18%. Qua bình xét, toàn hội có 3.125 hội viên làm kinh tế giỏi cấp cơ sở, 79 hội viên giỏi cấp huyện, 23 hội viên giỏi cấp tỉnh, 13 hội viên đạt hội viên giỏi cấp toàn quốc.

Ông Trần Ngọc Tuyến, Phó Chủ tịch Hội CCB huyện cho biết: Để đạt được kết quả trên, từ năm 2016 đến nay, Hội đã phối hợp tổ chức 40 lớp tập huấn khuyến nông, khuyến công cho 4.902 lượt hội viên, 97 lớp tập huấn xóa nghèo. Duy trì hoạt động 65 tổ tiết kiệm và vay vốn ở các xã, thị trấn với dư nợ trên 62 tỷ đồng; đứng ra tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, quỹ tín dụng nhân dân xã, thị trấn hàng chục tỷ đồng cho hội viên vay đầu tư phát triển kinh tế. Các mô hình đều cho giá trị kinh tế cao, khơi dậy và tạo sức lan tỏa trong cán bộ, hội viên CCB.

Hội viên CCB huyện Hưng Hà tích cực tham gia phát triển kinh tế.


Thanh Thủy