Thứ 4, 20/11/2024, 12:37[GMT+7]

60 năm hòa nhịp dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam Kỳ 1: Kế tục truyền thống báo chí cách mạng của quê hương

Thứ 2, 27/12/2021 | 08:50:28
1,804 lượt xem
Ngày 1/1/1962, Báo Tiến Lên xuất bản số đầu tiên chính thức đánh dấu sự ra đời của Báo Thái Bình, cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thái Bình. Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, với 3 lần thay đổi tên gọi: Báo Tiến Lên, Báo Thái Bình tiến lên và Báo Thái Bình, Báo Thái Bình đã hòa nhập dòng chảy báo chí cách mạng Việt Nam, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tuyên truyền, xứng đáng là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền, là diễn đàn, tiếng nói của nhân dân.

Một tờ Tin Thái Bình xuất bản năm 1958 đã có hình thức 1 tờ báo.

Báo Tiến Lên ra đời năm 1962. Song, để phục vụ sự nghiệp cách mạng, trước đó tại Thái Bình đã xuất bản các tờ báo như: Hướng Đạo (1928), Tiến Lên (1937), Tiền Phong (1941), Tiếng Vang (1945), Tranh Đấu (1946)... Đến năm 1950, tờ Tin Thái Bình do Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy xuất bản hoạt động tương đối ổn định đã xây dựng một nền móng vững chắc để phát triển thành Báo Tiến Lên.

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, lý tưởng cách mạng
Ngày 21/6/1925, với sự ra đời của Báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập, những người yêu nước Việt Nam đã được tiếp thu một lý tưởng cách mạng mới đó là muốn cứu nước và giải phóng dân tộc trước hết phải có một “Đảng Cách mệnh”. Với sự giác ngộ này, ngay từ lớp huấn luyện chính trị thứ hai do Nguyễn Ái Quốc tổ chức tại Quảng Châu (Trung Quốc) đã có 5 nhà cách mạng của Thái Bình tham dự. Những nhà cách mạng quê hương Thái Bình như: Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Văn Năng, Nguyễn Danh Đới... đã tiếp nhận sâu sắc tư tưởng của Lênin, Nguyễn Ái Quốc về vai trò của báo chí: “Trong thời đại ngày nay, không có tờ báo chính trị thì không thể có phong trào gọi là chính trị”, “chúng ta cần trước hết là tờ báo, không có nó thì không thể tiến hành một cách có hệ thống cuộc tuyên truyền, cổ động hết sức có nguyên tắc và toàn diện”..., vì vậy họ rất tích cực viết báo. Sau này, các nhà cách mạng Nguyễn Văn Năng, Nguyễn Danh Đới khi trở về quê hương hoạt động còn trực tiếp phụ trách một số tờ báo. Vì vậy, trong mỗi thời điểm, giai đoạn cách mạng, thuận lợi và khó khăn, khi công khai, khi bí mật, tổ chức đảng tại Thái Bình đều quan tâm xuất bản báo, coi báo là vũ khí tuyên truyền, cổ động cách mạng, kêu gọi nhân dân đứng lên giải phóng dân tộc. Năm 1927, Chi bộ Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên đầu tiên tại Thái Bình thành lập tại thị xã Thái Bình. Đến năm 1928, các chi hội thanh niên và các hội, đoàn thể khác cũng bắt đầu thành lập. Khi phong trào cách mạng tại Thái Bình có bước phát triển cũng là thời điểm tờ báo cách mạng đầu tiên ra đời tại địa phương, đó là tờ Tin Hướng Đạo. Tin Hướng Đạo có 4 trang, khổ 20 x 29cm, xuất bản hàng tháng thực hiện nhiệm vụ phổ biến, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tinh thần yêu nước, lý tưởng cách mạng đến các tầng lớp nhân dân, kêu gọi các giai cấp đoàn kết, đấu tranh giải phóng dân tộc. Ngày 17/6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng thành lập tại Bắc Kỳ. Cuối tháng 6/1929, Ban Tỉnh bộ Thanh niên triệu tập hội nghị thống nhất quyết định thành lập Đông Dương Cộng sản Đảng Thái Bình. Các chi bộ Đảng Cộng sản tại Thái Bình cũng lần lượt thành lập vào các năm 1929, 1930 trên cơ sở lựa chọn hội viên từ Hội Thanh niên chuyển sang. Đến cuối năm 1930, tờ Tin Hướng Đạo dừng hoạt động, kết thúc sứ mệnh lịch sử của tờ báo cách mạng đầu tiên trên mảnh đất Thái Bình, đóng góp một phần không nhỏ vào con đường truyền bá chủ nghĩa yêu nước, chủ nghĩa cách mạng, vào quá trình giác ngộ của các tầng lớp nhân dân và quá trình thành lập Đảng tại Thái Bình.

Trong giai đoạn 1930 - 1950, tại Thái Bình đã lần lượt ra đời hàng chục tờ báo. Tờ Phấn Đấu do Ban Chấp hành Đảng bộ Đảng Cộng sản Đông Dương tỉnh Thái Bình xuất bản năm 1931; Tạp chí Đỏ do Ban Tỉnh ủy lâm thời Thái Bình xuất bản năm 1933; tờ Tiến Lên do Ban Tỉnh ủy xuất bản năm 1937; Tiền Phong do Đoàn Thanh niên phản đế xuất bản năm 1941; Tiếng Vang, Tranh Đấu, Tin Thi đua do Tỉnh ủy Thái Bình xuất bản vào các năm 1945, 1946, 1948...

Sau khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám giành chính quyền, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhân dân Thái Bình cùng nhân dân cả nước hân hoan bước vào cuộc sống mới do nhân dân làm chủ. Song, thực dân Pháp bội ước, quay trở lại quyết cướp nước ta một lần nữa, hưởng ứng lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Thái Bình cùng cả nước tích cực xây dựng lực lượng cách mạng, đẩy mạnh sự nghiệp kiến quốc, chuẩn bị mọi mặt sẵn sàng kháng chiến. Trong quá trình chuẩn bị này, chính quyền cách mạng Thái Bình hết sức quan tâm đến công tác tuyên truyền của báo chí. Các tờ báo như Tiếng Vang, Tranh Đấu được xuất bản công khai với số lượng in lên đến hàng nghìn bản, phát hành đến tận thôn xóm, đã thực sự là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ và chính quyền cách mạng tỉnh Thái Bình và là diễn đàn của nhân dân đối với công tác tuyên truyền, giải thích mọi chủ trương, đường lối của Đảng khi chính quyền cách mạng vừa thành lập. Giai đoạn 1946 - 1949, tại Thái Bình có thời điểm còn xuất bản 2 tờ báo như Tấc Đất do Ty Thông tin xuất bản, Đại đoàn kết do Mặt trận Liên Việt tỉnh xuất bản để cùng thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương, đường lối cách mạng của Đảng và thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết toàn dân, về chống giặc đói, giặc dốt, thi đua sản xuất lúa, hoa màu và khai phá ruộng hoang... nhằm đẩy mạnh mọi hoạt động, đưa cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện tiến lên giành thắng lợi to lớn hơn.

Trong giai đoạn đầu của cách mạng Việt Nam nói chung, cuộc cách mạng trên quê hương Thái Bình nói riêng, những tờ báo cách mạng tại Thái Bình lần lượt ra đời, có tờ chỉ hoạt động trong một thời gian ngắn nhưng báo chí cách mạng tại Thái Bình đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tinh thần cách mạng, cổ vũ nhân dân Thái Bình cùng nhân dân cả nước dũng cảm đứng lên cứu nước, giải phóng dân tộc.

Tin Thái Bình, nền móng xây dựng Báo Tiến Lên

Tháng 2/1950, giặc Pháp chính thức quay trở lại đánh chiếm Thái Bình, trước các cuộc càn quét, đánh phá ác liệt của giặc Pháp, các tờ báo dừng hoạt động. Song, chỉ đến cuối năm 1950 trước đòi hỏi của cách mạng và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy Thái Bình xuất bản tờ Tin Thái Bình. Trong hoàn cảnh kháng chiến gian khổ, lúc đầu tờ Tin Thái Bình ra không định kỳ. Năm 1951, tờ Tin Thái Bình xuất bản hai kỳ một tháng, mỗi kỳ in 500 - 600 tờ. Trong thời gian này, giặc liên tiếp càn quét và đánh phá Thái Bình, việc xuất bản tờ Tin Thái Bình gặp rất nhiều khó khăn về biên tập và in ấn.

Nhà văn Bút Ngữ, nguyên Phó Tổng biên tập Báo Thái Bình, một trong số ít người từng tham gia tờ Tin Thái Bình hồi tưởng: Tin Thái Bình ngoài đăng tải tin tức về các hoạt động quân sự còn đưa nhiều tin về các cuộc đấu tranh chính trị, văn hóa, kinh tế và phản ánh một cách toàn diện cuộc kháng chiến chống Pháp của quân và dân Thái Bình. Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tờ Tin Thái Bình đã kịp thời cổ vũ và động viên các lực lượng vũ trang và nhân dân trong tỉnh đẩy mạnh cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện nhanh chóng tới thắng lợi cuối cùng. Tờ Tin Thái Bình đã thực sự góp phần quan trọng vào thắng lợi to lớn của cuộc kháng chiến gian khổ và anh dũng của Đảng bộ và nhân dân Thái Bình.

Sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc, các cơ quan của tỉnh về thị xã Thái Bình, tờ Tin Thái Bình do Ty Tuyên truyền văn nghệ quản lý. Năm 1955, Ty Tuyên truyền chuyển thành Ty Văn hóa, bộ phận tuyên truyền chuyển sang trực thuộc Ủy ban hành chính tỉnh, gọi là Phòng Thông tin, quản lý cả tờ tin và đài truyền thanh. Tin Thái Bình tiếp tục phát hành phục vụ nhiệm vụ chính trị của tỉnh và xuất bản hàng tuần. Từ cuối năm 1956, Tin Thái Bình tăng cao số lượng phát hành, mỗi kỳ lên đến 5.000 bản, phát hành đến tận thôn, xóm. Mặc dù gọi là Tin Thái Bình nhưng phong cách của Tin Thái Bình đã gần như một tờ báo, nhiều thể loại báo chí như xã luận, bút ký, tin vắn... đã được sử dụng. Nội dung tờ Tin Thái Bình ngày một phong phú, phản ánh cuộc sống mới hào hứng, sôi động của những người dân giờ đây đã thực sự được độc lập, tự do, đang hăng say bước vào công cuộc xây dựng đất nước theo hướng xã hội chủ nghĩa...

Trước những yêu cầu về thông tin, năm 1960, Tin Thái Bình tăng lên 5 ngày ra một số thay vì một tuần ra một số như trước đây. Thông tin cũng được phản ánh hết sức phong phú, một số bài viết có minh họa, có ảnh kèm. Chỉ là một tờ tin 4 trang khổ nhỏ song các trang tin xây dựng nhiều chuyên mục nổi bật như: “Người mới, việc mới”, “Khoa học và đời sống”, “Chuyện gần chuyện xa”... Cùng với các chuyên mục chính luận, nhiều vấn đề hết sức gần gũi với đời sống dân sinh cũng được thông tin như: thông báo về phim mới chiếu tại rạp chiếu bóng, giới thiệu sách mới tại hiệu sách, thông tin về đoàn xiếc về biểu diễn tại địa phương... 

Nhà báo, nhà văn Bút Ngữ chia sẻ thêm, điều cổ vũ lớn lao đối với cán bộ làm bản tin lúc đó là Bác Hồ rất quan tâm đến Tin Thái Bình. Người đã đọc nhiều thông tin đăng tải trên đó, biểu dương những gương người tốt, việc tốt, phê bình những việc làm chưa tốt mà tờ tin phản ánh. Sự đổi mới cả nội dung và hình thức của tờ Tin Thái Bình đã tạo điều kiện thuận lợi để chuyển thành Báo Tiến Lên chính là Báo Thái Bình ngày nay.

(còn nữa)

Trần Hương

(Bài viết sử dụng tư liệu từ Địa chí Thái Bình, Lịch sử Đảng bộ Thái Bình, các tài liệu liên quan và ý kiến, tư liệu của các nhà báo lão thành và đồng nghiệp).