Thứ 4, 20/11/2024, 12:29[GMT+7]

Tăng cường rà soát, quản lý người từ tỉnh ngoài về những ngày cuối năm

Thứ 5, 30/12/2021 | 18:03:25
2,486 lượt xem
Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành phố, số ca nhiễm mỗi ngày của cả nước vẫn ở mức 5 con số và chưa có dấu hiệu giảm. Trước diễn biến của dịch bệnh những ngày cuối năm, Thái Bình đã tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch. Cùng với việc thần tốc tiêm vắc-xin, tăng cường rà soát, quản lý người từ tỉnh ngoài về là một trong nhiệm vụ quan trọng mà các địa phương đang khẩn trương thực hiện nhằm kiểm soát nguồn lây, ngăn chặn dịch lây lan, bùng phát trên địa bàn.

Người dân thực hiện khai báo y tế khi từ tỉnh ngoài về.

Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người kiểm soát các trường hợp nguy cơ là nhiệm vụ tổ Covid-19 đã duy trì, thực hiện từ lâu nhưng trong đợt cao điểm cuối năm, hoạt động này được tăng cường hơn. Tại thôn Nguyên Xá, xã Quỳnh Hội (Quỳnh Phụ), những ngày này, các thành viên trong tổ Covid-19 cộng đồng thường xuyên đi từng ngõ, gõ từng nhà rà soát, tuyên truyền vận động người dân thực hiện nghiêm khuyến cáo “5K”; không đi ra tỉnh ngoài đồng thời tuyên truyền cho người thân ở các tỉnh, thành phố đang có dịch diễn biến phức tạp hạn chế về địa phương nếu không có việc thực sự cần thiết. Trong trường hợp bắt buộc đến, về phải khai báo y tế và thực hiện xét nghiệm trước khi đến, về tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Định, Tổ trưởng Tổ Covid-19 cộng đồng thôn Nguyên Xá, xã Quỳnh Hội chia sẻ: Tổ Covid-19 của chúng tôi có 6 người, mỗi người phụ trách khoảng 60 hộ gia đình. Các thành viên trong tổ thường xuyên đến các gia đình tuyên truyền vận động, rà soát, nắm chắc di biến động dân cư, quản lý, giám sát người cách ly ở nhà… Dịp tết Dương lịch, tết Nguyên đán Nhâm Dần, chúng tôi tăng cường tuyên truyền, rà soát nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong phòng, chống dịch. Các trường hợp có nhu cầu về địa phương được rà soát, thống kê lập danh sách gửi UBND xã để quản lý, giám sát, sàng lọc kịp thời; nếu có kết quả xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 sẽ cách ly ra khỏi cộng đồng sớm nhất.

Ông Phạm Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ cho biết: Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, Huyện ủy đã ban hành Chỉ thị số 09 – CT/HU về việc tổ chức tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022; UBND huyện cũng đã có Công điện về tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch. Trong bối cảnh dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp ở nhiều tỉnh, thành phố như hiện nay, chủ động phòng, chống dịch, nhất là dịp cuối năm, huyện tập trung vào 3 mũi nhọn, đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện khuyến cáo “5K”, hạn chế đi ra tỉnh ngoài và không về địa phương khi không có việc cần thiết; giao tổ Covid-19 cộng đồng tăng cường rà soát, giám sát, nắm chắc di biến động dân cư và phát huy vai trò của cấp ủy, chính quyền địa phương trong triển khai, thực hiện. Bên cạnh đó, đề nghị ngành Y tế tích cực hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tự xét nghiệm sàng lọc; phối hợp tăng cường giám sát, xét nghiệm ở các khu vực nguy cơ cao; tăng cường kiểm tra, giám sát các quy định phòng, chống dịch… Các biện pháp của huyện nhằm thiết lập hàng rào chắn từ sớm, từ cơ sở để kiểm soát dịch hiệu quả; quyết tâm phòng, chống dịch với tinh thần cao nhất.

Cùng với huyện Quỳnh Phụ, các huyện, thành phố cũng đã tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch. Cụ thể, tại huyện Hưng Hà, ngoài việc tăng cường công tác tuyên truyền, đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc-xin… để tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn dịp tết Dương lịch năm 2022, kể từ 0 giờ ngày 29/12/2021 đến 0 giờ ngày 4/1/2022, tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, xông hơi, massage, cơ sở thẩm mỹ, cắt tóc, gội đầu, cơ sở dịch vụ thể thao, các điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng, quán cà phê, trà chanh, quán ăn uống vỉa hè. Các cơ sở kinh doanh nhà hàng, quán ăn chỉ được phép bán mang về và phải bảo đảm thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định. Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo tạm dừng tổ chức các sự kiện, liên hoan, tiệc cuối năm tập trung đông người (trừ các hội nghị theo yêu cầu nhiệm vụ, được phép của cơ quan có thẩm quyền); nghiêm cấm tổ chức ăn uống linh đình; hạn chế tối đa số người ở các đám cưới, đám tang, đám giỗ, sang cát, mừng thọ… Các xã, thị trấn thành lập tổ phản ứng nhanh phòng, chống dịch.

Người dân khai báo tại trạm y tế khi đi từ tỉnh ngoài về. 

Theo thống kê của ngành Y tế, từ ngày 10/11 - 30/12 trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 2.413 ca mắc Covid-19, trong đó có nhiều ca từ tỉnh ngoài về. Bên cạnh đó, từ ngày 12/10 – 30/12, các xã, phường, thị trấn trong tỉnh cũng đã rà soát được 30.888 trường hợp nguy cơ từ các vùng có dịch về địa bàn. Điều này cho thấy nguy cơ dịch lây lan, bùng phát là rất lớn nếu các địa phương không rà soát, quản lý kịp thời người từ vùng dịch về. Hiện nay việc rà soát, giám sát, quản lý người từ tỉnh ngoài, nhất là người từ vùng nguy cơ cao, có nhiều ca nhiễm trong cộng đồng về vẫn đang được thực hiện song theo chia sẻ của nhiều địa phương có những trường hợp đi, về trong ngày hoặc về tối sáng mai đi gây khó khăn cho tổ Covid-19 cộng đồng trong việc giám sát, phát hiện kịp thời các trường hợp nguy cơ. Thêm vào đó, số người đang làm việc, sinh sống, học tập tại tỉnh ngoài ở một số địa phương rất đông. Do đó để có thể kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, ngoài sự vào cuộc của các ngành, địa phương, đơn vị rất cần sự chung tay, hưởng ứng của mỗi người dân. Sự đồng lòng, ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân sẽ là một trong những vũ khí quan trọng để kiểm soát dịch bệnh, giảm nguy cơ lây lan, bùng phát của dịch khi biến chủng Delta vẫn đang diễn biến phức tạp và Việt Nam đã ghi nhận 1 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron.

Hoàng Lanh