Chủ nhật, 10/11/2024, 05:49[GMT+7]

Hiến máu cứu người - Một nghĩa cử cao đẹp

Thứ 5, 13/06/2013 | 19:56:06
1,418 lượt xem
Đó là thông điệp chung mang tính nhân văn sâu sắc, đồng thời cũng là thông điệp đặc biệt quan trọng xin được gửi tới tất cả mọi người nhân Ngày Thế giới tôn vinh người hiến máu tình nguyện 14/6.

Đồng chí Bùi Vũ Khúc, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh trao Giấy khen cho các tập thể có nhiều thành tích trong phong trào hiến máu tình nguyện năm 2012. Ảnh: Hoàng Minh

Người đầu tiên phát minh ra nhóm máu AOB vào năm 1900 là Giáo sư người Áo Karl Lendsteiner. Ông đã mang lại bước tiến quan trọng cho lịch sử truyền máu thế giới. Có được phát minh nhóm máu, có được sơ đồ truyền máu chính là sự hồi sinh cho cả nhân loại. Để ghi nhớ công ơn của Giáo sư Karl Lendsteiner, Hiệp hội Người hiến máu thế giới đã lấy ngày sinh của ông - ngày 14/6, là Ngày Thế giới tôn vinh người hiến máu tình nguyện.

 

Phong trào hiến máu nhân đạo do Hiệp hội Chữ thập đỏ - Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế khởi xướng từ năm 1921, đến nay đã được 92 năm. Gần một thế kỷ đã trôi qua nhưng phong trào hiến máu cứu người vẫn giữ nguyên giá trị nhân văn cao đẹp, càng ngày càng tô đậm thêm lòng nhân ái, càng ngày càng có ý nghĩa quan trọng và đã được phát triển rộng khắp trên phạm vi toàn cầu. Hiện nay đã có 182 quốc gia trên thế giới hưởng ứng; trên 88% lượng máu thu được là máu hiến nhân đạo tự nguyện. Mỗi năm trên toàn thế giới có hàng trăm triệu đơn vị máu (thể tích 250ml/đơn vị) được hiến tặng và cũng có nghĩa là mỗi năm có hàng chục triệu người được cứu sống bởi được tiếp máu kịp thời.

 

Ở nước ta, trung bình mỗi năm cần tới một lượng máu rất lớn: từ 1,5 triệu đến 1,8 triệu đơn vị máu cho công tác cấp cứu và điều trị người bệnh. Tuy nhiên, chúng ta chưa đáp ứng được nhu cầu đó.

 

Phong trào hiến máu tình nguyện ở Thái Bình xuất phát từ nhu cầu thực tế và sự đòi hỏi cấp thiết, đáp ứng cho việc cứu chữa những ca bệnh hiểm nghèo cần phải truyền máu. Dân số tỉnh ta hiện nay vào khoảng 1,86 triệu người; nhu cầu máu cần cho người bệnh khoảng 37.000 đơn vị máu/năm (~2% dân số). Tuy nhiên tổng lượng máu huy động từ các nguồn trong năm 2012 mới đạt 10.067 đơn vị máu, đáp ứng khoảng 33% nhu cầu. Như vậy, mỗi năm còn có rất nhiều người bệnh cần máu để cấp cứu, điều trị, chữa bệnh. Số lượng máu hiến cần phải được tăng lên qua từng năm, bên cạnh đó chất lượng máu cũng cần phải được bảo đảm an toàn hơn. Nguồn máu an toàn chính là nguồn máu hiến tình nguyện của những người khỏe mạnh bình thường.

 

Cán bộ, nhân viên Hội Chữ thập đỏ tỉnh sau một buổi hiến máu tình nguyện. Ảnh: Minh Sơn

 

Những năm gần đây tình hình hiến máu tình nguyện ở tỉnh ta đã được cải thiện cơ bản, số người tham gia hiến máu tình nguyện năm sau cao hơn năm trước, số lượng và chất lượng máu được nâng lên rõ rệt. Tỉnh đã khắc phục cơ bản tình trạng khan hiếm máu trong dịp Tết Nguyên đán và dịp hè. Việc chỉ đạo hoạt động hiến máu tình nguyện ở các cấp, các ngành được quan tâm hơn, chủ động hơn, tự nguyện hơn. Các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp đã thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện. Đây vẫn là nơi cung cấp nguồn người hiến máu tình nguyện tiềm năng rất quan trọng và an toàn (Trường Cao đẳng Y Thái Bình vượt 136%; Trường Đại học Y Thái Bình vượt 115,8%).

 

Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, hệ thống Ban Chỉ đạo tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện của toàn tỉnh đã hoạt động tích cực, thường xuyên được kiện toàn. 8/8 huyện, thành phố đã mở chiến dịch tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện và thu nhận được hàng nghìn đơn vị máu (năm 2012, huyện Vũ Thư vượt chỉ tiêu 238,6%; huyện Quỳnh Phụ vượt 115,4%; huyện Kiến Xương vượt 113,3%). Nhiều xã trong tỉnh cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện, xây dựng kế hoạch chỉ tiêu và cam kết hiến máu tình nguyện. Các sở, ngành như Sở Lao động - TBXH vượt 171%; Công an tỉnh vượt 138%; điểm vận động hiến máu tình nguyện tại Hội Chữ thập đỏ tỉnh vượt 104%. Phong trào hiến máu tình nguyện ở các trường: Đại học Thái Bình, Đại học Công nghiệp TP.HCM - cơ sở Thái Bình, Đại học Y Thái Bình,  Cao đẳng Y tế Thái Bình, Cao đẳng Sư phạm Thái Bình, Trung cấp Xây dựng Thái Bình, Trung cấp Sư phạm mầm non, Trường Chính trị tỉnh… ngày càng phát triển với nội dung hoạt động phong phú. Đã thành lập 4 câu lạc bộ hiến máu tình nguyện, 1 câu lạc bộ ngân hàng máu sống, hoạt động có chiều sâu, nền nếp, hiệu quả thiết thực.

 

Như chúng ta đã biết, máu là một loại thuốc hồi sinh đặc biệt, chỉ có trong cơ thể con người, trên thế giới chưa có nơi nào chế tạo ra được máu. Những ca bệnh hiểm nghèo như các bệnh về máu, tai nạn chấn thương mất máu, phẫu thuật chảy máu, tai biến sản khoa mất máu ồ ạt, chạy thận nhân tạo..., nếu không có máu truyền thì nguy cơ tử vong của bệnh nhân rất cao. Chính vì vậy, xã hội rất cần và đánh giá rất cao vai trò của người hiến máu tình nguyện, cả thế giới tôn vinh người hiến máu tình nguyện.

 

Hàng năm chúng ta đã tôn vinh những tấm gương điển hình hiến máu tình nguyện như: bố con anh Minh, cháu Duy ở xã Phú Châu, Đông Hưng 4 lần hiến máu; hai anh em ruột Linh và Hương ở xã Tam Quang, Vũ Thư 8 lần hiến máu; sinh viên Nguyễn Việt Triều từ Cà Mau đến học tập tại Trường Đại học Y Thái Bình đã 20 lần tham gia hiến máu; vợ chồng anh Trịnh Đăng Tuân, 36 tuổi, ở phường Quang Trung, Thành phố Thái Bình 5 lần hiến máu, vợ anh là chị Phạm Thị Lan 13 lần hiến máu; chị Hoàng Thị Sáu ở xóm 3, xã Vũ Phúc, Thành phố Thái Bình làm nghề tạp vụ nuôi con ăn học, đã 3 lần tự nguyện hiến máu.

 

Một điểm sáng mới nhất là vừa qua, vào ngày 29/3/2013, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã phát động phong trào hiến máu tình nguyện tới toàn thể cán bộ, hội viên phụ nữ toàn tỉnh; đã có 120 chị em hiến máu tình nguyện. Gần đây đã xuất hiện những danh sách mới, những đơn vị mới tự nguyện tham gia đóng góp cho phong trào hiến máu tình nguyện như: Công ty Xăng dầu dầu khí Thái Bình, Ngân hàng Hợp tác xã Việt Namon> - Chi nhánh Thái Bình (tiền thân là Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương - Chi nhánh Thái Bình)...

 

Xứng đáng tôn vinh hàng trăm gương mặt thân quen đã đồng hành cùng với Hội Chữ thập đỏ tỉnh trong suốt chặng đường nhân đạo và đã tích cực tuyên truyền vận động hiến máu tình nguyện như: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, ngành y tế, ngành giáo dục và đào tạo, Liên đoàn Lao động tỉnh, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh, các ngân hàng, bưu điện, ngành giao thông vận tải, điện lực, Cục Thuế tỉnh, Sở Lao động - TBXH,  nhiều công ty, cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn, các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp...

 

Những kết quả đó, những tấm gương điển hình đó khẳng định sự thay đổi về nhận thức, đánh giá trình độ văn minh của người dân Thái Bình đã phát huy truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam là yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, sẻ chia, giúp đỡ nhau - nhất là trong những lúc khó khăn, hoạn nạn.

 

Một lần nữa khẳng định, máu đối với sự sống của con người là cực kỳ quan trọng, chính vì vậy, tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện cũng là một việc làm vô cùng gian khó, từ việc cung cấp thông tin đến hiểu biết, làm thay đổi nhận thức, cho đến khi người dân tự nguyện hiến máu là cả một quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục.

 

Với trách nhiệm xã hội và tình yêu thương con người, chúng ta cùng nhau góp sức cho phong trào hiến máu tình nguyện bằng cách tích cực tuyên truyền, vận động tới tất cả cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, hội viên, đoàn viên, thanh niên, sinh viên và toàn thể nhân dân, vận động những người có đủ điều kiện hiến máu: Hãy vì tình thương, vì trách nhiệm với cộng đồng mà sẵn sàng hiến tặng những giọt máu thắm đượm tình người để cứu sống những người bệnh hiểm nghèo.

Bùi Vũ Khúc

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh, Phó trưởng ban thường trực Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh

 

 

  • Từ khóa