Thứ 4, 20/11/2024, 12:35[GMT+7]

Ngày đầu về báo

Thứ 7, 01/01/2022 | 16:23:34
2,606 lượt xem
Khi tôi chính thức về làm phóng viên thì Báo Thái Bình đã được 11 tuổi. Ở cái tuổi non trẻ ấy song Báo đã phải đi qua 9 năm tác nghiệp trong chiến tranh phá hoại ác liệt với máy bay và tàu chiến Mỹ, hai lần phải đi sơ tán. Vậy mà, từ một tờ báo khổ nhỏ (30 x 42cm), in trên giấy hẩm, xuất bản tuần 2 kỳ... Báo đã không ngừng trưởng thành, hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin yêu của Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh suốt 60 năm qua. Ngày đó đối với tôi bao giờ cũng mới mẻ và nguyên vẹn một tình yêu với tờ báo...

Cơ duyên với nghề 

Sau tốt nghiệp phổ thông tại trường phổ thông cấp III Kiến An (Hải Phòng), tôi nhập ngũ và được biên chế một đơn vị hải quân vào những ngày đầu giặc Mỹ leo thang đánh vào đơn vị hải quân đóng tại Bãi Cháy, Hòn Gai (Quảng Ninh) ngày 5/8/1964. Miền Bắc bắt đầu có chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ và những người lính chúng tôi thật sự trở thành người lính chiến. Tất cả cán bộ, chiến sĩ hải quân đều phải cất gọn bộ quân phục mùa hè màu trắng dưới đáy ba lô và phải chuyển sang quân phục màu xanh thẫm mùa đông. Chiếc mũ cối màu trắng cũng phải bọc thêm lưới màu xanh lá cây và ngụy trang bằng những miếng vải dù. Hầu hết các đơn vị đều sơ tán về các vùng có nhiều đồi cao và hang núi đá dọc theo bờ biển từ Móng Cái đến Quảng Bình. Giữa năm 1967, lực lượng hải quân thu hẹp, sáp nhập với Quân khu Đông Bắc thành Quân khu Hải quân - Đông Bắc. Phần lớn quân số về các quân khu và biên chế cho các đơn vị chuẩn bị vào Nam. Tôi về D26 Thông tin Quân khu Tả Ngạn.

Hơn một năm sau tôi được điều về làm Báo Sông Hồng của Quân khu. Cuộc đời làm báo của tôi bắt đầu từ đó.

Dạo ấy, Báo Sông Hồng đã có nhiều cây bút nổi tiếng như các anh chị Lê Lựu, Nguyễn Thị Như Trang, Văn Đạt, Lý Văn Nghĩa, Kiều Kim Trùy; lớp trẻ có Nguyễn Đình Khản, Tuấn Đương, Kim Chuông, Minh Phương, Vũ Văn Nghệ... Ở cơ quan báo lính, mọi người sống thật hòa nhập và bình đẳng. Chúng tôi nâng cao nghiệp vụ bằng cách đọc bài của nhau và của đồng nghiệp ở Báo Nhân Dân, Báo Quân đội nhân dân; sắp xếp các chuyến đi công tác người có nghiệp vụ kèm người mới nhập nghề. Mỗi bài viết trước khi cho đăng, các anh, các chị đều góp ý thẳng thắn, đề xuất cách biên tập, sửa bài sao cho ngắn gọn hợp với yêu cầu của tờ báo... Bằng cách truyền nghề “gia truyền” này, chỉ sau hơn một tháng, chúng tôi đã tự tác nghiệp một mình ở các đơn vị, các tỉnh thành thuộc quân khu. Rồi sau đó, tôi vào chiến trường Đông Nam Bộ làm bản tin Chiến Thắng cho Sư đoàn 7. Đầu năm 1972, tôi về Đại đội 1, Tiểu đoàn 4 của sư đoàn tham gia chiến dịch Nguyễn Huệ và chốt chặn đường 13. Ngày 7/5/1972 tôi bị thương trong một trận chiến đấu rất ác liệt. Sau điều trị ở C50, K21, K160 tôi được ra Bắc. Cuối năm 1973 tôi chuyển ngành về Báo Thái Bình, kết thúc gần mười năm khoác áo lính với sức khỏe yếu, thân thể không lành lặn và bệnh sốt rét cứ vài tháng lại lên cơn co giật...

Cơ duyên đưa tôi đến với Báo Thái Bình bắt đầu từ người bạn thân. Đó là Kim Chuông, một bạn lính từ thời cùng đơn vị, cùng làm Báo Sông Hồng với rất nhiều kỷ niệm. Anh rất nhiều lần cùng tôi rong ruổi khắp các địa phương trong quân khu. Anh đã từng là người ngồi cạnh bờ đê gần Cầu Rào, chịu trận với muỗi và dĩn để canh chừng cho tôi đi tìm hiểu một người con gái mới quen trước ngày lên đường. Anh cũng là người duy nhất đèo tôi ra ga Hải Phòng bằng chiếc xe đạp cà tàng và tiễn tôi lên tàu vào Nam chiến đấu. Ngày mới về đoàn an dưỡng, do chữa trị vết thương cũ tái phát và hứng chịu những trận sốt rét, người tôi gầy đét, da dẻ bủng beo như rắn hổ giun, tôi không muốn gặp ai, kể cả gia đình. Một hôm, anh Bùi Xuân Dênh cùng an dưỡng với tôi, người cùng thôn với Kim Chuông thứ bảy về thăm nhà, tôi viết mấy dòng báo tin cho Kim Chuông là đã ra Bắc an dưỡng. Thực tình không biết Chuông đang ở đâu, mong gia đình anh báo tin giúp tôi qua anh Dênh. Khoảng chín giờ sáng hôm sau, Kim Chuông đèo vợ đến thăm tôi. Gặp nhau không kìm được nước mắt. Anh bảo, đang công tác tại Hội Văn nghệ Thái Bình, chiều thứ bảy đưa vợ về quê chơi. Nhận được thư mà cả đêm không ngủ được, chờ trời mau sáng để đến gặp tôi.

Bữa ấy, Kim Chuông thành thật khuyên tôi bỏ chuyến đi du học tại Tiệp Khắc để về Thái Bình công tác. Mọi việc tiếp theo để anh lo. Điều đáng buồn là, sau khi từ chiến trường trở về, tôi chỉ còn chiếc ba lô nhẹ thếch, nghĩa là tôi chẳng còn một bằng chứng dù rất nhỏ cho một thời đã từng làm báo trong chiến tranh. May mà chỉ ba ngày sau Kim Chuông đã sưu tầm được những bài báo của tôi đã đăng trên Báo Sông Hồng. Và đấy là bằng chứng duy nhất trong hồ sơ xin chuyển ngành của tôi.

Kỷ niệm ngày đầu về báo 

...Theo lịch hẹn, năm giờ chiều chủ nhật, ngày 14/10/1973, tôi đến trụ sở Báo Thái Bình để nhận việc. Tòa soạn là ngôi nhà cấp bốn 10 gian “hai thò tám thụt” nằm trước một mảnh đất dài và hẹp có vài luống rau cải và su hào mới trồng. Các cánh cửa màu xanh đều khóa kín. Chớm thu. Bầu trời xanh và cao thẳm. Không một ngọn gió. Nóng và khá ngột ngạt.

Vẫn còn nguyên người lính chiến với bộ quân phục, chiếc mũ cối và đôi dép cao su đúc còn mới, tôi để chiếc ba lô vào gốc cây vải, rút một chiếc dép đặt trên bờ gạch thấp và ngồi chờ. Cơ quan vẫn vắng lặng. Phía trước mảnh đất của cơ quan là con đường nhỏ trải nhựa nằm cạnh tường ngăn của ủy ban tỉnh. Những người phụ nữ trẻ vội vã đạp xe về các căn hộ tập thể phía sau cơ quan để chuẩn bị cho bữa cơm tối. Thi thoảng cũng có người quay sang nhìn nhanh tôi, không nói gì. Tôi lặng lẽ nhìn họ rồi lại nhìn trời, nhìn đất, nhìn khu tập thể Tỉnh ủy rồi nhìn lại bộ quân phục không quân hàm, quân hiệu. Bắt đầu từ hôm nay, tôi chính thức rũ bỏ một thời chinh chiến và trở thành phóng viên Báo Thái Bình...

Tôi dựa vào gốc cây vải rồi lại thẫn thờ nhìn đất ngắm trời. Cơ quan vẫn vắng lặng. Gần 6 giờ chiều, một cô gái to béo, trắng trẻo tay xách cái túi nhỏ, tiến đến bên tôi và cất giọng nhỏ nhẹ, trong veo:
- Anh Sơn phải không? Anh Lê Trọng dặn đón anh từ sớm nhưng em có tý việc bây giờ mới đến! Em là Dung cũng vừa ở Trường Tuyên huấn Trung ương về cơ quan sáng hôm qua. Anh có mang theo tem lương thực không? Có à? Vậy đưa cho em để em mua bánh mỳ sáng và báo cơm từ ngày mai. Bây giờ anh mang đồ dùng theo em về phòng nghỉ...

Dung nói nhanh và đưa tôi đến một căn phòng gần đầu nhà. Trong phòng có hai chiếc giường cá nhân. Một chiếc đã có chăn gối đặt gọn trên đầu giường. Rồi Dung bảo, giường bên là của anh Ngọc Tuyền từ chiến trường Quảng Trị mới về. Sáng qua anh Tuyền đi công tác ở Vũ Thư, chắc lại về với vợ con ở xã Vũ Vân rồi. Dung hướng dẫn tôi vài việc sinh hoạt nhỏ của cơ quan rồi xin phép về nhà tại xã Thuận Vi.

Cũng là một kỷ niệm thú vị khi đêm đầu tiên chỉ một mình ở cơ quan dân sự, không phải giật mình khi có lệnh báo động.

Sáng thứ hai cơ quan Báo họp. Anh Lê Trọng giới thiệu nhanh về tờ báo và giới thiệu với mọi người trong cơ quan là tôi về từ đoàn an dưỡng; Quang Điện và Vân Dung cũng mới về cơ quan từ Trường Tuyên huấn Trung ương. Lần đầu tiên tôi được gặp mặt những nhà báo chỉ mới nghe tên. Nhìn ai cũng toát lên vẻ khắc khổ của người từng trải qua chiến tranh nhưng lại rất vui vẻ và tếu táo. Đó là Lê Trọng, Phó Tổng biên tập, người từng làm công tác tuyên truyền thời đánh Pháp; Đỗ Vĩnh Bảo, ủy ban biên tập kiêm thư ký tòa soạn, nguyên là phóng viên Đài Phát thanh Tây Bắc. Hai cán bộ miền Nam tập kết là Văn Đạt và Xuân Hải. Rồi Đặng Hữu Sửu, Tô Kim Tuyền, Hữu Tháp, Nguyễn Văn, Đỗ Vượng, Nguyễn Tiến Lộc, Phạm Huy Niết từng là cán bộ, bộ đội thời chống Pháp. Lớp trẻ hơn là Minh Lập, nguyên phóng viên ảnh Báo Thiếu niên Tiền phong; Nguyễn Đình Hồng, nguyên phóng viên ảnh Báo Tây Bắc; nữ phóng viên Lương Quế Phương từ Khu học xá Trung ương... Tất cả những nhân vật ấy đều kinh qua học tập, công tác và chiến đấu, có phẩm chất đạo đức, có tay nghề vững vàng. Cũng buổi sáng hôm ấy, tôi được phân công về Phòng Văn xã do anh Đặng Hữu Sửu là Trưởng phòng. Sau đó, phòng phân công tôi theo dõi mảng quân sự địa phương, thương binh xã hội và xây dựng kinh tế mới.

Báo Thái Bình cho tôi rất nhiều 

Tôi bước vào nghề với sự hăm hở của người lính. Theo dõi mảng đề tài này, tôi lại được dịp gặp lại và viết về hai đại đội 4 nam và nữ anh hùng ở Tiền Hải mà đã từng đã viết thời còn ở Báo Sông Hồng. Viết về những người mẹ, người vợ ở hậu phương, về những người lính quê Thái Bình đang chiến đấu hoặc đã phục viên, chuyển ngành; về những chuyến đi cùng đồng bào đi xây dựng kinh tế mới ở Nghĩa Lộ, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Lào Cai... Sau giải phóng năm 1975, tôi cũng được phân công đến các miền đất Tây Nguyên cùng đồng bào rời quê hương Thái Bình đi xây dựng quê hương mới; đi thăm và viết về những nhân vật điển hình ở Sài Gòn, Đà Lạt, Buôn Mê Thuột, Playku, Đắc Nông... Đi nhiều các vùng đất khắp từ Bắc vào Nam, gặp gỡ nhiều những người lính, những người tình nguyện ra đi xây dựng kinh tế mới, tôi mới nhận ra rằng, chính những vùng đất nghèo ấy, chính những con người khắc khổ và quả cảm ấy đã giúp tôi có những bài viết sát thực và cũng tích lũy nhiều tư liệu cho gần chục cuốn truyện ngắn và tiểu thuyết sau này...

Bây giờ nghĩ lại càng thấy Báo Thái Bình cho tôi rất nhiều. Suốt những năm tháng ở Báo, tôi được cơ quan cho đi học Đại học Nông nghiệp, được đào tạo chính trị cơ bản, được đào tạo nghiệp vụ báo chí tại Trường báo chí OIJ tại Hungari và được tin tưởng giao nhiều trọng trách với thái độ nghiêm túc và chân thành...

Kỷ niệm 60 năm ngày Báo Thái Bình xuất bản số đầu, tôi rất vui và cũng cảm thấy bùi ngùi bởi mình đã gắn bó ở đó suốt 27 năm. Gần hết số cán bộ, phóng viên gạo cội đã qua đời như các anh, các chị Minh Lập, Nguyễn Văn, Đỗ Vượng, Vũ Thái, Xuân Hải, Phạm Văn Bằng, Hoàng Lương, Nguyễn Đình Tuyến, Vân Dung, Quang Điện, Vũ Thắng, Nguyễn Như Hinh, Tô Kim Tuyền... Số còn lại cũng tám, chín chục tuổi, ốm yếu và đi lại khó khăn. Nhưng với tôi, họ vẫn là những viên gạch quý đặt nền móng cho sự đổi mới và phát triển của Báo Thái Bình ngày càng đẹp hơn, hay hơn và đến với bạn đọc nhiều hơn.

Thiếu Văn Sơn 

  • Từ khóa