Chủ nhật, 10/11/2024, 05:29[GMT+7]

Gia đình là tế bào của xã hội

Thứ 3, 11/06/2013 | 08:50:41
25,395 lượt xem
“Gia đình là tế bào của xã hội, có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, con người mới”. Theo quan niệm truyền thống, xây dựng văn hóa gia đình trên nền tảng đạo đức bao gồm đạo hiếu, đạo nghĩa như đạo mẫu tử, cha con, chồng vợ, anh, em; cách cư xử với ông bà, cha mẹ, với xóm làng…

Ảnh minh họa

Ngày 6 tháng 5 năm 2013, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ra Hướng dẫn số 1629/HD-BVHTTDL về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Năm Gia đình Việt Nam 2013, Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 và Ngày Quốc tế Hạnh phúc 20/3/2014 nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của gia đình, về chủ trương, chính sách, pháp luật của Ðảng và Nhà nước liên quan đến gia đình; tôn vinh những giá trị nhân văn sâu sắc của gia đình Việt Nam; đẩy mạnh tuyên tuyền, vận động các tầng lớp nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, kế thừa truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam.

 

“Gia đình là tế bào của xã hội, có vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp xây dựng chế độ mới, nền kinh tế mới, con người mới”. Theo quan niệm truyền thống, xây dựng văn hóa gia đình trên nền tảng đạo đức bao gồm đạo hiếu, đạo nghĩa như đạo mẫu tử, cha con, chồng vợ, anh, em; cách cư xử với ông bà, cha mẹ, với xóm làng… Từ thuở còn nằm trong nôi, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng được nghe những lời hát ru mượt mà, những câu ca đằm thắm của mẹ, của bà dạy bảo: “Công cha như núi Thái Sơn/ Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ mẹ, kính cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Lớn thêm chút nữa, chúng ta được dạy về cách ứng xử, về đức làm người: “Kính trên, nhường dưới”; “Chị ngã, em nâng”; “Môi hở, răng lạnh”; “Lá rách ít  đùm lá rách nhiều”; “Bầu ơi thương lấy bí cùng/ Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”; “Một con ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”…

 

Tất cả những lời dạy bảo trên đã thấm nhuần vào mỗi người con đất Việt, hình thành trong ta lòng nhân hậu, bao dung, vị tha; tinh thần đoàn kết, gắn bó keo sơn, tình yêu thương con người. Tình yêu gia đình là tình yêu thiêng liêng đầu đời, cũng là cái nôi đầu tiên giúp ta nuôi dưỡng lý tưởng. Tinh thần yêu nước xuất phát từ những điều nhỏ nhất, từ tình yêu gia đình, dòng tộc, yêu cha mẹ và những năm tháng tuổi thơ sống trong yên bình dưới mái nhà nơi làng quê, yêu xóm giềng, yêu cả những khuôn mặt người quen nơi đồng đất, quê nhà. Nếu một ngày có phải chiến đấu, hy sinh cho Tổ quốc thì ai trong chúng ta cũng sẵn lòng bởi vì Tổ quốc chính là nơi có mẹ cha, có gia đình, dòng tộc, bạn bè, người quen thân. Tổ quốc là một phần máu thịt của mỗi người dân đất Việt!

 

Ngày nay, trong bối cảnh hội nhập của xu thế toàn cầu hóa, bên cạnh những tác động tích cực, ảnh hưởng mặt trái của nền kinh tế thị trường cùng sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, Internet… đã đặt chúng ta trước một thử thách đó là nền tảng gia đình Việt Nam truyền thống phần nào bị mai một. Nhiều người trong lớp trẻ ngày nay không còn giữ được đạo lý truyền thống, chạy theo lối sống ích kỷ, đề cao giá trị vật chất, xem nhẹ giá trị tinh thần… Những bữa cơm không còn đông đủ các thành viên, nhiều khi chỉ có bố mẹ ngồi ăn cơm cùng nhau mà chan chứa nỗi buồn. Trong khi đó, lệ ly hôn ngày một tăng. Ở Việt Namon> hiện nay có khoảng 60.000 vụ ly hôn mỗi năm, tương đương 0,75 vụ/1.000 dân. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn, nhưng chủ yếu là do thiếu kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình; mâu thuẫn, xung đột giữa các thành viên; ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài…

 

Ðứng trước thực trạng này,  các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân cần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của gia đình và công tác gia đình; xử lý kịp thời vấn đề bức xúc về gia đình và đạo đức xã hội; làm tốt công tác giáo dục trước và sau hôn nhân, kiến thức làm cha mẹ, kỹ năng ứng xử của các thành viên trong gia đình; hỗ trợ nguồn lực cho công tác gia đình; đặc biệt là sự phối hợp giữa các ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật liên quan đến gia đình cho người dân; nội dung tuyên truyền cần phong phú, đa dạng, phù hợp hơn với từng nhóm đối tượng…

 

Hưởng ứng Năm Gia đình Việt Nam năm 2013 và Ngày Gia đình Việt Nam 28/6, mỗi gia đình cần tự ý thức vị trí, vai trò của mình trong xã hội; hướng mỗi thành viên đến nét đẹp truyền thống gia đình, xây dựng một gia đình mẫu mực. Các cơ quan, đoàn thể cần phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng nhằm giải quyết những thách thức, khó khăn trong công tác gia đình; giáo dục các thành viên trong gia đình về tình yêu đất nước, đức hy sinh, lòng vị tha và nhân ái; có lối sống lành mạnh, ứng xử văn minh phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc và xu thế phát triển của thời đại. Ðây cũng là thông điệp gửi đến các gia đình Việt Namon>: hãy trân trọng và giữ gìn những giá trị truyền thống tốt đẹp mà ông cha ta để lại - đó chính là ngọn lửa để duy trì hạnh phúc!

Đặng Anh

  • Từ khóa