Thứ 4, 20/11/2024, 12:20[GMT+7]

Báo Thái Bình nơi tiếp sức cho tôi đi lên trên con đường sáng tạo nghệ thuật

Thứ 7, 01/01/2022 | 15:00:44
1,857 lượt xem
Đầu năm 1976, từ một anh bộ đội, đi giải phóng miền Nam, khi đất nước thống nhất, tôi chuyển ngành về làm phóng viên Báo Thái Bình. Suốt 22 năm gắn bó với tòa báo Thái Bình, mãi tới năm 1997 tôi mới chuyển lên công tác tại Đài Truyền hình Việt Nam. Vì thế quãng thời gian cầm bút làm báo đầu tiên của tôi có rất nhiều kỷ niệm ở Báo Thái Bình. Nơi đã đào tạo, rèn luyện, nâng đỡ, tiếp sức cho tôi, vừa làm báo vừa sáng tác văn học.

Nhà văn, nhà báo Minh Chuyên giới thiệu tác phẩm tại bảo tàng tới khách tham quan.

Những kỷ niệm ở toà báo tôi vẫn còn ghi nhớ trong trái tim. Những năm tháng thời bao cấp, đạp xe đi cơ sở viết bài, nộp tem gạo để được ăn cơm ở hợp tác xã, cả tuần lễ bám cơ sở mới về cơ quan. Kỷ niệm những ngày đầu gian khó của tòa báo, mỗi dịp tết đến, phóng viên theo dõi huyện, xuống huyện xin mua lợn, về cả tòa báo thức thâu đêm giết mổ chia phần cho mọi người. Kỷ niệm những chuyến đi trao đổi nghiệp vụ, giao lưu với các báo bạn ở phía Bắc, phía Nam rất vui, bổ ích và ấn tượng. Cán bộ, phóng viên tòa báo góp tiền ăn cơm tập thể tại nhà bếp của Văn phòng Tỉnh ủy, ở nhà tập thể lúc nào cũng vui. Có nhiều phóng viên nhà ở quê, cách cơ quan báo chừng dăm, bảy cây số mà cả tuần mới về thăm nhà. Tất nhiên ngày ấy còn trẻ, phần lớn chưa có vợ con, ở tập thể rất thích, lại tiện lợi cho việc trao đổi nghiệp vụ, có việc đột xuất cơ quan điều động là phóng đi liền. Đạp xe đạp đi các huyện xa như Thái Thụy, Tiền Hải, Hưng Hà cứ băng băng. Nhiều kỷ niệm lắm. Nhưng với tôi sâu sắc nhất là chuyện làm nghề, chuyện viết những bài báo gây “sóng gió” làm cả tòa soạn cùng vất vả. Trong bài viết này, tôi kể một vài kỷ niệm nho nhỏ xung quanh những ngày làm Báo Thái Bình, những câu chuyện có liên quan đến số phận một phóng viên như tôi.

Đặt chân về Báo Thái Bình, tôi có cảm giác một nơi sống bình yên. Những người tôi gặp như các anh Đỗ Vượng, Vũ Thái, Hữu Tháp, Hoàng Lương, Đình Tuyến, Vũ Thắng, Hải Đăng, Thiếu Sơn, Phi Hải, Minh Quốc, chị Quế Phương, Vân Dung.v.v. đều là những người tốt. Cuộc sống nghèo khó nhưng các anh chị rất chân tình, đối xử với nhau thật đày đặn. Về nghiệp vụ làm báo, tôi học được nhiều ở những đồng nghiệp lớp trước. Rồi được cơ quan cử đi Trường Tuyên giáo Trung ương học thêm nghiệp vụ làm báo. Mọi người cũng như tôi rất tự tin. Ngày ngày tập trung vào viết tin bài, phóng sự để hoàn thành định mức. Tôi có chút năng khiếu văn chương, lại được Tòa báo cổ vũ, động viên nên càng say mê vừa viết báo, vừa viết văn. Niềm đam mê viết từ thời đó cho đến tận bây giờ. Lúc nào cũng thích ngồi vào bàn viết, không viết không chịu được. Các tác phẩm của tôi được dư luận hoan nghênh, được giải thưởng cao trong nước và quốc tế, nhiều tác phẩm viết ở Báo Thái Bình và in trên Báo Thái Bình như: Thủ tục làm người còn sống, Người lang thang không cô đơn, Vào chùa gặp lại, Di họa chiến tranh, Đứa con màu da thú, Chiếc cũi trần gian, v.v.. Với tôi những ngày làm Báo Thái Bình, niềm vui có nhiều, nhưng nỗi buồn và giông gió cũng không ít. Chuyện viết “Thủ tục là người còn sống" đăng trên Báo Thái Bình và Báo Văn nghệ Hội Nhà văn là một trong những ví dụ. Khi cơ quan chính sách quy chụp cho là Minh Chuyên viết có ý đồ kích động, bôi xấu chính sách hậu phương. Rất nhiều cuộc họp điều trần diễn ra sau đó. Nếu không có Báo Thái Bình công tâm bảo vệ, chắc tôi đã bước vào một trang đời đen tối. Cả Báo Thái Bình đã vào cuộc tìm chứng cớ bảo vệ tác phẩm, bảo vệ tác giả. Anh Thiếu Văn Sơn, Phó Tổng biên tập, anh Hải Đăng trưởng phòng của tôi, anh Đình Tuyến, anh Vũ Thắng, anh Lai lái xe.v.v…vất vả đi hết nơi này, nơi kia, lên Hà Nội họp, đi Hà Bắc tìm chứng cứ có liên quan. Đến khi họ vu khống và o ép, tôi đã nghĩ đến chuyện rạch bụng mình tại một cuộc họp ở Hà Nội để bảo vệ chân lý, bảo vệ nhân vật. Biết được ý định đó, anh Lại Tây Dương cộng tác viên của Báo Thái Bình, bạn thân của tôi động viên: Nếu Minh Chuyên vào tù, hàng ngày mình sẽ mang cơm tiếp tế cho bạn, còn nếu phải chết, mình sẽ đào hố ở bên mộ bạn…

Khi đó đồng chí Đỗ Mười, Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, đọc báo Thái Bình đã gửi công văn về Tỉnh ủy Thái Bình yêu cầu Tỉnh ủy làm rõ bài ký “Thủ tục làm người còn sống”. Ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình tổ chức cuộc họp với các ban, ngành có liên quan để giải quyết sự cố theo Chỉ thị của cấp trên. Cuộc họp có mời đại diện Bộ Quốc phòng, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về dự. Cuộc họp do ông Nguyễn Quang Thường, Trưởng ban Nội chính chủ trì. Đang lúc cuộc họp căng thẳng luận tội tác giả viết “Thủ tục làm người còn sống” thì Tổng biên tập Báo Thái Bình Nguyễn Như Hinh đứng dậy phát biểu, ông nói: “Nếu tác giả bài ký phải kỷ luật hoặc đi tù, thì người chịu trách nhiệm chính là tôi chứ không phải anh Minh Chuyên”. Một Tổng biên tập với câu nói đầy dũng khí như vậy, cùng những bằng chứng sự thật phản biện của Báo Thái Bình và phản biện của nhà văn Nguyên Ngọc, Tổng biên tập Báo Văn nghệ Hội Nhà văn Việt Nam, vụ tác phẩm “Thủ tục là người còn sống” dần dần được giải tỏa. Tất nhiên phải một thời gian đấu tranh sau nữa, kết quả mới được sáng tỏ. Nhân vật Trần Quyết Định trong bài bút ký “Thủ tục làm người còn sống” từ một liệt sĩ bị vu oan đã làm được thủ tục của người liệt sĩ “không chết” trở thành anh thương binh loại 2/4. Còn tác giả thì vô can. Từ đó tôi chịu ơn Toà báo, chịu ơn cán bộ phóng viên, biên tập viên Báo Thái Bình. Cũng từ đó tôi như được truyền cảm hứng và sức mạnh để rồi cây bút chắc hơn, viết khỏe hơn, để có được chút thành công, trở thành một đạo diễn cao cấp của Nhà nước, trở thành một nhà văn có những đóng góp nhất định cho sự nghiệp văn học nghệ thuật. Bản thân tôi được tặng 62 giải thưởng văn học, báo chí, điện ảnh, truyền hình, trong đó có giải thưởng cúp vàng quốc tế tác phẩm “Cha con người lính” tại Triều Tiên tháng 9 năm 2006. Giải thưởng nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2017. Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam tác phẩm “Di họa chiến tranh” năm 1998. Giải A giải thưởng Lê Quý Đôn của UBND tỉnh Thái Bình năm 1998. 18 Huy chương vàng, bạc giải thưởng điện ảnh, truyền hình.v.v.. Năm 2017 được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình cấp đất, đầu tư kinh phí xây dựng Bảo tàng tác phẩm hậu chiến tranh mang tên Minh Chuyên tại xã Minh Khai, huyện Vũ Thư theo Quyết định số 2546/QĐ-UBND ngày 29/9/2017 của UBND tỉnh Thái Bình. Bảo tàng hiện lưu giữ hơn 600 hiện vật, hình ảnh và 300 tác phẩm văn học, điện ảnh của tôi về đề tài hậu chiến. Được Tổ chức kỷ lục Việt Nam số 2165/QĐ-KLVN/2018 xác lập là nhà văn sáng tác các tác phẩm văn học, điện ảnh, truyền hình về đề tài hậu chiến tranh Việt Nam nhiều nhất.

Tôi thường tâm sự với mọi người, nhờ Báo Thái Bình và các đồng nghiệp Báo Thái Bình, Đài Truyền hình Việt Nam hai cơ quan nơi tôi công tác, nâng đỡ tận tình giúp đỡ, tiếp sức, tôi mới có được chút thành công như vậy. Đó là những dấu ấn sâu nặng nghĩa tình đồng nghiệp, không bao giờ tôi có thể quên.

Nhà văn Minh Chuyên