Chủ nhật, 10/11/2024, 05:52[GMT+7]

Đồng bào Công giáo Thành phố Thái Bình Xây dựng xứ, họ an lành, ấm no

Thứ 2, 10/06/2013 | 13:51:26
803 lượt xem
Thành phố Thái Bình hiện có khoảng 5.000 người theo đạo Công giáo, sinh hoạt tín ngưỡng ở 4 xứ, 8 họ, 13 nhà thờ, trong đó có Nhà thờ Chính tòa. Nhiều năm qua, đồng bào Công giáo Thành phố đã động viên nhau sống “tốt đời, đẹp đạo”, góp sức vào công cuộc xây dựng, bảo vệ quê hương, đất nước thông qua các phong trào thi đua làm kinh tế giỏi, xây dựng nông thôn mới, khu dân cư văn hóa… nhằm khẳng định tinh thần, trách nhiệm của người Công giáo đồng hành cùng dân tộc để “nước vinh, đạo sán

Biểu diễn văn nghệ chào mừng Giáng sinh tại Nhà thờ Chính tòa.

Hỗ trợ đồng bào Công giáo xây dựng xứ, họ an lành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố Thái Bình phối hợp với các ngành chức năng tổ chức hội nghị phổ biến nghị quyết của Ðảng, các văn bản của Nhà nước quy định về hoạt động tín ngưỡng tôn giáo tới tất cả bà con giáo dân. Tổ chức cho các ban trùm ký cam kết xây dựng xứ, họ không có tệ nạn xã hội, không vi phạm an toàn giao thông, tham gia bảo đảm an ninh trật tự. Ban công tác mặt trận các khu dân cư thường xuyên phối hợp với các vị chức sắc, ban trùm tuyên truyền, vận động giáo dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách, pháp luật của Ðảng, Nhà nước, Pháp lệnh Tín ngưỡng tôn giáo, hương ước, quy ước thôn, làng. Nhiều vị chức sắc, ban trùm tham gia công tác hòa giải ngay trong xứ, họ do mình cai quản, khuyên nhủ mọi người đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau. 5 năm qua, các xứ, họ đã quyên góp xây dựng 83 nhà tình nghĩa tặng hộ nghèo, hộ chính sách, thăm hỏi và trao quà cho 240 lượt gia đình, trị giá hơn 1 tỷ đồng, giúp họ ổn định nơi ăn, chốn ở, vượt qua khó khăn trước mắt, tập trung phát triển sản xuất.

Ngoài việc tham gia xây dựng quỹ khuyến học, khuyến tài tại các chi, tổ, các xứ, họ còn thành lập chi hội khuyến học của xứ, họ mình, mỗi năm tặng thưởng hàng trăm suất học bổng cho các cháu học sinh nghèo vượt khó, học sinh giỏi, đỗ đạt cao. Tiêu biểu như: xứ Sa Cát, họ giáo Phú Long, họ giáo Cát Trại, xứ Cát Ðàm, họ giáo Lạc Ðạo… Ðược gia đình và xứ, họ quan tâm, chăm lo chu đáo, tình trạng bỏ học ở cấp tiểu học và THCS của con em giáo dân không còn, tỷ lệ học sinh đạt loại khá, giỏi, đỗ đại học, cao đẳng ngày càng tăng.

Thực hiện nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang và lễ hội, bà con giáo dân đã loại bỏ hẳn các hủ tục lạc hậu ra khỏi đời sống, tổ chức ma chay, cưới xin, hành lễ trang trọng, tiết kiệm, đúng quy định… Năm 2012, toàn Thành phố có 1.016 hộ giáo dân được công nhận “Gia đình văn hóa”.

Thi đua làm kinh tế giỏi, bà con giáo dân Thành phố đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng năng suất, chất lượng cũng như giá trị của sản phẩm. Xây dựng thành công nhiều cánh đồng đạt giá trị 250 triệu đồng/ha như ở xứ Sa Cát (phường Hoàng Diệu). Có 336 hộ mạnh dạn chuyển đổi mô hình kinh tế, đạt hiệu quả cao; 80 hộ phát triển nghề truyền thống như: đan làn, mây tre đan, nghề mộc… giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động lúc nông nhàn.

Gương mẫu trong lao động, sản xuất, nhạy bén với thị trường, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, phát triển cây, con, ngành nghề phù hợp nên nhiều giáo dân đã trở thành điển hình làm kinh tế giỏi trên các lĩnh vực như: trồng cây cảnh có ông Vũ Văn Duẫn, xứ Sa Cát (Hoàng Diệu), ông Bùi Văn Tuyền, họ giáo Tống Thỏ (Ðông Mỹ); làm dịch vụ và sản xuất đồ gỗ, kinh doanh vật liệu xây dựng, may mặc có ông Lê Văn Khoa, xứ Sa Cát, ông Vũ Văn Thành, Chu Văn Trọng, họ giáo Chi Lai (Tân Bình), bà Trần Thị Dinh, họ giáo Thượng Cầm (Vũ Lạc), bà Nguyễn Thị Trinh, họ giáo Cát Ngoại (Ðông Hòa)…  Hăng hái thi đua lao động, sản xuất, đời sống vật chất, tinh thần của bà con giáo dân Thành phố ngày càng được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ khá, giàu chiếm 54,2%, hộ có mức thu nhập trung bình chiếm 36,3%, hộ nghèo chiếm 9,5%, không còn hộ đói. Nhiều gia đình không những ấm no mà còn tích lũy mở rộng sản xuất, kiến thiết nhà cửa khang trang, mua sắm phương tiện đắt tiền phục vụ cuộc sống, đầu tư cho con cái học hành.

Với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, sống “tốt đời, đẹp đạo”, phong trào thi đua yêu nước xây dựng “xứ, họ đạo 4 gương mẫu” của đồng bào Công giáo sẽ ngày càng phát triển, góp phần cùng với Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân Thành phố Thái Bình thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu đưa Thành phố Thái Bình sớm trở thành đô thị loại II.

Bài, ảnh:  Trung Hiếu

  • Từ khóa